Trong bài viết “Tệ nạn tranh chép tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” (Copied paintings plague Vietnam’s Museum of Fine Arts), tác giả Martha Ann Overland dẫn chứng bằng nhiều nguồn mà bà gặp trực tiếp hoặc gián tiếp, trong đó có họa sĩ Nguyễn Trọng Niết, 85 tuổi, đang sống trong một không gian thật chật hẹp tại khu phố cổ Hà Nội.
Vị họa sĩ lão thành này là người đã vẽ bức tranh sơn mài Chợ Mường Khương hiện trưng bày tại bảo tàng, song một bức Chợ Muờng Khương khác cũng ký tên Nguyễn Trọng Niết lại đang treo tại Bảo tàng Phương Đông ở Moscow và chính bảo tàng Nga này khẳng định với ông Niết rằng bức tranh họ sở hữu mới là bản chính.
Chép tranh để bảo vệ bản gốc và chép để bán
Câu chuyện tranh chép ở bảo tàng bắt nguồn từ thời chiến tranh, khi đó, do không quân Mỹ ném bom miền Bắc dữ dội nên bảo tàng phải đưa đi sơ tán các bản chính, nhiều tác giả được yêu cầu chép lại tranh của mình để trưng bày hoặc tranh của họ được bảo tàng cho người chép lại. Có điều là sau khi chiến tranh qua đi, không hẳn các tác phẩm trở lại với bảo tàng là bản gốc.
Theo tạp chí Time, họa sĩ Nguyễn Trọng Niết cho biết khi ông đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để hỏi cho ra lẽ thì được trả lời rằng chính ông mới là người đã bán bức tranh vẽ lại ấy cho bảo tàng Nga! Bà vợ ông Niết bày tỏ nỗi bức xúc và muốn được biết sự thật. Theo bà, nếu ông Niết làm điều tệ hại ấy thì gia đình bà đâu phải sống nghèo khổ như hiện nay.
Tranh thật - tranh chép càng khó phân biệt hơn khi mà cái gọi là “văn hóa sao chép tranh” tại Việt Nam ngày càng phát triển. Vào những năm 1980, chính Bảo tàng Mỹ thuật Việt còn thành lập một bộ phận chuyên làm tranh chép với chất lượng cao để bán, kiếm thêm thu nhập. Công việc sao chép tranh này được cho là đã kết thúc vào thập niên 1990 nhưng theo một nhà sưu tập tranh tại Hà Nội, mới năm ngoái thôi ông vẫn được một nhân viên bảo tàng chào bán một bức tranh chép với giá 2.000 USD.
Theo bà Nora Taylor, nhà nghiên cứu có uy tín về mỹ thuật Việt Nam, ngay cả với một số tác phẩm được coi là tiêu biểu nhất của hội họa Việt Nam hiện đại như bức tranh lụa Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh hay bức Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân thì bản gốc hiện không thể xác định được đang treo ở đâu, vì có gallery ở Singapore và ở Nhật cũng đang sở hữu những bức này!
Không ai dám khẳng định có bao nhiêu tranh và tượng cũng như các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt
hiện nay là bản gốc. Theo những người am hiểu, gần đây một triển lãm các tượng Phật cổ được tổ chức tại bảo tàng nhân đại lễ Phật Đản quốc tế (Vesak), song phần lớn những bức tượng ấy, mượn từ một nhà sưu tập tư nhân, là sản phẩm được làm lại từ Trung Quốc.
Tác hại khôn lường
Một trong những người phản ứng mạnh mẽ với tệ nạn sao chép tại bảo tàng là họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, người có thâm niên 28 năm công tác bảo tàng và từng ở cương vị phó giám đốc. Ông Tiệp, như được trích dẫn trong bài viết của bà Martha Ann Overland, nói rằng toàn bộ bộ sưu tập tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bị ảnh hưởng xấu bởi các phiên bản đã không được ghi rõ. Điều này còn gây tệ hại nhiều hơn và rộng lớn hơn với mỹ thuật Việt
nói chung, bởi các nhà sưu tập không thể biết chắc được những gì họ đã sở hữu là bản gốc hay chỉ là phiên bản.
Sau hai năm làm phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt
, ông Tiệp đành phải từ chức vì những gì ông chứng kiến và phản ứng đã không có kết quả: “Tôi phải nuốt nước mắt. Nhưng chúng tôi có trách nhiệm lên tiếng”.
Khi được tạp chí Time hỏi thực hư về tình trạng tranh chép đang trưng bày, giám đốc đương nhiệm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Trương Quốc Bình, thừa nhận có thể có chuyện ấy và chuyện tranh chép tại bảo tàng “là một vấn đề rất phức tạp” nhưng không nói thêm gì nữa. Các giới chức tại Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng từ chối trả lời tạp chí Time về chuyện tranh chép tại bảo tàng, cho biết vấn đề hiện đang được thảo luận.
Phải chăng chính những mù mờ về tranh thật - tranh chép tại một bảo tàng hàng đầu ở Việt Nam đã góp phần khiến cho tranh Việt mãi không tìm được một chỗ đứng vững mạnh trên bản đồ mỹ thuật quốc tế, dẫu rằng mỹ thuật Việt Nam đã có một bước ngoặt lớn thật thuận lợi từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, mở cửa?
Theo bà Nora Taylor, tình trạng này sẽ xấu hơn nữa khi không bảo tàng nào có uy tín trên thế giới muốn mượn tác phẩm của bảo tàng quốc gia Việt
để trưng bày. “Thiệt hại lớn nhất là hiện nay (mỹ thuật) Việt đã mang tiếng xấu” - bà Nora Taylor nói.
Tranh giả - tranh chép đã gây tổn hại nghiêm trọng đến cả những bậc thầy hội họa Việt
mà điển hình là nhà danh họa Bùi Xuân Phái. Bây giờ thì các nhà đấu giá danh tiếng nhất như Sotheby’s và Christie’s cũng vẫn có thể rao bán tranh chép của bậc thầy họ Bùi, mà gần đây nhất là vụ con trai ông Phái đã đòi kiện nhà Christie’s vì đã đấu giá tranh giả của Phái.
Để cứu vãn tình hình đã trở nên tồi tệ, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, vụ phó Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, đã đến lúc phải xây dựng một hội đồng chuyên gia nhằm xác định đâu là bản gốc đâu là phiên bản tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông Đoàn nói với tờ Time: “Trưng bày phiên bản có thể chấp nhận được trong thời chiến tranh. Nhưng chiến tranh đã qua hơn 30 năm rồi”.
Không chỉ có một hội đồng thẩm định tranh thật - tranh chép cho bảo tàng, đã đến lúc Việt Nam cần có một tổ chức hay cơ chế nhằm xác định và chứng thực tác phẩm của bất kỳ tác giả nào một khi tác phẩm của họ được bán đi, được đem đấu giá trong lẫn ngoài nước. Việc này đã quá muộn rồi nhưng muộn còn hơn không!
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần |