Tạp chí Sông Hương -
Ngừng phát sóng trên analog 3 kênh của HTV: Không phát sóng “chui”, chỉ chưa giấy phép!
09:13 | 15/05/2009
Cần có cơ chế quản lý tần số. Đây là kinh nghiệm cho HTV, sau này khi phát sóng thử nghiệm một chương trình mới sẽ ghi thêm chữ... thử nghiệm!
Ngừng phát sóng trên analog 3 kênh của HTV: Không phát sóng “chui”, chỉ chưa giấy phép!

Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) vừa phải ngừng phát sóng kênh VTC1. Hai kênh VTC7 và VTC9 cũng buộc phải ngừng phát sóng từ cuối tháng 5-2009 với lý do không có giấy phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện của Cục Tần số vô tuyến điện. Đến chiều 7-5, ba kênh truyền hình HTV1, HTV3 và HTV4 của Đài truyền hình TP.HCM (HTV) cũng buộc phải dừng phát sóng với phương thức phát sóng mặt đất tương tự (analog) do không có giấy phép sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện.

Sáng qua (14-5), Đài truyền hình TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố về định hướng phát sóng và truyền dẫn từ giai đoạn 2009-2015 của HTV.

HTV đã dừng phát analog từ tháng 4-2009!

Ông Huỳnh Văn Nam, Tổng Giám đốc HTV, cho rằng việc báo chí nói HTV phát sóng “chui” ba kênh truyền hình này là chưa chính xác. Theo ông, những phát triển đó nằm trong giai đoạn hoàn toàn thử nghiệm và “không có giấy phép chính thức về tần số”. Các đài địa phương lấy giấy phép tần số của mình để HTV phát chương trình qua analog. Tất cả dự án đó đều trong quá trình chuyển đổi từ analog sang số. “Và đến cuối năm 2008, khi nhà nước ban hành quy định số hóa đến các đài truyền hình, HTV đã chấp hành quyết định và đổi các kênh HTV1, HTV3 và HVT4 trở lại số cách đây hơn một tháng. Các máy phát sóng analog các kênh này đã ngưng phát sóng nhưng không khán giả nào biết vì trên địa bàn TP.HCM, hiệu quả thực tế của analog không còn nữa” - ông khẳng định.

Trả lời câu hỏi của báo chí là nhà đài thử nghiệm phát sóng các kênh của HTV trên analog từ khi nào và khi ngừng phát sóng trên analog, đài có thông báo đến khán giả không, ông Nam cho rằng thử nghiệm thì không thể là vĩnh viễn. Nhà đài triển khai thử nghiệm và đang triển khai xin giấy phép phát sóng dài hạn. Tuy nhiên, đang trong quá trình thử nghiệm analog thì nhà đài phải chuyển sang số để đúng lộ trình như Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 mà Thủ tướng đã phê duyệt. Theo đó, đến năm 2015, TP.HCM và Hà Nội sẽ bỏ hoàn toàn việc phát sóng trên analog.

HTV đã tôn trọng khán giả?

Các nhà báo cũng đặt vấn đề: Nếu lấy lý do trong quá trình thử nghiệm bỗng dưng nhà đài gặp quy hoạch của Chính phủ nên dừng phát sóng trên analog và không cần thông báo đến người sử dụng e hơi thiếu tôn trọng khán giả xem đài. Thứ hai, khi ra mắt ba kênh truyền hình HTV1, HTV3 và HTV4, nhà đài từng quảng cáo đây là kênh phát sóng trên analog chứ không hề nói ba kênh này phát sóng thử nghiệm trên analog.

Về những ý kiến này, ông cho rằng đây là kinh nghiệm cho HTV, sau này khi phát sóng thử nghiệm một chương trình mới sẽ ghi thêm chữ... thử nghiệm!

Cũng theo ông , ở các nước khác, ngoài tần số phục vụ an ninh quốc phòng thì số tần số còn lại được xem như là tài nguyên quốc gia và thường được đem ra đấu thầu. Nhà nước thu được tiền từ quỹ tần số rất lớn. “Tần số thường được quản lý như đất đai và thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng ở nước ta hiện nay, tần số lại được giao cho Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) và quản lý theo cơ chế làm dự án xin-cho. Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ nên có cơ chế quản lý tần số” - ông nói.

                                                                                        Theo PL TPHCM Online

Các bài mới
Các bài đã đăng