Tạp chí Sông Hương -
Bức tượng Nữ hoàng Nefertiti là đồ “rởm”?
15:26 | 07/05/2009
Một tin gây chấn động giới khảo cổ: Bức tượng Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti nổi tiếng hiện trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Berlin (Đức) có thể chỉ là một bản sao được làm vào năm 1912.
Bức tượng Nữ hoàng Nefertiti là đồ “rởm”?

Cho tới nay, bức tượng bán thân Nữ hoàng Nefertiti, biểu tượng của sắc đẹp cổ đại, vẫn được ghi nhận là một cổ vật 3.400 năm tuổi và do các nhà khảo cổ Đức tìm thấy trong những cuộc khai quật bên bờ sông Nile, Ai Cập, rồi mang về nước năm 1912.

Tuy nhiên, trong cuốn sách mới phát hành mang tên Le Buste De Nefertiti, Une Imposture De L’Égyptologie? (Tượng bán thân Nefertiti, một sự lường gạt của Ai Cập học?), Henri Stierlin - người từng viết hơn chục đầu sách về Ai Cập, Trung Đông và đạo Hồi cổ - quả quyết rằng bức tượng này chẳng qua được nghệ sĩ Gerardt Marks làm theo đơn đặt hàng của nhà Ai Cập học Ludwig Borchardt. Stierlin cho rằng Borchardt muốn tạo ra một mẫu vật để minh họa về Nữ hoàng Nefertiti, với chuỗi hạt mà ông biết bà từng sở hữu và trên bề mặt có phủ những lớp màu của người Ai Cập cổ đại đã được các nhà khảo cổ tìm thấy trong những cuộc khai quật. Nhưng vào ngày 6/12/ 1912, khi Borchardt giới thiệu bức tượng cho một bậc vương công người Đức thì ông này lại nghĩ rằng đó là cổ vật và hết lời ca ngợi nó trước các phóng viên.

Stierlin cho biết ông đã nghiên cứu đề tài này suốt 25 năm và rút ra kết luận nêu trên dựa vào “nhiều bằng chứng thực tế”. Chẳng hạn như “bức tượng không có mắt trái, mà người Ai Cập xưa thì không bao giờ làm tượng một mắt. Bởi họ luôn quan niệm rằng tượng chính là bản thân người được dựng tượng”. Một bằng chứng khác: Hai vai của bức tượng rất xuôi, mang phong cách điêu khắc thế kỷ 19, trong khi “người Ai Cập vốn làm tượng có vai ngang”.


Dựa vào những ghi chép và báo cáo khoa học thời đó, Stierlin còn chỉ ra rằng các nhà khảo cổ Pháp có mặt tại di chỉ được cho là nơi khai quật bức tượng Nefertiti không hề đề cập đến phát hiện này. Trong khi ấy, bản báo cáo khoa học chi tiết sớm nhất đề cập tới phát hiện trên ra đời vào năm 1923, tức là 11 năm sau khi bức tượng được phát lộ. Stierlin còn quả quyết, vì Borchardt “biết đó là một bản sao nên ông đã để bức tượng này trong quên lãng suốt 10 năm ở phòng khách của người bảo trợ mình”.

Bảo tàng Ai Cập thuộc Bảo tàng Quốc gia Berlin đã kịch liệt phản đối ý kiến của Stierlin. “Chúng tôi không trưng bày trong tủ kính một vật đáng ngờ nào đó cho 700.000 khách đến tham quan hàng năm” - Giám đốc Bảo tàng Ai Cập, Dietrich Wildung, nói. Tượng Nefertiti là hiện vật quan trọng và được nhiều người quan tâm nhất tại đây. Kể từ khi nó được trưng bày trước công chúng vào năm 1923, phía Ai Cập liên tục đòi nước Đức phải trao trả lại bức tượng này.

Wildung nêu rõ, dựa vào rất nhiều cứ liệu lịch sử cũng như các cuộc nghiên cứu chất liệu và phân tích bằng siêu âm được tiến hành trong một thời gian dài, hoàn toàn có thể khẳng định pho tượng này ra đời từ thời Ai Cập cổ đại.

Trong khi đó theo Stierlin, người ta không thể nói chính xác được độ tuổi của bức tượng làm từ đá và phủ thạch cao này, bởi việc xác định niên đại bằng phóng xạ carbon cần dựa trên các chất hữu cơ. Tuy nhiên, ông phải thừa nhận: “Các chất màu trên pho tượng thì có thể xác định được niên đại và chúng thực sự có từ thời cổ xưa”.

                                                                                                                    Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng