Craig Arnold tới Nhật theo một chương trình trao đổi văn hóa, giao lưu giữa các nghệ sĩ hai nước. Tại đây, hôm 26/4, anh đã khởi hành chuyến tham quan hòn đảo Kuchinoerabu-jima và khám phá các núi lửa tại đây. Dự kiến chỉ mất hai giờ vòng quanh hòn đảo, Craig chỉ mang theo một chiếc áo mưa và một chiếc gậy leo núi. Anh có điện thoại, nhưng trên đảo không có sóng. 3 ngày sau, không thấy Craig trở lại, Tổ chức Thơ ca Mỹ đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân tìm kiếm dấu vết của nhà thơ. Lực lượng cứu hộ Nhật Bản cũng đã vào cuộc. Đến 3/5, phía Nhật quyết định kết thúc cuộc tìm kiếm mà không có thêm thông tin nào về số phận nhà thơ.
Tuy vậy, phía Mỹ vẫn tiếp tục cử lực lượng cứu hộ, chia thành các đội nhỏ đến hòn đảo Kuchinoerabu-jima. Hôm 7/5, họ đã tìm thấy dấu chân của nhà thơ, dựa trên đối chiếu ảnh của anh và những vết chân lưu lại trên một con đường ở hòn đảo nhỏ. Theo đó, họ cho rằng, Craig đã leo đến miệng của một núi lửa. Anh có thể đã bị trượt chân rơi xuống đó. Kuchinoerabu-jima là một hòn đảo biệt lập tại Nhật Bản với khoảng 150 cư dân sinh sống. Hòn đảo rậm rịt cây cối và có rất nhiều núi lửa. Ngọn núi phun trào gần đây nhất là vào năm 1980.
Craig Arnold sinh năm 1967 trong một gia đình có bố và mẹ đều làm trong lực lượng Không quân Mỹ. Anh từng có thời gian sống tại Okinawa, Nhật Bản. Craig là một trong những nhà thơ trẻ tài năng. Anh là tác giả của hai tập thơ từng đoạt giải thưởng thơ ca ở Mỹ. Ngoài thơ ca, Craig còn rất thích đi du lịch, đặc biệt là thám hiểm các ngọn núi lửa. Hiện, anh đang viết một cuốn sách về những miệng nham thạch này.
Từ khi tới Nhật vào giữa tháng 3, Craig liên tục cập nhật thông tin lên blog cá nhân của mình với chủ đề "Du hành núi lửa: 5 tháng ở Nhật trong vai một nhà thơ lữ hành". Entry mới nhất được viết hôm 24/4, hai ngày trước khi Craig bắt đầu chuyến hành trình định mệnh. Rebecca Lindenberg, bạn gái của nhà thơ cũng khẳng định, trong tháng 3, bạn trai cô đã dành rất nhiều thời gian cho các chuyến thám hiểm núi lửa.
Đến nay, các chuyên gia cứu hộ cho rằng, Craig chắc chắn đã chết. Anh không thể sống sót sau hơn nửa tháng trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. Tuy nhiên, gia đình anh vẫn tiếp tục các cuộc tìm kiếm. Người thân của Craig khẳng định, anh là một người rất khỏe mạnh và đã có nhiều kinh nghiệm leo núi trong các chuyến hành trình đến châu Âu, Trung và Nam Mỹ. Hơn nữa, Kuchinoerabu-jima là một hòn đảo tương đối dễ chinh phục. Nên họ có cơ sở để tin rằng, nhà thơ còn sống. "Craig là một người can đảm và thông minh. Gia đình tôi sẽ tìm kiếm đến cùng dù là với hy vọng rất mong manh", Chris Arnold - em trai của nhà thơ nói. Christ cũng đã đến Nhật để tìm anh trai.
Hiện tại, Rebecca Lindenberg - bạn gái của Craig - đang rất đau khổ. Cặp tình nhân này có một thỏa thuận. Trong mỗi cuộc leo núi, nếu sau 48 tiếng anh không gọi điện cho cô, cô sẽ báo cho cảnh sát và lực lượng cứu hộ.
Vì vậy, khi Craig mất tích, các nhà chức trách Nhật đã tìm đến cô. "Tôi vô cùng choáng và sốc trước sự việc này. Craig không phải là người liều lĩnh. Anh ấy luôn ý thức mình không phải nhà thám hiểm núi lửa chuyên nghiệp mà chỉ là một nhà thơ", Rebecca nói.
Trước những thông tin về sự cố xảy ra với Craig, đồng nghiệp của anh đã bày tỏ sự thông cảm sâu sắc. Robert Pinsky, nhà thơ Mỹ nổi tiếng, nhận định: "Craig Arnold là một trong những nhà thơ tài năng và tinh tế nhất của thế hệ anh".
Còn giáo sư đại học Jacqueline Osherow tỏ ra rất đau buồn trước mất mát này. Osherow khẳng định, Craig là nhà thơ có trái tim nồng ấm, nhiệt huyết tìm tòi khám phá và khát vọng làm bất cứ điều gì anh thích. "Tôi rất đau lòng nếu anh không còn sống để viết tiếp những bài thơ. Đây là một mất mát lớn đối với nền văn chương Mỹ", Osherow nói.
Theo eVan |