Như một nhu cầu không thể hiếu được trong đời sống tinh thần của thiếu nhi, những thế hệ đi trước luôn cố gắng đáp ứng đòi hỏi đáng yêu ấy, và thế là sinh ra một dòng nhạc cho trẻ em, không riêng gì nước ta mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.
Ca khúc thiếu nhi: Thiếu và yếu
Ca khúc cho thiếu nhi hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu là nhận xét của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc. Quả vậy, số nhạc sỹ chuyên sáng tác cho thiếu nhi vốn đã hiếm, nay lại ngày càng thưa vắng dần. Những tác giả cao tuổi, đã thành danh, hoặc đã trải nghiệm đều đã đuối sức, viết không thường xuyên, thậm chí đã buông bút từ lâu. Còn số tác giả ngẫu hứng viết cho thiếu nhi thì rất khiêm tốn. Và nếu có sáng tác thì nhuận bút được nhận từ đài phát thanh, truyền hình hay các nhà sản xuất băng đĩa cũng rất thấp. Thậm chí cũng chẳng có đơn vị chức năng nào khuyến khích, động viên trong việc công bố tác phẩm.
Trước nhu cầu ca hát của các em, nhiều thầy cô giáo với trình độ nhạc lý quá ít ỏi đã viết những bài kém chất lượng, hoặc mô phỏng những bài hát quá quen thuộc cho các em. Một số nhạc sỹ viết cho trẻ em nhưng lại không xác định được viết cho trẻ ở độ tuổi nào, nên các bài hát thường rơi vào “quãng giữa”, tuổi ở bậc phổ thông cơ sở, còn tuổi mẫu giáo và vị thành niên thì quá ít bài. Nhạc sỹ Phạm Tuyên cho biết: “Sáng tác cho thiếu nhi, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội không riêng gì của giới nhạc mà của các cơ quan chức năng. Những cuộc vận động sáng tác cho trẻ em cần được tổ chức có định hướng và yêu cầu về nghệ thuật với sự tài trợ thỏa đáng. Theo tôi, về phía Hội nhạc sỹ Việt cần đặt vấn đề sáng tác cho thiếu nhi ngang hàng với sáng tác cho các đối tượng khác trong xã hội. Trước đây, trong khóa 3, Hội có hình thành một ban sáng tác cho thiếu nhi và đã tổ chức một số hội thảo về chuyên đề thiếu nhi, nhưng đến năm 1989 thì không còn tổ chức này nữa và sáng tác cho thiếu nhi được phân về các ban thanh nhạc. Từ đó hầu như sự quan tâm của Hội đối với đối tượng này bớt hẳn. Thiết nghĩ, ban sáng tác cho thiếu nhi nên thành lập lại để sớm có tiếng nói chuyên môn có trọng lượng đối với các cơ quan hữu quan và tạo được sự thống nhất cao trong sáng tác”.
Còn đâu sự ngây thơ? Không còn vẻ trong trẻo, cũng chẳng còn chút thơ ngây, thiếu nhi ngày nay hát trên băng đĩa, hay trên các chương trình ca nhạc ở truyền hình mới "lạ" làm sao. Các em ăn mặc như người lớn, cũng quần jean, áo hai dây và đi giày thời trang. Các em hát những bài hát người lớn, nhảy nhót điệu nghệ y như các cô ca sỹ biểu diễn nhạc "dance" vậy.
Bên cạnh đó, rất nhiều băng đĩa ca nhạc thiếu nhi lại chọn ca khúc tiếng Anh, tiếng Hàn cho trẻ em hát trong khi ở độ tuổi của các em, vẫn chưa thành thạo tiếng Việt.
Về nội dung, có nhiều bài mới phản cảm làm sao. Hãy nghe một cháu bé hát ca khúc "Anh Hai", giải nhất ca khúc Hội nhạc sỹ Việt Nam 2007", với phần lời: "Anh Hai, anh Hai bắt con học hoài, cứ nhéo tai mỗi khi con làm bài sai. Mẹ ơi sao lại sanh anh Hai trước chứ không phải là sanh con?". Giám đốc một nhà văn hóa thiếu nhi ở Hà Nội từng thốt lên:"Phải rung chuông báo động về vấn đề sáng tác và lựa chọn bài hát cho trẻ em". Và anh thừa nhận :"Tìm bài hát cho các em khó quá, hầu hết chúng tôi phải dùng lại những bài cũ đã ra lò vài chục năm nay".
"Một cánh én nhỏ, lạc bầy giữa mùa xuân, rủ nhau én về, theo làn nắng ấm dần...", những giai điệu thiết tha, chan chứa tình cảm và đẹp đẽ trong bài hát "Cánh én tuổi thơ" của nhạc sỹ Phạm Tuyên dường như vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của nhiều thế hệ. Ai đi qua tuổi thơ, chẳng một lần được nghe và hát những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sỹ: Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Trương Quang Lục....Những giai điệu ấy đã thành một kỷ niệm đẹp khó quên với bao tâm hồn trẻ thơ. Nhưng, đó chỉ còn là hoài niệm. Giờ đây tìm một giai điệu ấm áp, hồn nhiên cho thiếu nhi thật khó khăn?
Viết cho lứa tuổi bé nhất là khó nhất, chẳng những làm sao cho các bé thích mà còn phải làm sao cho cả người lớn cũng thấy thú vị. Bên cạnh đó, còn có một điều tế nhị về tâm lý là, nhiều tác giả xem thường loại sáng tác này, nghĩ rằng nó thấp kém, vụn vặt, khó giúp tác giả thành đạt. Bởi vậy, các nhạc sỹ trẻ hiện nay, chủ yếu chạy theo thị hiếu. Có lẽ họ cho rằng, sáng tác cho người lớn và nhạc thị trường dễ kiếm tiền hơn và cũng dễ nổi danh hơn sáng tác cho thiếu nhi. Vậy nên, bài hát cho các em bấy giờ chủ yếu phụ thuộc vào cái tâm của các nhạc sỹ.
Theo VnMedia |