Như Văn Hoá có bài phản ánh, ngay sau khi GS.TS Trần Văn Khê có thư bày tỏ suy nghĩ của mình trước sự kiện tranh chấp tên gọi “Ca trù Thăng Long” làm rầu lòng làng Ca trù gần đây, bà Nguyễn Lan Hương – Giám đốc Trung tâm Văn hoá (TTVH) Ca trù Thăng Long đã gửi một bức thư đến GS Trần Văn Khê bày tỏ sự “đau đớn, xót xa”. Bà Hương nhấn mạnh: “cháu cảm thấy đau đớn, xót xa khi bác dẫn dụ những từ như “mánh khoé”, “thương trường”, “pho – mát” trong một không gian hàn lâm, bác học của nghệ thuật ca trù.”. Trả lời “những tâm tình” của bà Hương về việc ra đời của Trung tâm Văn hoá Ca trù Thăng Long, GS.TS Trần Văn Khê cho rằng bà Nguyễn Lan Hương “đã quá xúc động mà không đọc kỹ thư”, ông trích lại đoạn văn đó: “thầy đã “buồn cười” về hai việc đó, nhưng không mấy quan tâm, vì cho đó là những mánh khoé trong thương trường” và lập luận: “Vậy “mánh khoé trong thương trường” chỉ là cụm từ bác muốn nói về nhà thuốc dân tộc Con nai và thương hiệu pho mát. Và cũng là ví dụ điển hình dễ nhớ, dễ biết đối với quần chúng”.
Trong thư, GS. TS Trần Văn Khê cũng lấy làm lạ là những người có quan tâm và có chuyên môn về bộ môn Ca trù như nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, giáo sư Vũ Nhật Thăng và cả giới chuyên môn như CLB Thái Hà, CLB Lỗ Khê, nghệ nhân ca trù Kim Đức... đều chưa thấy chính thức tham gia ủng hộ và hiện diện trong TTVH Ca trù Thăng Long. Thực tế, trong danh sách Hội đồng cố vấn của TTVH Ca trù Thăng Long có tới 7 nghệ nhân, trong đó có cả nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ - hai người sáng lập CLB Ca trù Thăng Long cùng đào đàn Phạm Thị Huệ. Nhưng trong lễ ra mắt TTVH Ca trù Thăng Long chỉ có mình nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đến dự và nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng này khẳng định, đến dự với tư cách thầy dạy của đào nương Bạch Vân chứ không phải là cố vấn.
Một lần nữa, trước chuyện tranh chấp tên gọi không đáng có làm ồn ào dư luận cả tháng qua này, GS.TS Trần Văn Khê “nêu lại việc đau đớn và xót xa” về sự kiện này qua ba luận điểm: “1. Việc đặt tên của TTVH Ca trù Thăng Long là sự trùng hợp không vui vì có thể dẫn đến sự ngộ nhận của quần chúng; 2. Sự phân biệt đối xử với Phạm Thị Huệ và thành viên CLB Ca trù Thăng Long trong sự việc không được mời họp và từ chối lẵng hoa đến mừng; 3. Sự chia rẽ thiếu đồng tâm, đoàn kết giữa một Trung tâm mới ra đời về Ca trù với những nghệ nhân lão thành và những người chuyên môn của bộ môn nghệ thuật này”.
Theo VH |