Phim truyền hình VN hiện nay đang chiếm được cảm tình của người Việt ở nước ngoài, do đáp ứng nhu cầu của bà con Việt kiều là được nghe tiếng Việt, thưởng thức một câu chuyện VN trong bối cảnh VN. Một số công ty phát hành phim ở Mỹ đã bắt đầu nhảy vào khai thác.
Cờ đã đến tay
Thật ra cách đây 7 năm, đã từng có một số công ty ở hải ngoại mua bản quyền phát hành một số phim tài liệu, ký sự, phim truyền hình do Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) sản xuất nhưng việc làm ăn này nhanh chóng kết thúc vì những đơn vị này không thể cạnh tranh nổi với lực lượng làm băng đĩa lậu ở hải ngoại.
Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra sự kiện hãng Mưa hồng bị FBI tịch thu hơn 3 triệu băng đĩa lậu, phạt 85.000 USD thì các đơn vị làm ăn nghiêm túc mới mạnh dạn trở lại đặt vấn đề mua bản quyền các sản phẩm trong nước để phát hành.
Hiện đã có 4-5 công ty ở Mỹ làm việc với TFS, trong số đó TFS đã chọn đối tác Icinema media incorporation và ký hợp đồng bán toàn bộ các phim của TFS phát sóng trong năm 2009, gồm: Chuyện tình công ty quảng cáo, Tình án, Câu chuyện pháp đình, Cầu trường không yên tĩnh, Tân phong nữ sĩ, Taxi, Kẻ di trú, Hoa dại, Âm tính.
Nói về triển vọng hợp tác này, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc TFS, cho biết: “Tuy tiền bản quyền thu được không đáng là bao nhưng chúng tôi xem như đây là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu TFS vì nếu không bán thì lâu nay phim của TFS cũng bị phát hành lậu tràn lan ở nước ngoài.
Nếu tình hình phát hành trong mạng lưới video gia đình khả quan, một số đơn vị sẽ tiến tới mở rộng việc mua các phim truyện, tài liệu, ký sự để phát sóng trên các kênh truyền hình nói tiếng Việt”.
Chưa chịu phất
Tuy nhiên, con đường xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài không hẳn đã suôn sẻ. Ông Nguyễn Minh Phương, đại diện cho Vina Distributor và Viet Motion Distributor- hai đơn vị đang thương lượng với nhiều hãng phim tại VN để mua bản quyền phim xuất khẩu - cho biết: Vẫn còn một số trở ngại khiến việc mua bản quyền phim nhiều tập của VN đưa ra nước ngoài theo dạng quy mô lớn chưa tiến triển theo chiều hướng thuận lợi.
Thứ nhất, làm sao đáp ứng đủ nhu cầu từ 50 đến 60 tập phim VN mới mỗi tuần, tức mỗi năm khoảng 2.800 tập, cho thị trường DVD phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Hiện nay, con số này khó thu mua đủ. Cái khó thứ hai, so với giá phim tập của Trung Quốc, Hàn Quốc, các hãng phim VN bán tác quyền quá cao, thấp nhất là 300 USD, thậm chí có nơi đưa giá trên 1.000 USD/tập, trong khi khả năng của các nhà phát hành ở nước ngoài không thể trả cao hơn 200 USD/tập.
Trở ngại cuối cùng là các hãng phim chỉ cho phát hành DVD tại nước ngoài sau khi đài truyền hình chiếu hết bộ phim. Một phim dài hàng chục, hàng trăm tập mà đợi phát sóng hết tại VN mới được phát hành tại Mỹ thì không còn kinh doanh được.
Bởi chỉ cần phim phát vài tập đầu ở VN thì ngay sau đó ở Mỹ đã có đĩa lậu, đáp ứng tâm lý người xem phim truyền hình nôn nóng muốn theo dõi những diễn tiến tiếp theo.
Trở ngại này có phần rắc rối từ bản quyền phim. Mặc dù phim do các hãng tư nhân sản xuất nhưng khi phát sóng trên các đài truyền hình thì bản quyền thuộc về các đài truyền hình nên việc mua bán càng thêm phức tạp.
Không nên chỉ nhắm tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi trong khả năng ngày càng có nhiều phim truyền hình VN có chất lượng đủ điều kiện tìm đến thị trường các nước trong khu vực. Việc dọn đường cho phim truyền hình Việt ra thị trường nước ngoài cũng là điều mà các nhà làm phim và phát hành phim truyền hình VN phải tính đến.
Phim Việt soán ngôi
Đến những năm 2003-2004, người Việt ở nước ngoài có điều kiện tiếp xúc với nhiều bộ phim truyền hình VN. Bộ phim đầu tiên được đông đảo bà con Việt kiều biết đến là Đất phương Nam, với câu chuyện cảm động về hành trình tìm cha của cậu bé mồ côi cùng với những hình ảnh mộc mạc của làng quê VN, con người VN đã phần nào giúp họ nguôi đi nỗi nhớ quê nhà. Sau Đất phương Nam đến lượt những phim khác, như: Dòng đời, Người đẹp Tây Đô, Mùi ngò gai hay gần đây nhất là các phim: Chuyện tình công ty quảng cáo, Tình án,... vừa phát sóng ở VN cũng đã nhanh chóng có mặt trên thị trường giải trí của người Việt ở nước ngoài, thông qua phương thức duy nhất là băng đĩa lậu. Với mức giá chỉ 1,5 USD/DVD (một đĩa chứa 3 tập phim), lại không phải mất công đến tiệm làm thủ tục thuê-trả rắc rối như phim Trung Quốc hay Hàn Quốc (giá thuê là 1 USD/cuốn và ít có đĩa lậu vì Trung Quốc, Hàn Quốc có đại diện tại Mỹ giám sát chặt vấn đề tác quyền), phim truyền hình VN dễ dàng soán ngôi phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc trong thị trường giải trí của cộng đồng người Việt.
|
Theo NLĐO |