Hãy đoán thử nội dung sau từ bộ phim nào: một người đàn ông thành đạt và có gia đình, trong một giây phút sa ngã đã vui vẻ qua đêm với một người đẹp quyến rũ để rồi không thể nào thoát khỏi sự săn đuổi điên loạn của người phụ nữ si mê anh đến mù quáng, từ đó dẫn đến hạnh phúc gia đình tan nát và cả tính mạng của người vợ cũng bị đe dọa bởi người đàn bà cuồng si. Nếu bạn đoán đó là Fatal attraction (Sự quyến rũ chết người), bộ phim tình cảm hình sự hồi hộp ra mắt năm 1987 với diễn xuất của Michael Douglas và Glenn Close, bạn đã đúng.
Ðây không phải là lần đầu tiên các nhà làm phim Hollywood vay mượn ý tưởng của những bộ phim trước đó để làm lại.
Tập đầu tiên của The fast and the furious (ra mắt vào năm 2001, phần 4 vừa ra mắt năm 2009 với tên gọi Quá nhanh quá nguy hiểm) được "chôm" ý tưởng từ phim Point break (1991) xoay quanh một cảnh sát chìm trở nên thân thiết với trùm tội phạm và cuối cùng để "người anh em" của mình ra đi, nhưng thay chi tiết băng cướp lướt sóng trong phim cũ bằng băng cướp đua xe trong phim mới. Connie và Carla (2004) cũng "cầm đỡ" ý tưởng của Some like it hot, nhưng thay vì hai anh chàng nhạc công phải giả gái để chạy trốn bọn tội phạm khi vô tình thấy chúng giết người, phiên bản mới là hai cô gái giả làm hai chàng trai đồng tính giả gái!
Năm 2007, Jodie Foster tham gia bộ phim The brave one trong vai một phụ nữ New York sau khi chồng bị giết chết bởi bọn côn đồ đã quyết định tự mình săn đuổi bọn tội phạm về đêm và trở thành người hùng của công chúng. Những ai từng xem Death wish, với diễn xuất của Charles Bronson ra mắt năm 1974 về một người đàn ông New York sau khi vợ bị bọn côn đồ giết chết đã quyết định tự mình săn đuổi bọn tội phạm về đêm và trở thành người hùng của công chúng, sẽ không khỏi tự hỏi: phải chăng là một sự ăn cắp trắng trợn?
Với Jodie Foster và nhà sản xuất của The brave one, dĩ nhiên đó không phải là sự ăn cắp vì nhân vật chính của Death wish là đàn ông, còn nhân vật chính của The brave one là phụ nữ!
|
Nếu bạn nghĩ hình như đó là nội dung của bộ phim dẫn đầu doanh thu tuần rồi Obsessed (Si mê) - hay còn gọi là Sự quyến rũ chết người của người đàn bà da trắng và cặp vợ chồng da đen - bạn cũng đoán đúng! Ðiểm khác biệt? Fatal attraction được đề cử 6 giải Oscar, trong đó bao gồm phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, biên kịch, dựng phim xuất sắc cùng hai giải nữ diễn viên chính (dành cho Glenn Close) và phụ (dành cho Anne Archer), trong khi Obsessed nhận được 21% bình chọn tích cực từ phía các nhà phê bình phim trên trang RottenTomatoes.
Nếu Fatal attraction khiến cánh đàn ông Mỹ phải sợ chết khiếp để chừa tật trăng hoa thì Obsessed với diễn xuất của Ali Carter trong vai Lisa, nữ thư ký da trắng si mê cuồng dại anh sếp da đen Derek (Idris Elba) đẹp trai, thành đạt và hạnh phúc ấm êm với người vợ da đen quyến rũ của mình (do nữ ca sĩ Beyoncé thủ vai), lại khiến người xem hoang mang: Derek hoàn toàn chung thủy với vợ và chưa một lần ngủ với Lisa, vậy tại sao gia đình anh phải trả giá vì một người đàn bà tâm thần như thế?
Dù vậy, Obsessed với sự góp mặt của Beyoncé cũng dẫn đầu vị trí doanh thu cuối tuần rồi.
Còn ở vị trí thứ hai là 17 again (Trở lại tuổi 17), bộ phim khiến người xem phải nhớ đến Big (Ước mơ thành người lớn - 1988) và 13 going on 30 (13 tuổi sang tuổi 30 - 2004). Big, với diễn xuất của Tom Hanks, kể về một cậu bé luôn ước mơ thành người lớn và trong một đêm đã... trở thành người lớn, để rồi sau bao nhiêu rắc rối cậu nhận ra làm người lớn không dễ dàng như cậu nghĩ.
Vay mượn ý tưởng từ Big, 13 going on 30 thay thế cậu bé thành cô bé, để Jennifer Garner vào vai cô gái tuổi 30 mang tâm hồn bé gái 13 tuổi với bao nhiêu rắc rối xảy đến để học được bài học hãy quý trọng từng giây phút trong cuộc đời mình. 17 again vay mượn ý tưởng từ hai bộ phim trước đó, nhưng thay vì biến đứa trẻ thành người lớn, nay biến người lớn thành đứa trẻ! Ðó là câu chuyện của Mike, một người đàn ông thất bại trong sự nghiệp, con cái lạnh nhạt và anh đổ hết lỗi cho vợ khi anh từ bỏ tất cả để ngỏ lời cầu hôn nàng. Khi đứng bên bờ vực tan vỡ hôn nhân, Mike ước gì mình được trở lại năm xưa để có thể thay đổi mọi chuyện... và "bùm", anh trở lại tuổi 17.
Nhà bình luận phim nổi tiếng của tờ Chicago Sun Times Roger Ebert nhận xét về xu hướng này: "Biết cách vay mượn một cách khôn ngoan từ phim khác đã trở thành một nghệ thuật. Các nhà sản xuất dòng phim chính thống rất nhạy cảm trong việc kinh doanh tái chế này. Họ biết ý tưởng nào đã được kiểm chứng mức độ thành công. Họ luôn muốn an toàn và chọn con đường dễ đi quen thuộc". Penny Marshall, đạo diễn của Big, bảo: "Tôi đầu hàng với những thứ vay mượn đó. Ở
Hollywood
chẳng có gì là độc đáo mới lạ nữa cả". Gary Ross, đồng biên kịch của Big, thì... mặc kệ: "Tôi chẳng có ý định kiện ai. Làm điều đó chỉ phản tác dụng. Big là điều tuyệt vời trong đời tôi, và quan trọng là ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày hôm nay".
Trong khi đó, phần đông khán giả chẳng có gì phàn nàn. Họ vẫn lũ lượt đi xem những bộ phim có cùng công thức hơn là bỏ tiền ra rạp xem những phim có những khám phá mới lạ. Bằng chứng rõ nét nhất ở doanh thu phòng vé, nơi mà cả hai phim "vay mượn ý tưởng" Obsessed và 17 again đoạt ngôi đầu bảng!
Theo TT |