Chúng tôi đã gặp đại tá Nguyễn Xuân Mai - chiến sĩ Điện Biên, nguyên TBT Báo Cựu Chiến Binh VN, thành viên ban biên soạn - để tìm hiểu quá trình làm cuốn sách quý do NXB Chính trị - Quốc gia vừa phát hành này.
Phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành cuốn sách công phu như thế này, thưa ông?
- Ý tưởng về cuốn sách, chúng tôi có cách đây 5 năm, khi kỷ niệm 50 năm Chiến thắng ĐBP. Lúc đó, rất nhiều người trong chúng tôi đã nghĩ rằng, các chiến sĩ ĐBP tuổi đều đã cao, vì thế phải nhanh chóng gặp lại để ghi lại những câu chuyện, những kỷ niệm của họ về ĐBP.
Công việc cho cuốn sách bắt đầu từ tháng 3.2008 và chúng tôi phải mất đến 3 tháng đầu để liên hệ với các chi hội cựu chiến binh, ban liên lạc của 5 đại đoàn chủ lực tham gia chiến dịch... lấy danh sách, địa chỉ và thực hiện gặp gỡ, ghi chép. Trong một năm, nhóm chúng tôi phải chia nhau đi 13 tỉnh, thành phố khắp các miền đất nước và vùng Tây Bắc để gặp gỡ hơn 200 nhân chứng. Trong số này, có những người có công rất lớn, nhưng vì một lý do nào đó, chưa được nhắc đến.
Nhưng trong sách chỉ có 160 nhân chứng, thưa ông?
- Có những người không còn nhớ chính xác mọi chuyện. Cũng có những người ngộ nhận... Chúng tôi phải kiểm chứng và lọc ra 160 người đã gặp gỡ. Tài liệu để kiểm chứng là hàng trăm cuốn sách, nhưng có hai cuốn chủ yếu để chúng tôi dựa vào là “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “Lịch sử kháng chiến chống Pháp” của Viện Lịch sử Quân sự.
Vậy, những nhân chứng nào lần đầu được nhắc đến trong cuốn sách này?
- Ông Lê Vinh Nghĩa, khi đó là Cục trưởng Cục Quân báo Bộ Quốc phòng, là người có công tóm lược các chi tiết về địch để giúp cho Đảng uỷ và Bộ Chính trị thay đổi tác chiến: Từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, thắng chắc (2 ngày 3 đêm thành 56 ngày đêm). Công lao của ông Nghĩa như vậy, nhưng hiện nay ông ấy không có một tấm huân chương nào và cũng không biết là mình được xếp ở cấp bậc nào.
Khi chúng tôi mời ông ấy đến trong buổi giới thiệu sách, ông ấy rất xúc động và nói rằng: “Từ sau chiến thắng ĐBP, đây là lần đầu tiên tôi được gặp gỡ đồng đội như thế này”. Chiều 4.5, chúng tôi (có cả ông Nghĩa) đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng vẫn nhớ ông Nghĩa và tiếp rất nồng nhiệt.
Còn với Đại đội trưởng Hoàng Đối, đại đội của ông có nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy chiến dịch ban đầu ở hang Thẩm Phúa, KM 12 Tuần Giáo - ĐBP. Ngày 6.1.1954, đại đội nhận lệnh bảo vệ cho đoàn học sinh (thực chất là đoàn pháo) qua đèo Pha Đin. Ông Hoàng Đối đã thành công trong việc kéo hoả lực của địch về phía mình để đoàn pháo của ta có thể vào được Điện Biên.
Ngay sau trận ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi điện biểu dương, đề nghị nhà nước tặng huân chương cho ông Hoàng Đối cùng đại đội và nói rằng đây là những chiến sĩ gang thép bảo vệ đèo Pha Đin. Hay như ông Bùi Minh Đức - chiến sĩ chỉ có cơ hội tham gia một trận đánh duy nhất, nhưng rất oanh liệt.
Khi đó, ta đang đào hào bao vây phòng tuyến phía tây Mường Thanh, hai tiểu đoàn của địch tràn ra. Cả đại đội thương vong hết, chỉ còn chiến sĩ Đức lúc đó đã bị loà cả hai mắt và một y tá cụt hai tay. Hai người phối hợp với nhau, người mắt sáng chỉ hướng cho người còn tay tiêu diệt địch, bám chốt, đợi cứu viện.
Có câu chuyện nào làm ông cảm động, ngạc nhiên vì tính chất mới mẻ của nó?
- Câu chuyện của đồng chí Lê Đình Thỉnh (Đại đội phó, khi ấy đang ở phía sau) kể về trận chiến giữa đại đội (súng máy, 12 ly 7) 78, Tiểu đoàn 387, Đại đoàn 308 ở phía tây Mường Thanh với hai tiểu đoàn của địch, phối hợp với tư liệu lịch sử cho ta thấy sự gan dạ, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng của bộ đội ta.
Không ai bỏ trận địa, Đại đội trưởng hy sinh, y tá đứng lên chỉ huy. Trước kia, ta không nhắc đến trận đánh này là rất vô lý, có thể ta thiệt hại lớn, nhưng đó chỉ là thời điểm nhất định, bởi kết cục trận đánh ta vẫn đuổi được địch ra khỏi phòng tuyến đó. Hay như chuyện chiếm đồi A1, qua câu chuyện của cả 3 tiểu đoàn trưởng, chúng ta mới thấy sự hy sinh to lớn của chiến sĩ ta trong trận chiến khó khăn kéo dài từ 30.3 - 7.5; ngay trên mảnh đất nhỏ bé này có chừng 2.000 chiến sĩ đã hy sinh.
Xin cảm ơn ông.
Theo LĐ |