Tạp chí Sông Hương -
Thời khó khăn của văn chương?
14:43 | 04/09/2015

Tác phẩm văn xuôi, trong đó có truyện ngắn xuất hiện trên báo chí đã trở thành món ăn tinh thần nhiều năm nay cho độc giả. Tuy nhiên, dường như món ăn tinh thần này đang ngày càng có xu hướng bị co lại, bị thay thế.

Thời khó khăn của văn chương?
Báo chí văn nghệ

Truyện ngắn giữa các tác giả khác nhau và đa dạng là lẽ đương nhiên. Nhưng ngay cả truyện ngắn của cùng một tác giả đã có sự khác nhau giữa việc in sách và in báo.

Nói về tác phẩm văn chương dài, dường như chỉ có báo và tạp chí chuyên về văn chương, hoặc báo điện tử mới ưu ái số trang dành cho việc in trọn vẹn sáng tác của tác giả.

Truyện ngắn in báo thường bị đặc điểm của báo chí chi phối bởi số chữ, số trang. Thế nên tác giả dù có viết truyện hay đến mấy, mải mê đến mấy thì chấp nhận in báo cũng dễ bị cắt gọt một cách không thương tiếc. Bên cạnh việc biên tập các “lỗi” thì họ còn có khả năng biến truyện 5 nghìn chữ còn 3 nghìn chữ, hay 2 nghìn chữ vẫn thành truyện mới tài chứ. Chuyện thật như đùa này tưởng các tác giả phải nhảy dựng lên, nhưng không, phần lớn họ vui vẻ chấp nhận. Bởi vì tác phẩm hoàn chỉnh, tâm đắc nhất của mình vẫn là thứ “của để dành” để in trọn vẹn trên báo chí chuyên về văn học, trên mạng cá nhân hoặc đến khi in sách của riêng mình. Thế nên khi cầm trên tay tập truyện ngắn của tác giả nào đấy độc giả cứ thấy vừa quen vừa lạ, còn tác giả thì phần lớn là mãn nguyện tâm đắc như sự bù đắp với những lần đăng trước.

Truyện ngắn trên báo chí có chất lượng không đồng đều và muôn hình muôn vẻ. Có nơi chấp nhận các đề tài, có nơi không, chỉ chọn tình yêu, nhẹ nhàng. Có nơi rất khắt khe với tác phẩm cũ, không chấp nhận đăng lại nhưng có báo - thường là báo bé, trả nhuận bút thấp, muốn đăng tác phẩm mới cũng rất khó nên chỉ có thể đăng lại tác phẩm cũ mới có nguồn dồi dào. Tâm lý đăng lại tác phẩm cũng khiến tác giả thoải mái hơn khi gửi bản thảo.

Mặc dù hiện nay, việc một người viết văn hoàn thành xong một tác phẩm không còn quá khó khăn để công bố. Tuy nhiên, cho đến nay báo chí vẫn là một kênh công bố khá phổ biến và hữu ích. Bởi dù thế nào thì mỗi tờ báo đều có sẵn một lượng độc giả nhất định, và đây hứa hẹn sẽ là những người biết đến tác phẩm. Uy tín của tờ báo cũng khiến cơ hội tên tuổi của tác giả được biết đến.

Không những thế, vẫn còn những tờ báo dù không phải chuyên về văn học nhưng nhiều năm được đánh giá cao về tác phẩm đăng tải. Từ tác giả nổi tiếng trên văn đàn xuất hiện cho đến tác giả trẻ, tác giả không còn trẻ gửi những tác phẩm đầu tay.Trong số họ đã có người trở thành tên tuổi quen thuộc với độc giả, có người ít nhiều đã có chỗ đứng nhất định trên văn đàn. Thường thì phải qua các cuộc thi văn chương tên tuổi tác giả mới được độc giả biết đến. Thế nhưng, với tờ báo này không cần phải qua một cuộc thi văn chương, tác giả vẫn định hình được tên tuổi của mình thông qua số lần xuất hiện và chất lượng tác phẩm. Có tác giả tâm sự một cách rất thành thật, rằng hiếm có tờ báo nào, không phải chuyên về văn học mà lại tuyệt vời như thế. Tác phẩm gửi đi được yên tâm bởi khâu biên tập, truyện quá dài không bị cắt, được chia thành nhiều kỳ, nhuận bút cũng không thấp. Và điều được một số tác giả “cho điểm cộng” là tờ báo này đăng được những tác phẩm gai góc, thử nghiệm.

Tiếc rằng, trang truyện ngắn này giờ đây không còn nữa.

Và nhiều trang truyện ngắn ở những tờ báo khác không còn nữa.   

Thay vào đấy là những trang báo khác. Hoặc vẫn là sự xuất hiện của các nhà văn, nhưng là tiếng nói của họ trước vấn đề nào đó trong cuộc sống, về vấn đề văn học chứ không phải như trước đây, nhà văn hoàn toàn im lặng, chỉ có tác phẩm lên tiếng.

Không ít độc giả và tác giả đã thấy hụt hẫng trước sự thay thế này. Một trang báo dành cho văn nghệ mở ra, hay đóng lại không khó, mà khó là làm thế nào để duy trì mà hấp dẫn, được bạn đọc nhớ đến, thậm chí trở thành một địa chỉ văn học lại dừng lại thì thật đáng tiếc.

Khi được hỏi lý do tờ báo không còn duy trì trang văn học đã và đang được chú ý và đánh giá cao, câu trả lời nhận được chỉ vẻn vẹn là báo đang “chuyển đổi nội dung” chứ không đưa ra thêm lý do nào khác cũng như không bình luận gì thêm. Ngay cả câu hỏi, rằng sự “chuyển đổi nội dung” này là tạm thời hay lâu dài thì tờ báo trên cũng từ chối trả lời.

Trước việc ngày càng có nhiều tờ báo có xu hướng thu hẹp hoặc bỏ trang văn học, trong đó có truyện ngắn, ai đó nói rằng, người viết văn vẫn còn nhiều lựa chọn khác để đăng tải, để công bố tác phẩm đến được với độc giả từ trung ương tới địa phương. Chỉ là chúng ta thay đổi một thói quen, thói quen gửi đăng ở nơi này sang nơi khác, thói quen được đọc tác phẩm ở báo này sang báo khác. Bởi sự thay đổi trên không tác động đến sáng tạo của người cầm bút. Không ai nói rằng, vì tờ báo này tờ báo kia không còn in truyện ngắn nữa thì tác giả sẽ buông bút. Họ vẫn viết, vẫn in sách, vẫn tìm con đường khác để độc giả đến với tác phẩm của mình. Nhưng rõ ràng việc này cho thấy vị thế của văn chương so với báo chí đã bị giảm sút.

Một là văn chương chưa thực sự là lý do tiên quyết để người ta bỏ tiền ra mua tờ báo khiến cho lượng phát hành của báo tăng lên.

Hai là văn chương không hoặc chưa thiết thực bằng những thông tin đã và đang diễn ra hàng ngày hàng giờ nên sự thay thế là cần thiết.

Báo chí đã và đang khước từ vai trò bà đỡ cho văn học, khước từ làm chiếc cầu nối cho bạn đọc đến với tác phẩm. Văn học đang ngày càng mất giá. Trong mấy năm trở lại đây, hàng loạt các tờ báo mới, các tờ phụ trương ra đời nhưng tờ báo dành cho văn học thì còn là con số quá khiêm tốn, lọt thỏm trong rừng báo chí hiện nay. Và trong những tờ báo khiêm tốn ấy để tồn tại được xem ra còn khá chật vật.

Hà Anh - Văn học Quê nhà

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng