Kỹ thuật của người An Nam là một trong những tác phẩm cổ thuộc hàng quý hiếm, gồm những bài viết và hình ảnh minh họa về cuộc sống, sinh hoạt của người Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Trong hai năm 1908-1909, tác giả đã cùng một họa sĩ người Việt đi khắp các phố phường Hà Nội cũng như vùng ngoại thành nhằm thống kê và tìm hiểu rõ sự đa dạng của các ngành công thương nghiệp phổ biến ở đây. Cùng với nhiều bài viết phản ánh và nghiên cứu, ông đã ghi lại những sinh hoạt, tập tục, kỹ thuật của người Việt Nam qua hơn 4000 bức tranh khắc, hình vẽ và ký họa.
Với những nghiên cứu có một không hai về văn minh vật chất, lưu giữ những kỹ thuật, thao tác nghề thủ công và phong tục, lối sống của người Việt Nam xưa, tác phẩm được các chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác Cổ đánh giá là công trình đầu tiên về nhân học kỹ thuật ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi xuất bản vào thời Pháp thuộc, tác phẩm của Henri Oger dường như bị bỏ quên vài thập niên. Mãi đến năm 1978, công trình này mới được nhắc tới tại một cuộc triển lãm ở Pháp với tên gọi “Những họa sĩ nông dân của Việt
”.
Những năm gần đây, tác phẩm của ông đã được nhìn không chỉ có giá trị văn hóa mà còn là một kho tư liệu vô giá về nhân học và xã hội học. May mắn hiện nay Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh là nơi duy nhất lưu giữ được trọn bộ tác phẩm này với ba bản gốc.
Năm 2007, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội hợp tác với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tái bản toàn bộ tác phẩm rất hiếm này bằng ba thứ tiếng dưới dạng sách và ấn phẩm điện tử, với mong muốn mang đến một cuộc sống mới cho công trình tư liệu gốc trước đây. Cùng với việc giới thiệu tác phẩm này, triển lãm công trình của Henri Oger cũng gây chú ý tại TP Hồ Chí Minh.
Đây là lần đầu tiên, tác phẩm này sẽ được giới thiệu đầy đủ cùng một cuộc hội thảo tại Hà Nội, do các chuyên gia EFEO thực hiện.
Triển lãm “Sự việc và hành động - Thị dân và nông dân đầu thế kỷ XX” là dịp để khám phá một lần nữa văn hóa dân gian của Hà Nội và những vùng phụ cận qua vô số các nghề, cách ứng xử và thực tiễn hàng ngày, trong số đó phần nhiều vẫn luôn tồn tại.
Theo NDĐT |