Tạp chí Sông Hương -
Tạo hoá công bằng
15:25 | 13/05/2009
Cuối tháng 4, ta nhấp nhổm chờ đài 5 chiếu phim tài liệu Những bóng ma Mỹ Lai. Nhấp nhổm như mọi kẻ xa xứ trước những gì liên quan đất nước, huống chi phim mới tinh (2008), huống chi phim về cuộc thảm sát khiến hơn 500 đồng bào ta bị chết oan uổng...
Tạo hoá công bằng
Hai trong vô vàn hình ảnh chấn động về cuộc chiến Việt Nam. Ảnh của Ronald L. Haeberle

Ảnh của Ron
 
Để trở về câu chuyện 40 năm trước, hai đạo diễn Pháp Jean Crépu và Thomas Bronnec đã phỏng vấn ba nhân chứng: nhiếp ảnh gia Ronald (Ron) Haeberle – tham dự chiến dịch dưới tư cách phóng viên quân đội; Lawrence (Larry) Colburn – một trong ba sĩ quan không quân đã ngăn cản đồng đội giết dân thường; và người cuối cùng, khiến ta ám ảnh nhất: Fred Widmer.


Hai trong vô vàn hình ảnh chấn động về cuộc chiến Việt . Ảnh của Ronald L. Haeberle

Phim cấu trúc bởi ba mảng chính: bộ ảnh của Ron Haeberle, cuộc trở về Mỹ Lai của Larry Colburn, lời kể của các nhân vật. Ta đã từng đọc, nghe, thấy rất nhiều tài liệu về Mỹ Lai, những con số, những hình ảnh man dã, những phiên toà nguỵ mị mà rốt cuộc mọi tội phạm đều trắng án. Ngay William Calley, người duy nhất bị kết án bốn tháng rưỡi tù giam rốt cuộc cũng nhởn nhơ. Nhưng ta vẫn rùng mình khi nghe Ron Haeberle, 70 tuổi, nhắc lại quá khứ. Cũng giống như nội dung các đoạn băng điều tra sự kiện Mỹ Lai được công bố, Ron nói cuộc thảm sát bắt đầu bằng các cuộc không kích. Khi những chiếc trực thăng hạ cánh, Ron cùng đồng đội nghe rất nhiều tiếng nổ, và nghĩ mình bị tấn công. Nhưng ngay sau đó Ron hiểu không có cuộc tấn công nào hết. Ngược lại, “Chúng tôi nhìn thấy lính Mỹ bắn xối xả vào nhóm phụ nữ, trẻ em, người già chạy trên đường...”. Và khi Ron tiến vào làng, một thảm cảnh hiện ra trước mắt: những căn nhà lá bị thiêu đốt, những xác chết rơi vãi...

Trong phim, chuyện của Ron luôn được minh hoạ bằng hình ảnh các thi thể phụ nữ, trẻ em... mà các sĩ quan cho là xác Việt cộng – những bức ảnh làm dậy lên phong trào quốc tế chống chiến tranh Việt Nam; những bức ảnh khiến Ron không chụp nổi ảnh chiến tranh trong quãng đời còn lại.

Chuyện của Larry

Ngày 15.3.1968, chiếc trực thăng thuộc đơn vị trinh sát trên không của Larry Colburn do Hugh Thompson cầm lái, khi bay qua Mỹ Lai đã chứng kiến vô số xác chết thường dân. Trực thăng của họ đáp xuống cái mương đầy xác người, trong đó có một xác còn cử động. Thompson yêu cầu viên sĩ quan cứu người đó ra khỏi mương, nhưng khi trực thăng cất lên thì viên sĩ quan kia tiếp tục xả súng! Từ trên cao, phi đội của Larry sau đó lại nhìn thấy nhóm nạn nhân cũng gồm phụ nữ, trẻ em, người già trong căn hầm đang bị lính Mỹ ập đến. Họ quyết định hạ cánh và cứu được hơn chục người. Vì hành động can thiệp này, mãi đến năm 1998, ba cựu sĩ quan của phi đội: Glenn Andreotta, Thompson, Larry mới được tặng Soldier’s Medal cho “hành động ngăn cản đồng đội giết dân thường”, trong lúc các binh sĩ đều được nhận huy chương sau chiến tranh.

Trở lại Mỹ Lai cùng đoàn phim 40 năm sau, Larry đã đi thăm mảnh đất năm xưa mà giờ đây có vẻ như mọi dấu vết tội ác đã được gột rửa, thăm các nạn nhân sống sót. Larry nói những ông bà già đó đã nguyền rủa ông là kẻ giết người, kẻ cướp mất thân nhân của họ. Nhưng an ủi thay, vẫn có người mang máng sự can thiệp... Trên màn ảnh, các nạn nhân nói nhiều, khóc nhiều bởi họ có quá nhiều điều để nói. Nhưng có một bà lão không nói, không khóc, chỉ im lặng để bàn tay khẳng khiu vết gấp thời gian trong tay của Larry. Ta nhoi nhói nhận ra trong đôi mắt mờ đục xa xăm một ký ức cô đặc. Ký ức máu...

Và Fred

Nhưng Fred Widmer – người trực tiếp tham gia cuộc tập kích mới thực sự làm ta ám ảnh. Hai má gầy hóp, hai mắt trũng sâu chưa che hết nét tuấn tú, bỗng như hom hem hơn trước nhóm học sinh đang thảng thốt nghe tội lỗi. Fred kể ông nhìn thấy một bé trai, tay gãy nát, ruột đổ ra ngoài do đã bị ai bắn  trước đó. “Tôi tiếp tục bắn nó chết như sự giải thoát...”. Hành động này của Fred đã được Ron chứng kiến: “Tôi không bao giờ quên cảnh thi thể đứa bé bị bắn tung lên và rơi xuống đống xác chết”.

Fred không nói giết bao nhiêu người, hoặc ta không nghe rõ, bởi ta bị cuốn vào đôi mắt trũng chênh vênh giữa hôm nay và quá khứ; vào những gương mặt trẻ đang bàng hoàng ghê tởm cha ông – nhưng ta đọc được lời tự thú của Varnado Simpson – người đã giết chết 25 thường dân ở Mỹ Lai: “Tôi không thể tha thứ cho mình về tất cả những điều đó. Không bao giờ!”. Sau chiến tranh, Simpson đã ba lần tự sát, và thành công năm 1997. Fred vẫn sống, vô sự. Không hề bị truy tố, kẻ tội đồ 40 năm sau bỗng rưng rưng trước con cháu: “Đây là một tội ác quá lớn không thể nào cởi bỏ. Tôi sẽ phải mang gánh nặng này cho đến chết...”. Sau câu nói Fred nhìn ra rất xa, như đối diện lương tâm, như ghê rợn cái địa ngục quá khứ đã bước ra, như run sợ cái địa ngục tương lai sẽ bước vào...

“Cái chết là sự công bằng nhất mà tạo hoá dành cho con người. Nếu không có nó thì không biết con người còn đối xử với nhau tồi tệ đến đâu” – Ta đã từng thích câu nói của nhân vật Thiên Niên Kỷ trong tiểu thuyết Nếu anh còn được sống của Văn Lê, giờ đối diện với kẻ chết mòn vì tội lỗi, ta tin hơn sự công bằng này: ai rồi cũng phải chết. Chỉ khi đến gần cái chết, chán ngán mọi phù du thế gian thì con người mới thức tỉnh. Tội lỗi nào, dù ngang nhiên rồi cũng phải trả giá, dù mấy mươi năm sau, ô nhục, đau đớn như Fred... 

                                                                                                                      Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng