Nhanh đến, nhanh “xìu”
Nếu 5-7 năm trước, người Việt hầu như chỉ biết đến những giải thưởng Nobel, Oscar qua vài mẩu tin dịch rồi đợi dài, thì nay, có nhiều cơ hội thưởng thức “đặc sản” thế giới qua nhiều phiên bản. Tháng 10/2008, Nobel văn học được trao cho Vòng xoáy của tác giả người Pháp Jean-Marie Gustave Le Clézio, thì chỉ hai tháng sau đó, tập truyện đã có mặt tại Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Văn Khoa.
Trên giá sách văn học cổ điển, Tên tôi là Đỏ, Tuyết (Nobel văn học 2006 của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk) cũng nhanh chóng được nhập vào Việt Nam qua công ty Nhã Nam. Trong lĩnh vực điện ảnh, No country for old men (Không chốn nương thân - 4 giải Oscar 2007), Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột – 8 giải Oscar 2008) không quá mất thời gian ra mắt khán giả Việt
qua hệ thống rạp chiếu toàn quốc.
Tuy nhiên, trùng với thời gian công chiếu Triệu phú khu ổ chuột, phần lớn khán giả kéo nhau đến rạp không xem bộ phim danh giá này, mà xem Bảy viên ngọc rồng, chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên. Trong hai tuần cuối trình chiếu Oscar 2008, nhiều người dự đoán Triệu phú khu ổ chuột sẽ bị X-men Origins: Wolverine (Nguồn gốc dị nhân: Người sói) “đè bẹp”. Ông Ngọc Sơn, đại diện Megastar cho biết, đàm phán mua bản quyền những phim như Triệu phú khu ổ chuột rất vất vả.
Cùng cảnh với phim đoạt tượng vàng, hầu hết tác phẩm đoạt giải giải Nobel, Goncourt (Giải văn học uy tín thường niên tại Pháp) đều chào khán giả với số lượng khiêm tốn: 1.000 bản, và hiếm khi tái bản dù liên tiếp tổ chức ra mắt, tọa đàm hoành tráng, kể cả tác phẩm gây tiếng vang như Tên tôi là Đỏ.
Cần lựa chọn tác phẩm phù hợp
Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đánh giá cao việc tạo điều kiện cho công chúng Việt tiếp xúc sớm với những tác phẩm đoạt giải thưởng uy tín. Tuy nhiên, ông cho rằng, mọi giải thưởng đều mang tính tương đối, và Nobel văn chương hay Oscar phim ảnh cũng chỉ là một tiêu chí để tham khảo về mặt giá trị. “Quan trọng nhất khi lựa chọn tác phẩm giới thiệu cho công chúng Việt là nó có phù hợp với văn hóa người Việt không”, ông Hiến nói.
Trong khi đó, nhà văn hóa Hữu Ngọc tỏ ra dè dặt hơn khi nhìn vào hiện trạng thưởng thức nghệ thuật của công chúng Việt. Theo ông Ngọc, giá trị của phim, sách giải trí là điều không thể phủ nhận trong cuộc sống hiện tại. “Nhưng để cân bằng, công chúng nên đọc, xem thêm những tác phẩm có giá trị dù không dễ thấm hết”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Hữu Ngọc cũng lo ngại trước bộ phận không nhỏ giới trẻ thờ ơ với nhiều giá trị nghệ thuật đích thực. “Không xem một bộ phim nghệ thuật, không đọc một cuốn sách hay chưa phải là nghiêm trọng. Nhưng sẽ rất có vấn đề nếu cả một thế hệ không còn ai màng đến những điều như thế”, nhà văn hóa Hữu Ngọc nói. Ông cho rằng, các đơn vị phát hành nên duy trì thường xuyên việc giới thiệu những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. “Văn hóa cần thời gian để thấm. Nếu không được tiếp xúc, chúng ta mãi xa lạ với nó”, ông Ngọc khẳng định.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một khán giả ở đường Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, địa điểm chiếu phim cũng có phần quyết định lượng người đến xem có đông hay không. Ví dụ những phim “mệt đầu”, phù hợp với độ tuổi từ 30-35 trở lên mà chiếu ở những không gian nổi tiếng là tụ điểm giải trí của giới teen, thì sẽ khó có khách.
Về điều này, Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng chúng ta chưa tạo được thị trường điện ảnh thực sự, vì chưa có hệ thống rạp chuyên biệt cho từng dòng phim. Nhiều người muốn đi xem phim giải trí, nhưng cũng có những người thích đi xem phim để “nghĩ ngợi”. Tuy nhiên ở VN, rạp nào cũng cố tạo ra sự đa dạng, cho rằng cách đó thu hút được nhiều đối tượng. Kết quả, đôi lúc người xem như bị “tẩu hỏa nhập ma” vì không biết phim nào mới thực sự dành cho mình.
Theo ĐV |