Tạp chí Sông Hương -
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao tiếp và làm việc với đoàn Bộ Công nghiệp nặng và các Doanh nghiệp Ấn Độ
08:22 | 15/10/2015

Sáng ngày 14/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã có buổi tiếp, làm việc với đoàn Bộ Công nghiệp nặng và các Doanh nghiệp Ấn Độ do ông Shri Vishvajit Sahay Joint Secretary - Cục trưởng Cục Công nghiệp và Năng lượng làm Trưởng đoàn đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào ngành dệt may tại tỉnh Thừa Thiên Huế; cùng dự buổi làm việc có đại diện một số sở ngành liên quan, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Ban quản lý Khu công nghiệp Phong Điền - Viglacera.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao tiếp và làm việc với đoàn Bộ Công nghiệp nặng và các Doanh nghiệp Ấn Độ

Tại buổi tiếp, ông Shri Vishvajit Sahay Joint Secretary cho biết, mục đích của Đoàn và các Doanh nghiệp dệt may hàng đầu của Ấn Độ đến Thừa Thiên Huế là để tìm hiểu về tiềm năng, chính sách thu hút đầu tư cũng như khả năng hợp tác của tỉnh Thừa Thiên Huế trong đầu tư và phát triển ngành dệt may.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, lĩnh vực dệt may là một trong thế mạnh và tiềm năng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư và hoạt động hiệu quả tại các khu công nghiệp của tỉnh. Để đưa ngành dệt may phát triển, trở thành một trong những trung tâm lớn về dệt may của Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quy hoạch phát triển và đang trình Chính phủ phê duyệt, trong đó có định hướng và xây dựng các dự án phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Với định hướng này, tỉnh Thừa Thiên Huế rất mong muốn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư để mở rộng và phát triển ngành dệt may, nhất là đối với ngành Công nghiệp hỗ trợ dệt may.

Tại buổi làm việc

Giới thiệu tổng quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành dệt may trên địa bàn tỉnh và khả năng phát triển đến năm 2020, ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay ngành dệt may Thừa Thiên Huế có năng lực sản xuất trên 485.000 cọc sợi (tương đương 100.000 tấn/năm), trên 300 dây chuyền may với 500 triệu sản phẩm/năm, thu hút hơn 24.500 lao động; sản phẩm dệt may chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU và một số nước khác với trên 426 triệu USD, bình quân hàng năm kim ngạch xuất khẩu tăng 16,5%.

Trên cơ sở giới thiệu về thế mạnh và tiềm năng phát triển của ngành dệt may, tại buổi làm việc nhiều doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ đã trao đổi với chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu công nghiệp Phong Điền - Viglacera  về các chính sách thu hút đầu tư như về thuê đất, chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng