Tạp chí Sông Hương -
Huyền thoại con đường được viết bởi máu và hoa
20:53 | 09/05/2009
Con đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường huyết mạch nối liền đất nước là “kỳ công, kỳ tích, kỳ quan của ý chí nghị lực và tinh thần sáng tạo phi thường của dân tộc Việt ”. Con đường ấy không chỉ thấm máu của nhân dân anh hùng mà nơi đó, tinh thần lãng mạn cách mạng đã nở hoa.
Huyền thoại con đường được viết bởi máu và hoa
Con đường huyền thoại đã chứng kiến bao nhiêu hy sinh của các chiến sĩ, của các TNXP

Kỳ vĩ trong bom đạn

50 năm trước, dân và quân ở mảnh đất hào hùng có dải núi Trường Sơn đi qua đã có những câu nói trở thành khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “máu có thể đổ, đường không thể tắc”…

Con đường mà người Việt thế kỷ XX “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong chiến tranh đã bị tập trung đánh phá. Trong 15 năm (1959-1975), Mỹ ngụy đã mở 111.135 trận không kích, kể cả B52, hơn 7,5 triệu quả bom và hàng triệu quả mìn các loại đã được rải xuống. Trường Sơn chịu hơn 4 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn trên chiến trường Đức, Nhật trong thế chiến thứ 2. Nhưng càng hiếu chiến, kẻ thù càng thất bại nặng nề hơn. Gần 2500 máy bay Mỹ các loại đã bị bắn rơi, 17.000 lính Mỹ ngụy đã vùi thây trên Trường Sơn nhưng con đường giải phóng miền Nam cứ rộng dài thêm mãi, không gì ngăn nổi. Cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 30/4/1975, đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh từ một con đường mòn đã trở thành một hệ thống vĩ đại với 16.700 km cho xe cơ giới, 3000km đường giao liên (đi bộ) đưa đón hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, hơn 1 triệu tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Có một tính toán rằng, cứ 1 tấn hàng hóa được đưa vào an toàn thì 25 chiến sĩ hy sinh.

Con đường huyền thoại đã chứng kiến bao nhiêu hy sinh của các chiến sĩ, của các TNXP. Nhưng cái tên như Ngã 3 đường 10 quyết thắng, đường 20 quyết thắng… đều thấm máu xương của quân dân Việt Nam. Câu chuyện về 29 chiến sĩ lấy thân làm nền cho 30 phi xăng chuyển lên từ lòng sông Trà Ang chảy xiết sang Lào, 8 nữ TNXP bị bom Mỹ vùi  sống trong hang, 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc…vẫn còn vang mãi như những bản hùng ca về Trường Sơn.

Nữ chiến sĩ TNXP Đặng Thị Vân đã kể: Mỗi lần đến ca trực, chị và đồng đội đều mang theo một mảnh ni lông để che mưa và để bọc xác mình nếu chẳng may hy sinh.


Cũng con đường này, tinh thần lãng mạn cách mạng của dân tộc đã nở hoa.

Tiếng hát át tiếng bom

Để làm nên ngày đại thắng, làm nên huyền thoại con đường, không chỉ có máu xương mà cả tinh thần lạc quan tin tưởng ngày chiến thắng. Chính điều đó làm nên sức mạnh cho cả dân tộc đi đến thống nhất non sông.

Nhà văn Chu Lai- người đã trải qua những tháng ngày ở Trường Sơn chia sẻ: “Nếu không có tinh thần lãng mạn thì làm sao chịu nổi những ngày tháng chiến tranh dặm dài như thế. Ý chí căm thù giặc và lòng yêu nước kết hợp với tinh thần lạc quan, lãng mạn mới tạo nên sức mạnh kỳ diệu của chúng ta tại Trường Sơn. Ngày ấy, ra trận lại được nghe những câu hát như “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”; “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình…”

Con đường Trường Sơn dài tới đâu, quân ta đi tới đâu thì văn công đi tới đó. Huyền thoại ấy chính là là sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần trong bom đạn khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên- Tư lệnh đoàn 559 đường Trường Sơn Huyền thoại (1967-1976) nhớ lại: “Đó là năm 1968, tôi đang ngồi dưới hầm chỉ huy thì đồng chí Chính ủy Bùi Xuân Chiêu  (cựu tù Côn Đảo)- một người rất vui tính và lạc quan vỗ vai tôi bảo: “Hôm nay tư lệnh sẽ có vũ khí mới”. Tôi hỏi “Tầm bắn bao nhiêu?”. Đồng chí ấy cười: “Tầm bắn vô hạn”. Hóa ra, đó là sự xuất hiện của các đoàn văn công. Chưa có chiến trường nào cùng một lúc lại có đến 16 đoàn văn công kết hợp tham gia, thi đua nhau đến như với Trường Sơn”.

“Sau khi nghe những chương trình văn nghệ ấy, một điều chúng tôi cảm nhận rất rõ là tinh thần của mỗi người lính khác hẳn, trong các trận địa pháo, trong các kho tàng, xưởng vũ khí… người ta rộn ràng phấn chấn theo cấp số nhân khi nghe những bài hát: Bài ca 5 tấn, Xa khơi, Cô gái mở đường, Trường Sơn đông Trường Sơn tây… Tinh thần lãng mạn ấy đã làm nên cả một thời hào khí phơi phới tinh thần lạc quan, quên đi những gian khổ của chiến trường, đánh dấu mốc son không thể nào quên của đất nước, của những người ra trận. Đó là một thứ vũ khí mạnh hơn cả vũ khí- Trung tướng nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Nguyễn Thế Phiệt chia sẻ: “Chúng tôi trèo đèo, lội suối đến với các đơn vị lái xe, công binh, giao liên, TNXP. Mỗi khi ngớt tiếng bom, tiếng hát, tiếng đàn của chúng tôi lại vang lên động viên kịp thời các đơn vị đang làm nhiệm vụ. Trong hành trình của chúng tôi có những kỷ niệm không thể nào quên như có lần đòa vừa hành quân tới một đơn vị vận tải trên tuyến đường 20 thì máy bay Mỹ ập đến thả bom xuống đội hình của đơn vị. Một số anh em đã hy sinh, chúng tôi phải dừng lại cùng đơn vị làm lễ truy điệu và chôn cất các đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường lịch sử này.”

Cùng với văn công Trường Sơn, hàng năm, Đảng và Nhà nước còn điều thêm các đoàn nghệ thuật ở các tỉnh như Nam Hà, Thái Bình, Hà Bắc, Bắc Thái, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hà Nội… vào biểu diễn phục vụ chiến trường. Bộ tư lệnh 559 còn mở các lớp bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ là các chiến sĩ ở các đơn vị Bộ đội 559. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã có những tác phẩm có giá trị, trở thành các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng từ Trường Sơn.

Là một trong những nghệ sĩ được may mắn tham gia biểu diễn phục vụ các chiến sĩ bộ trên tuyến đường Trường Sơn với hơn 100 buổi, trong suốt 6 tháng liên tục,  NSND Phạm Thị Thành xúc động nhớ lại: “Bom, đạn và rất nhiều máu đã đổ, song, một trong những kỷ niệm của người nghệ sĩ đó là những khuôn mặt rạng ngời của các chiến sỹ vẫn còn vương khói súng, là những món quà rất lính dành tặng cho các diễn viên trong đêm diễn mà đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên. Khi đi biểu diễn, đoàn văn công của chúng tôi bao giờ cũng được chia thành 4 nhóm, để nếu nhóm này trúng bom, đạn thì còn có nhóm khác biểu diễn phục vụ bộ đội. Lúc đầu, tôi sợ lắm, bom đạn bay qua đầu, chết đến nơi, nhưng nghĩ, người lái xe cho chúng tôi cũng muốn sống chứ, đồng chí ấy khác biết lái xe tránh bom, đạn. Thế là lại hát, lại cười”.

Kể từ khi đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh hoàn thành, 50 năm qua, tuyến đường đã trở thành huyền thoại trong lòng dân tộc. Trong khói lửa đạn bom, huyền thoại về con đường được hình thành từ nghị lực phi thường của người Việt một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

                                                                                                                   Theo Toquoc

Các bài mới
Các bài đã đăng