Tạp chí Sông Hương -
Cụ Huỳnh, báo Tiếng Dân và chủ quyền biển đảo
14:44 | 05/10/2015

Từ gần cả thế kỷ trước, trên những số báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh đã có những bài báo đanh thép khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

Cụ Huỳnh, báo Tiếng Dân và chủ quyền biển đảo
 
Toàn cảnh các công trình kỹ thuật và hành chính của Pháp và VN tại Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
Toàn cảnh các công trình kỹ thuật và hành chính của Pháp và VN tại Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Cụ Huỳnh và “thời sự Hoàng Sa” năm 1938

Tháng 7-1937 chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, quân đội Thiên Hoàng xâm lược Trung Quốc. Người Nhật với tham vọng bá chủ châu Á muốn thôn tính quần đảo Hoàng Sa - bấy giờ đang do lính Pháp và lính An Nam quản lý.

Từ giữa những năm 1938 trở đi, việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Pháp và Nhật Bản khá căng thẳng.

“Ngày 15-6-1938, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký nghị định thành lập đơn vị hành chính cho quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cũng trong tháng 6-1938 một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa.

Tấm bia chủ quyền được dựng lên trên đảo Hoàng Sa với dòng chữ: “République Francaise - Royaume d’Annam-Archipels des Paracels 1816- Ile de Pattle 1938” (Tư liệu Kỷ yếu Hoàng Sa - UBND huyện Hoàng Sa).

Cũng chính thời điểm này, báo Tiếng Dân ra liên tiếp 4 số báo về quần đảo Hoàng Sa. Số báo ra ngày 12-7-1938 (số 1280) đăng bài “Quần đảo Tây Sa (Paracels) với Pháp”, “Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng” (Tiếng Dân, số 1281), “Việc Paracels (Tây Sa), Pháp chính thức nhận chủ quyền đảo ấy" (Tiếng Dân, số 1282) và “Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục” (Tiếng Dân, số 1284, 23-7-1938).

Trong bài thứ hai về Hoàng Sa, “Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng”, trên báo Tiếng Dân viết: “Người đời trong xã hội, có hạng người không tên không tuổi, bình nhật không nghe ai nói đến hay không thèm đếm xỉa, mà có hồi thời thế xô đẩy, hoàn cảnh xui khiến, trở thành người trọng yếu trong thời đại, ấy là hạng vô danh anh hùng.

Thì đất cũng thế, có những nơi đầu non góc biển, cồn hoang đảo vắng, bình thời không ai để ý, mà gặp một thời thế đặc biệt hoặc cơ hội xảy ra, những nơi đó trở thành địa vị quan hệ trọng yếu vô cùng.

Tôi muốn nói đến quần đảo Paracels. Mấy hòn đảo giữa biển thuộc Việt Nam ta chánh phủ đang sắp đặt công cuộc phòng thủ mà Nhật Bản cũng nhòm ngó, sinh một luồng dư luận giữa báo Tây Nam gần đây” (báo Tiếng Dân số 1281, ngày 16-7-1938).

Bài báo viết tiếp rằng theo báo Đông Pháp, quần đảo này trước kia là đảo hoang vô chủ, đến năm 1816 mới thuộc về nước Việt Nam dưới triều vua Gia Long.

Bên cạnh việc phản đối Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa, cụ Huỳnh thẳng thắn cho rằng người Nhật đã tham lam vô lý khi nói đến chủ quyền với Hoàng Sa.

Cũng trong số báo 1281 ngày 16-7-1938 cụ Huỳnh viết: “Gần mấy lúc đây, ở Đông Dương đã có phái cảnh binh An Nam ta ra đảo ấy để bảo vệ cho người chài lưới bản xứ, lại thường phái tàu binh ra đó tuần phòng. Như trên đã nói, đảo này do nước Nam ta chiếm trước nhứt, là sở hữu của xứ Đông Dương, chớ người Nhật ở bên ba hòn đảo Phù Tang xa tít mù kia, dính dáng gì đến đảo này mà đứng ra tranh cãi...”.

Một bài báo trên Tiếng Dân về chủ quyền VN đối với quần đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
Một bài báo trên Tiếng Dân về chủ quyền VN đối với quần đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Trong tiêu đề và nhiều chỗ trong các bài viết, cụ Huỳnh dùng chữ “Tây Sa” để chỉ quần đảo “Hoàng Sa”.

Chúng tôi nghĩ rằng trong thời điểm 1938, vấn đề cụ Huỳnh đề cập trước mắt là làm rõ chủ quyền của Việt Nam đối với thực thể địa lý quần đảo này, chưa phải lúc so sánh phân tích cặn kẽ về địa danh.

Mặt khác, truyền thông đương thời qua báo chí chữ Pháp và chữ Hán đang đề cập nhiều đến tên gọi Paracels và Tây Sa, nên có thể cụ Huỳnh dùng từ “Tây Sa” nhằm để quốc dân đương thời dễ xác định nơi đang được đề cập, và cũng với mục đích phổ biến thông tin đối với bên ngoài.

(nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân)

Chứng minh chủ quyền Hoàng Sa 
từ thư tịch cổ xưa

Ngoài những bài báo nói về thời sự quần đảo Hoàng Sa trong tình hình bấy giờ, báo Tiếng Dân còn có một bài nghiên cứu, bình luận dài, viết rất công phu và có giá trị: “Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục” ký tên tác giả là Sử Bình Tử (một bút danh khác của cụ Huỳnh).

Trong bài báo này, cụ Huỳnh khẳng định: “Theo các báo cáo ta gần đây sưu tập các tài liệu về đảo Tây Sa để chứng minh thì đảo ấy là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy...”.

Cụ Huỳnh cũng đã liệt kê các tài liệu quý hiếm từ xưa để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (hoàn thành năm 1776), Đại Nam nhất thống chí cả bản trước và bản của Cao Xuân Dục soạn lại, bản Triều chính yếu thực lục của hai triều Gia Long - Minh Mạng, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú,Công hạ ký văn của Trương Quốc Dụng, Mân hành thi thoại và Đông hành thi thuyết của Lý Văn Phức, Việt sử thông giám cương mục khảo lược của Nguyễn Thông... trong đó đều đề cập đến Hoàng Sa và chủ quyền của nước ta từ thời bấy giờ.

Đặc biệt, trong thời điểm này làn sóng “văn minh Tây học” đã có khuynh hướng bỏ bê các tư liệu sách vở, thư tịch bằng chữ Hán, cụ Huỳnh đã lưu ý việc dùng tư liệu trong cổ sử để chứng minh chủ quyền Hoàng Sa.

“Thì nay, chúng ta lại phát kiến một điều không ngờ nữa là một mớ sách chữ Hán của tiền nhân ta trứ thuật, lâu nay bỏ xó lề hư bìa nát, phần đông, nhất là bạn thanh niên, cho đó là một thứ học mượn, thứ chữ chết, không cần đếm xỉa đến, nay nhân vấn đề đảo Tây Sa, trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít” (Tiếng Dân, số 1284, ngày 23-7-1938).

Những tác phẩm chữ Hán của tiền nhân mà cụ Huỳnh nhắc đến chính là những tài liệu hết sức thuyết phục về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Chỉ trích Chính phủ Pháp về sự chậm trễ trong vấn đề thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, cụ Huỳnh nhấn mạnh rằng: “Đáng lẽ ngay từ năm 1909, khi Trung Hoa nhận quần đảo Tây Sa là của họ, Chính phủ Pháp đã tuyên bố quyền sở hữu của Đông Dương đối với quần đảo ấy.

Nhưng tuồng như chính phủ này coi quần đảo ấy không ra gì, không biết là vật mà Nhật thèm trong khi muốn bành trướng về phía nam nên không để ý đến.

Vào khoảng 1931 - 1932, Evell Ecoromique viết tiếp mấy bài đòi sáp nhập quần đảo ấy vào Đông Dương. Dư luận nhân đó nổi lên thúc giục. Vào khoảng năm 1932 - 1933, Chính phủ Pháp mới tỉnh ngộ ra tay hành động thì bị Nhật Bản cản trở. Hai bên cãi nhau ít lâu, rồi lơ”...

Làm báo ngay kinh đô Huế trong gọng kìm của chính quyền bù nhìn, bị mật thám Pháp kiểm duyệt gắt gao, vậy mà trước tình thế chủ quyền biển đảo Tổ quốc bị thách thức, cụ Huỳnh vẫn dũng cảm chỉ trích lòng tham của cả hai quốc gia Trung Hoa và Nhật Bản, đồng thời lớn tiếng mắng sự chậm trễ của chế độ bảo hộ của người Pháp, lục tung cổ thư để chứng minh chân lý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, những tưởng chỉ riêng điều ấy thôi đã đủ nhắc nhở hậu thế nhiều điều!

Theo TTO

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng