Tạp chí Sông Hương -
Kim sách – những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo của triều Nguyễn
07:50 | 06/04/2016

Kim sách triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin giá trị về lịch sử văn hóa và nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ nhân, thợ thủ công cung đình xưa.

Kim sách – những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo của triều Nguyễn

Kim sách ghi lại sự kiện tháng 5 năm Bính Dần (1806), Vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế ở điện Thái Hòa, kinh đô Huế, bá quan văn võ dâng kim sách ca tụng công đức của ông.

Trưng bày chuyên đề giới thiệu đến công chúng 22 cuốn Kim sách tiêu biểu trong số 94 cuốn Kim sách triều Nguyễn mà Bảo tàng đang lưu giữ. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 3.000 bảo vật triều Nguyễn mà Bảo tàng tiếp nhận từ năm 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị. Ngoài 22 cuốn Kim sách, Bảo tàng còn giới thiệu đến công chúng 10 kim bảo liên quan; 2 hộp đựng kim sách… Tất cả đều được làm từ kim loại quý, chạm khắc tinh xảo.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Phó phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các Hoàng đế lên ngôi, lập Thái tử, Hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân quốc thích… Đặc biệt, nhiều quyển Kim sách trong sưu tập có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện.

Ông Nguyễn Quốc Hữu cho biết: “Đây là những di sản vô giá của triều Nguyễn để lại cho con cháu đời sau. Các hiện vật này vừa có giá trị về mặt kinh tế, chất liệu bằng vàng rất nhiều, vừa đặc sắc về mặt nghệ thuật, toàn bộ những cuốn sách đều do những nghệ nhân giỏi nhất cả nước tập trung vào xưởng của triều đình được Vua giao cho làm. Thứ hai là giá trị về mặt tư tưởng đạo đức, nhất là đạo hiếu được triều Nguyễn rất đề cao. Mỗi một cuốn sách là một văn bản độc lập về một nhân vật. Qua cuốn sách này chúng ta hình dung được rõ hơn, chân thực hơn về một nhân vật của triều đại nhà Nguyễn”.

Kim sách triều Nguyễn chủ yếu được chế tác bằng vàng, bạc mạ vàng, làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước và sau trang trí hình rồng 5 móng hoặc hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn. Sự ra đời, mục đích, nội dung của Kim sách hầu hết được ghi chép trong các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam liệt truyện, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ… Bởi vậy, mỗi quyển Kim sách không chỉ chứa đựng thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa triều đại mà còn là một di sản vô giá.

                                                            Kim sách đế hệ thi.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết: “Từ khâu tuyển chọn vật liệu chuyển sang thợ thủ công dập lá và người thể hiện thư pháp đa số là những bậc đại bút trong Hàn lâm viện. Sau đó qua bản mẫu thì thợ thủ công mới khắc chữ đó lên vật liệu quý như vàng hoặc bạc mạ vàng. Quá trình sáng tác rất công phu và được giám định rất nghiêm ngặt. Có thể nói những tác phẩm này khi hoàn thiện gần như là hoàn hảo. Tuy nhiên từ triều Đồng Khánh trở đi, gần như Pháp đã hoàn toàn thống trị Việt Nam và do khó khăn của triều đình, chúng ta có thể thấy các Kim sách, Kim ấn từ triều Đồng Khánh về sau độ tinh xảo giảm đi rất nhiều. Bản thân các Kim sách, Kim ấn nó cũng thể hiện sự thăng trầm của lịch sử, của triều Nguyễn”.Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Kim sách không chỉ có giá trị về mặt lịch sử văn hóa mà còn đặc sắc về mặt nghệ thuật. Triều Nguyễn cũng đã tập hợp đội ngũ thợ thủ công, nghệ nhân bậc thầy trong cả nước để chế tác Kim sách, Kim ấn.

Cũng theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Kim sách, Kim ấn hiện còn lưu giữ ở nước ta chủ yếu là của triều Nguyễn và không hề thua kém của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, thậm chí ở góc độ nào đó còn tinh xảo hơn. 22 quyển Kim sách được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chọn lọc trưng bày trong lần đầu tiên này đều là những quyển có giá trị xứng đáng được xếp vào hàng bảo vật quốc gia.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết thêm: “Trong số Kim sách và Kim ấn đang trưng bày thì tôi đánh giá cao Ấn truyền quốc của triều Nguyễn, được chúa Nguyễn Phúc Chu đúc vào năm 1709. Đây là ấn đầu tiên khẳng định chủ quyền của Việt Nam, đại diện là Vương triều Nguyễn nhưng lúc đó là thời chúa Nguyễn ở đàng trong. Thứ hai là cuốn sách đế hệ thi bằng vàng. Đây là một trong cuốn sách lớn nhất của triều Nguyễn do Vua Minh Mạng sáng tác, khắc bài thơ gồm 20 chữ chuẩn bị cho 20 đời của Vua Nguyễn tiếp theo. Đây là cuốn sách có đến 15 trang, có trọng lượng lớn nhất và đạt đến trình độ mỹ thuật cao nhất”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Trân cho biết: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày Kim sách triều Nguyễn giúp công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về kim sách, một cổ vật quý của cha ông để lại.

Sau khi được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, dự kiến, trong tháng 9 tới, Kim sách triều Nguyễn sẽ được đưa vào trưng bày tại Huế. Cuối năm nay Kim sách triều Nguyễn sẽ được xuất bản thành sách, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc.
Theo báo VOV.


Theo http://tintuc.hues.vn

Theo nguồn tin riêng của Sông Hương, vào dịp Festival Huế 2016 tới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức triển lãm 2 cuốn sách và chiếc ấn bằng vàng thời nhà Nguyễn. Các cổ vật trên được mượn từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hiện nay, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành đặt mua một số thiết bị bảo vệ và phụ trợ hiện đại để phục vụ cho công tác trưng bày và cũng để phục vụ lâu dài cho các cuộc triển lãm sau này. 

Lan Trần

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng