Bộ sử âm thanh về Ðiện Biên Phủ của Ðỗ Nhuận được mở đầu bằng Hành quân xa (1953) còn được gọi như cái tên ban đầu là Ðâu có giặc là ta cứ đi. Ðây là bản hành khúc đầu tiên mang đậm phong cách ngôn ngữ âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Bộ. Cũng như Du kích ca trước cách mạng, bản hành khúc này được cấu trúc ở dạng tối thiểu (đoạn 4 câu, 16 nhịp) khái quát chân dung người chiến sĩ vũ trang cách mạng.
"... Trên một chặng đường hành quân từ Mường La qua sông Hồng về Phú Thọ, tình hình chiến sự đang căng thẳng, bộ đội vai nặng chĩu đạn dược, vũ khí và lương ăn, đường hành quân thì dài hết chặng nọ đến chặng kia. Lúc bấy giờ câu hỏi nảy sinh và râm ran trong hàng ngũ các chiến sĩ: bộ đội sẽ đi về đâu và đánh ở đâu? Trong cuộc hành quân có tính chiến lược để đánh bại " kế hoạch Na Va" đồng chí chính trị viên đơn vị chỉ có một lời giải thích: đâu có giặc là ta cứ đi, đâu có giặc là ta cứ đánh. Câu trả lời đã biến thành khẩu hiệu, thành ý chí chung của đơn vị...
Có một cặp mắt mở to nhìn người chính trị viên rất lâu đó là: Ðỗ Nhuận - người chiến sĩ đang trong cuộc hành quân của đại đội 267 với ống sáo trúc giắt lưng, một cây đàn, một cuốn sổ...
Nửa đêm ấy, từ tiểu đội súng cối của đại đội 267 bỗng vang lên một khúc quân hành: "Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ "... Và đêm ấy, bài hát ra đời và mọi chiến sĩ đại đội 267 của đại đoàn Việt Bắc dường như đều là tác giả của bài hát này.
Sau này tâm sự về cơ sở chất liệu của hành khúc ấy, Ðỗ Nhuận kể: Từ câu hát "Ai về phú mí tỉnh Hưng Yên" - một bài dân ca tôi đã thuộc từ hồi nhỏ, để sáng tác Hành quân xa ..." (1).
Bài hát có chất hát nói mộc mạc theo phong cách dân ca đồng bằng Bắc Bộ, cấu trúc không dùng thủ pháp cân phương, đối tỉ như vẫn thường thấy trong những hành khúc mang đậm phong cách châu Âu mà tạo nên nét mới thể hiện bút pháp hành khúc Việt Nam. Chủ đề tư tưởng của bài hát "Ðâu có giặc là ta cứ đi" đã thể hiện được ý chí tiến công của quân đội ta.
Tại Ðiện Biên Phủ, Him Lam là một cứ điểm xung yếu của tập đoàn địch tại địa danh này. Mở đầu cho chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ là trận đánh Him Lam. Ngày mở đầu trận đánh, Ðỗ Nhuận cùng một số đồng nghiệp đã đứng đàn hát ngay tại chiến hào động viên bộ đội ta xuất kích.
Hành khúc Trận Him Lam (1954) của Ðỗ Nhuận đã miêu tả cảnh xuất kích của bộ đội với ý chí sôi sục và quyết tâm cao. Ðồng thời thể hiện trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân đối với trận đánh mở màn dẫn đến toàn thắng của chiến dịch, của cả cuộc chiến tranh; cùng đó khắc họa mối thù giai cấp hòa quyện với nỗi đau thương trước những hy sinh của đồng đội.
Tuy Trận Him Lam được viết ở quy mô lớn hơn nhưng vẫn kế tục những đặc điểm nghệ thuật của Hành quân xa .
Ðỉnh cao của Bộ sử thi âm thanh về Ðiện Biên Phủ là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (1954). Ðây là bản hành khúc cuối cùng của Ðỗ Nhuận trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài hát được tác giả hoàn thành trên đường hành quân trở về sau khi quân ta đại thắng ở Ðiện Biên. Ca khúc được trình bày lần đầu tiên trong Hội nghị mừng công tại khu rừng ở Thái Nguyên trước sự hiện diện của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh mặt trận - người trực tiếp cầm quân tại chiến dịch và nhiều tướng lĩnh khác. Tác giả bài hát cũng có mặt trong đội hình trình diễn tác phẩm này trên sân khấu cùng với nhiều diễn viên của Ðoàn văn công Tổng cục chính trị và đây cũng là tiết mục mở màn cho đêm liên hoan mừng thắng lợi.
Với Chiến thắng Ðiện Biên Phủ , lần đầu tiên hành khúc Việt Nam đã kết hợp đồng thời hai loại ngôn ngữ dân gian truyền thống là một trong chỉnh thể: hát chèo đồng bằng Bắc Bộ của người Việt và dân ca Thái Tây Bắc. Lần đầu tiên chất kèn đồng của đoạn nhạc dạo được xây dựng trên ngôn ngữ âm nhạc dân gian, không phải sử dụng những giai điệu kiểu "phăng - pha" truyền thống châu Âu.
Sinh thời Ðỗ Nhuận coi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là sự tổng kết của hai bài hát trước đó. Tác giả tâm sự: "Ngôn ngữ âm nhạc của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ phải khác trước, cần phải có chất nhạc của Tây Bắc, vì bối cảnh chiến thắng này trên đất Tây Bắc. Niềm vui chiến thắng của cả đất nước... các dân tộc khác trong cả nước cùng góp công, góp của, góp cả tính mệnh mình làm nên lịch sử. Cần phải hòa sắc dân tộc..." (2).
Theo NDĐT |