Tạp chí Sông Hương -
Vào Bộ Ngoại giao Mỹ, hỏi về biển Đông
08:37 | 07/09/2015

Phải vượt qua ít nhất 3 vòng kiểm tra thủ tục, an ninh cực kỳ nghiêm ngặt và kỹ lưỡng, chúng tôi mới được phép vào trong trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Đằng sau cánh cửa nọ là cả một thế giới sôi động với bộ máy hàng ngàn con người làm việc cật lực ngày đêm…

Vào Bộ Ngoại giao Mỹ, hỏi về biển Đông
Sảnh lớn Bộ Ngoại giao treo cờ các nước trên thế giới Mỹ có quan hệ ngoại giao

Vô tình làm khách VIP

Tòa nhà Bộ Ngoại giao Mỹ màu trắng đục bề thế án ngữ trên ngọn đồi thoai thoải nhìn xuống đại lộ Constitution, cách Nhà Trắng không xa. Trước mặt là cả quần thể các khu tưởng niệm nổi tiếng bao gồm nhà tưởng niệm Abraham Lincoln, khu tưởng niệm chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Triều Tiên, tháp Washington cao vút nổi bật giữa thảm cỏ mênh mông và khu tưởng niệm tổng thống Jefferson và nhà hoạt động Martin Luther King…

Toàn bộ không gian hoành tráng và nghiêm trang ấy soi mình bên dòng Potomac tráng lệ càng khoác cho tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao một vẻ uy nghi, đường bệ, đại diện cho uy quyền của siêu cường thế giới. Hệ thống chính trị Mỹ quả rất phức tạp và khác biệt so với các quốc gia khác, nó trao cho Bộ Ngoại giao quyền lực vô cùng lớn, còn hơn cả Lầu Năm Góc chuyên lo đánh đấm khắp thế giới. Bởi thế, các cơ quan ngoại giao Mỹ bao giờ cũng treo ảnh Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry.

Thế nên các đời Ngoại trưởng Mỹ đều là những chính khách lẫy lừng, xuất chúng cả. Từ thời Ngoại trưởng Henry Kissinger hòa đàm Paris ròng rã với nhà lãnh đạo Việt Nam Lê Đức Thọ, cho tới tướng Colin Powel, người đàn bà thép Mardeline Albright, nữ ngoại trưởng da màu Condoleeza Rice…Ngoại trưởng đương nhiệm John Kerry giống thượng nghị sĩ John McCaine, đều là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam và như một định mệnh, cuối cùng chính họ lại trở thành những người góp công lớn vào việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, góp phần mở ra chương mới trong lịch sử hai nước.

Ông Kerry từng là ứng viên Tổng thống Mỹ, còn người tiền nhiệm của ông chính là nữ Ngoại trưởng quá nổi tiếng Hillary Clinton, hiện đang là gương mặt nổi bật, ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, khi ông Obama mãn nhiệm. Bà Hillary không chỉ được biết đến với tư cách đệ nhất phu nhân nước Mỹ hay Ngoại trưởng, mà bà còn được biết tới như một trong những kiến trúc sư trụ cột trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Obama. Hẳn nhiều người còn nhớ, chính nữ Ngoại trưởng Hillary năm 2010 tại Hà Nội đã đẩy Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì vào thế lúng túng phải bỏ họp ra ngoài một lúc, khi dõng dạc tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia ở biển Đông…

Nhân viên an ninh to cao, súng ống, bộ đàm nai nịt, đeo kính đen xem xét rất kỹ giấy tờ tùy thân của chúng tôi ở lối vào. Lọt qua vòng này, đoàn nhà báo chúng tôi lại xếp hàng từng người một làm thủ tục kiểm tra an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, còn kỹ hơn cả khi vào sân bay. Anh bạn đồng nghiệp ở quốc đảo Solomon chỉ vì cái laptop trong túi xách, đã bị giữ lại chất vấn, soát xét riêng gần 15 phút mới được cho qua.

Tiếp đó, chúng tôi tới khu làm thủ tục đăng ký vào làm việc tại Bộ Ngoại giao. Cả khu sảnh lớn rộng mênh mông treo quốc kỳ của hàng trăm nước Mỹ có quan hệ ngoại giao, đủ màu sắc rực rỡ, trông khá vui mắt nhưng vẫn toát lên bầu không khí hết sức nghiêm cẩn. Các quan chức và nhân viên Bộ Ngoại giao  quẹt thẻ đi lối riêng, còn chúng tôi là khách phải xếp hàng, đăng ký lấy thẻ ra vào. Hôm đó, quan khách vào làm việc khá đông nên đoàn báo chí chúng tôi phải chia ra làm thủ tục ở nhiều quầy. Thấy đoàn rồng rắn xếp hàng, một nữ nhân viên tóc vàng vẫy tôi lại bàn đăng ký cho nhanh. Chị Melissa Waheibi, cán bộ Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ ghé tai tôi cười, bảo: “Hôm nay anh là khách VIP đấy”. Tôi ngó, té ra đó đúng là khu có biển dành làm thủ tục cho khách VIP thật.

Song điều khiến không chỉ một mình tôi ngỡ ngàng chính là sau khi vượt qua cả loạt thủ tục khắt khe, chúng tôi sải bước dọc một hành lang dài hai bên tường treo đầy ảnh các quan chức ngoại giao Mỹ gặp gỡ, làm việc với các nguyên thủ, chính khách trên khắp thế giới, hầu như chả thấy thiếu mặt người nào. Nhưng sau khi đi bộ xuyên qua hết cái không gian ăm ắp thứ không khí siêu cường quyền lực ấy, bỗng dưng khách lọt thỏm vào một khu vực náo nhiệt, tấp nập khó ngờ cứ như đi lạc vào trung tâm thương mại chứ chẳng ai nghĩ đây là cơ quan công quyền cả.

Ngạc nhiên cũng phải bởi dưới tầng một trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ có các cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo, văn hóa phẩm, quán cà phê luôn tấp nập người vào mua sắm... Khó mà hình dung bên cạnh những người đóng comlê cà vạt rất mực trịnh trọng, lại có cả mấy ông quần soóc, kính đen ngồi vắt vẻo nhâm nhi cà phê cứ như ngoài phố Hà Nội vậy.

Khi chúng tôi tới đang là giờ nghỉ trưa, thôi thì quan khách, nhân viên ngoại giao rào rào kéo nhau đi ăn trưa. Căng tin Bộ Ngoại giao Mỹ phục vụ suốt cả ngày theo kiểu tự chọn vì bộ máy ngoại giao Mỹ làm việc hầu như không ngừng nghỉ suốt đêm ngày. Đồ ăn thì cực kỳ phong phú, đa dạng, thôi thì Tây, Tàu, Âu, Mỹ, Phi chả thiếu thứ gì và cũng rất ngon. Khoảng 10 USD là  có một bữa khá tươm tại Bộ Ngoại giao Mỹ rồi.

Phỏng vấn biển Đông

Vào Bộ Ngoại giao Mỹ, hỏi về biển Đông - ảnh 1

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm và hàng hóa trong trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ

Hôm chúng tôi tới Mỹ, tình hình bán đảo Triều Tiên đang căng như dây đàn. Hai miền đều rầm rộ kéo quân áp sát biên giới với những tuyên bố cực kỳ cứng rắn, tưởng như chiến tranh sắp bùng phát. Ở biển Đông sau màn tuyên bố miệng dừng xây đảo nhân tạo, Trung Quốc lại rập rình kéo giàn khoan Hải Dương 981 từng khuấy động sôi sục cả nước hồi năm 2014 vào nắn gân tại khu vực phân giới ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ…

Anh bạn đồng nghiệp Mozart Pastrano làm việc cho nhật báo Inquire (Philippines) hỏi tôi rằng, người Việt Nam nghĩ gì về tình hình biển Đông, chứ còn dân Philippines thì bức xúc, căm uất việc bị lấy thịt đè người, chiếm mất bãi cạn Scaborough lắm. Tôi bảo, Việt Nam chúng tôi xưa nay là dân tộc hòa hiếu, không muốn gây chuyện với ai, lại càng không thích cảnh đánh nhau đầu rơi máu chảy, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ chấp nhận cúi đầu. Song nếu cứ bị người khác bất chấp luật pháp, luân thường, đạo lý dồn ép đến mức không có sự lựa chọn nào khác thì người Việt Nam buộc phải tự vệ thôi.

Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh, nhưng quyết bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng và quyền độc lập, tự do thì người Việt tuyệt đối không sợ kẻ địch nào và sẵn sàng cầm súng chiến đấu như lịch sử ngàn năm nay vẫn vậy…

Vào Bộ Ngoại giao Mỹ, hỏi về biển Đông - ảnh 2
 Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Balton

Khi gặp Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Balton, tôi và Mosart không hẹn mà gặp, đồng loạt hỏi ông nghĩ thế nào về vấn đề Trung Quốc tàn phá môi trường biển, xây đảo nhân tạo ở biển Đông, đe dọa an toàn hàng hải và an ninh, gây căng thẳng khu vực?

Ông Balton là quan chức ngoại giao uy tín với kinh nghiệm làm việc hơn 30 năm trong lĩnh vực luật biển, nhân quyền và giải quyết tranh chấp quốc tế, đã được Tổng thống Obama tín nhiệm phong hàm đại sứ. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ quả quyết, mặc dù Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở biển Đông và không đứng về bên nào, song Mỹ rất quan ngại về những hành động đơn phương phá vỡ nguyên trạng của Trung Quốc ở biển Đông.

Trao đổi với tôi, nhà báo Thái Lan Supalak Ganjanakhundee từng làm việc cho hãng tin Nhật Bản Kyodo News và hiện đang viết cho nhật báo The Nation cho biết, anh vừa có chuyến công tác ở Phúc Kiến và Quảng Châu về. Supalak bảo có hỏi một quan chức Trung Quốc về biển Đông thì ông này lập tức gạt phắt đi và bảo đó không phải vấn đề cần trao đổi. Anh cho rằng, vấn đề biển Đông rất nghiêm trọng khi cả quan chức, học giả cho tới các nhà báo Trung Quốc trong nhà có thể mâu thuẫn quan điểm với nhau, nhưng khi ra ngoài họ đều thống nhất một quan điểm lập trường như đã được lập trình.

Theo nhà báo Supalak, chứng khoán Trung Quốc chao đảo và vụ nổ ở Thiên Tân vừa qua đã bộc lộ vô số yếu huyệt chết người của nước này như mô hình kinh tế bắt đầu trục trặc, nạn tham nhũng di căn và những hậu họa về môi trường…Trung Quốc đang cố gồng lên để trở thành siêu cường, nhưng những bất ổn về kinh tế xã hội dường như đã bắt đầu xuất lộ... 

 

Ông Balton lấy làm tiếc về những hành động phá hoại các rạn san hô, lấy nguyên vật liệu để bồi lấp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa. Phó Trợ lý Ngoại trưởng nhấn mạnh Mỹ yêu cầu các nước liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hai nhà báo Trung Quốc cũng có mặt tại cuộc làm việc là Haiyan Sun - Tổng Biên tập một tạp chí tại Thượng Hải và Hui Wang làm việc cho nhật báo ở Quảng Châu tuyệt nhiên không phản ứng gì trước màn hỏi đáp của tôi và đồng nghiệp Philippines.

 

Theo TPO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng