Tạp chí Sông Hương -
Nửa thế kỷ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam
10:12 | 18/05/2009
Mùa hè 1959, cách đây nửa thế kỷ, là một mùa hè thật đặc biệt. Trong khi Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn 559 mở đường Trường Sơn phục vụ cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, thì Bộ Văn hoá được giao nhiệm vụ thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN).
Nửa thế kỷ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam
Nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân-GĐ Dàn nhạc Giao hưởng VN solo cello cùng dàn nhạc. Ảnh:Nguyễn Đình Toán.

Không ngờ hai lực lượng mở đường này đã hội quân tại Sài Gòn giải phóng vào mùa hè 1975 đầy ấn tượng. Đấy là một hiện thực đã được chuẩn bị và dự báo bởi tầm nhìn và trí tuệ của các nhà lãnh đạo đất nước ngày ấy.

Để có sự ra đời DNGHVN vào mùa hè 1959, phải thấy rằng những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc nước ta đã có sự chuẩn bị, sự hoài thai từ nhiều thập kỷ trước. Bắt đầu là những nghệ sĩ biểu diễn trong các ban nhạc, trong dàn kèn nhà binh ở Hà Nội và các thành phố lớn, đặc biệt là dàn kèn hơi ở cố đô Huế, đã có thành tích giành “huy chương vàng” tại Paris năm 1931.

Trải qua những biến cố lịch sử trọng đại của đất nước từ cách mạng Tháng Tám đến kháng chiến trường kỳ, lực lượng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc vừa trưởng thành về chuyên môn và cả lòng tự tôn dân tộc. Một dân tộc đã dám chiến đấu và chiến thắng thực dân, thì cũng có thể dám vươn tới âm nhạc giao hưởng - đỉnh cao tư duy âm nhạc của con người.

Đấy là cuộc giao thoa âm thầm giữa tư duy đơn âm vốn có trong âm nhạc truyền thống VN với tư duy đa âm của âm nhạc phương Tây để tạo ra đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn âm nhạc nước nhà. Và chỉ sau 6 năm hoà bình ở miền Bắc, quyết định thành lập DNGHVN là một quyết định sáng suốt.

Vào mùa khai sinh của mình, DNGHVN ngày ấy gồm 4 quản với biên chế 114 diễn viên, trong đó có đội nhạc của Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương gồm  16 nghệ sĩ với những tên tuổi như: Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Ngọc Châu..., đội nhạc Đoàn Ca múa Trung ương gồm 14 nghệ sĩ với những tên tuổi như: Vũ Lương, Hồ Đắc Kính... Dàn nhạc Đài Tiếng nói VN gồm 13 nghệ sĩ, với những tên tuổi như: Nguyễn Hữu Hiếu, Phan Phúc...

Dàn nhạc Xưởng Phim truyện VN gồm 17 nghệ sĩ, với những tên tuổi như: Vũ Tiến Tôn, Phan Chính Khương... cùng 45 nghệ sĩ tốt nghiệp Trường Âm nhạc VN như: Khắc Huề, Phú Ân, Hoàng My, Thụy Loan, Tôn Thất Triêm... và một số nghệ sĩ biểu diễn của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Đoàn Múa rối Trung ương... Có 9 diễn viên tuyển dụng ở ngoài và 2 diễn viên tốt nghiệp ở nước ngoài là: Nguyễn Văn Thưởng (Liên Xô), Tô Nữ Y Lăng (Tiệp Khắc)...

Nhờ sự hướng dẫn của nhạc trưởng Triều Tiên Thôi Long Lân cùng các nhạc trưởng VN như: Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Hữu Hiệp, Vũ Lương... đêm 12.12.1959, DNGHVN đã có cuộc trình diễn ra mắt khá ngoạn mục với các tác phẩm ca khúc VN do DNGHVN phối khí như “Dưới cờ Đảng vẻ vang” (Lưu Hữu Phước), “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải), “Chiến thắng Điện Biên” (Đỗ Nhuận) cùng các tác phẩm nổi tiếng như “Giao hưởng dang dở” cung si thứ của F.Schubert, “Capriccio Italien” của P.I. Tchaikovsky và “Hướng về thắng lợi” của nhà soạn nhạc Triều Tiên Ly Chơng’ơn.

Trong suốt những năm tháng từ khi thành lập cho đến ngày 30.4.1975, Sài Gòn giải phóng, DNGHVN đã trình diễn nhiều bản giao hưởng và concerto của các bậc thầy âm nhạc thế giới như Haydn, Mozart, Beetthoven, Schubert, Tchaikovsky, Dvorak, Mendelshonne, Chopin, Schostakovich, Prokofiev... và nhiều tác phẩm giao hưởng VN như tổ khúc “Lửa cách mạng” (Trần Ngọc Xương), giao hưởng “Thành đồng tổ quốc” (Hoàng Vân), giao hưởng “Chiến thắng Điện Biên” (Hoàng Đạm), giao hưởng “Quê hương” (Hoàng Việt), thơ giao hưởng “Những cánh bay” (Đàm Linh)... và đặc biệt là đã cùng các nghệ sĩ opéra trình diễn xuất sắc opéra “Cô Sao” (Đỗ Nhuận), “Bên bờ Kroong Pa” (Nhật Lai)...

Ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng, DNGHVN đã có một “trận công kích bằng âm thanh âm nhạc bác học” chinh phục hoàn toàn lòng dân “Hòn ngọc Viễn Đông” trong không khí giải phóng còn tràn trề đường phố. Ngày ấy, nhạc trưởng Trọng Bằng đang điều trị bệnh đường ruột. Nhưng sự thăng hoa của toàn dân tộc đã giúp ông trụ vững trên bục chỉ huy.

Và khi tiếng kèn cor tấu lên 4 nốt nhạc mở đầu của bản giao hưởng “Định mệnh” (số 5) của Beethoven, dường như cả Sài Gòn, trong đó có những người lính Trường Sơn ra đi từ mùa hè 1959, đã lặng người đi để uống cạn âm thanh “Sài Gòn - đêm giao hưởng” - như đầu đề bài thơ mà nhà thơ quân đội Anh Ngọc đã ghi lại cảm xúc của đêm giao hưởng tuyệt diệu đó.

Đồng chí Trần Bạch Đằng đã ví DNGHVN như “Binh đoàn tên lửa”. Còn các vị tướng từng vượt Trường Sơn thì ví nhạc trưởng Trọng Bằng chỉ huy chẳng khác gì các vị tướng trong cuộc tấn công thần tốc vừa qua. DNGHVN ở thời điểm ấy đã bước lên một đỉnh cao vinh quang, một tầm vóc đáng tự hào ở tuổi 16.

Nhưng đã có một thời sau chiến tranh, tư duy thời quan liêu bao cấp đã khiến cho hoạt động của “Binh đoàn tên lửa” này bị ngừng trệ. Mãi tới năm 1984, DNGHVN mới bắt đầu hồi phục bằng nhiều nghệ sĩ trẻ. Khi đất nước bước vào thời mở cửa, đổi mới thì DNGHVN cũng bắt đầu khởi sắc trở lại với những hoạt động tăng tốc đáng kể, nhất là 15 năm trở lại đây.

Một dàn nhạc đáng tự hào nhất khu vực và châu lục là một trăm phần trăm nghệ sĩ trong dàn nhạc đều là người VN, gốc VN. Với tinh thần hoà nhập thế giới, DNGHVN vừa tự đào luyện để nâng cao tầm vóc, vừa coi trọng những thời gian luyện tập cùng các nhạc trưởng quốc tế nổi tiếng.

Bước sang thế kỷ mới, thiên kỷ mới, DNGHVN đã bắt đầu những chuyến lưu diễn nước ngoài như Trung Quốc (năm 2000, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản Fukumura), Lào và Thái Lan (năm 2003), Liên hoan các dàn nhạc Châu Á (2004) tại Tokyo và Osaka (Nhật Bản) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetsuji (hiện là giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính của DNGHVN).

Sự hồi sinh của DNGHVN cũng mang tới sự hồi sinh của dòng nhạc giao hưởng VN. Các tác giả VN đã có một dàn nhạc giao hưởng đáng tin cậy để thể hiện các tác phẩm của mình. Tác phẩm giao hưởng của các tác giả Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Vĩnh Cát, Trần Trọng Hùng, Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài... đã được DNGHVN thể hiện xuất sắc. Trong lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập DNGHVN, các tác phẩm ấy sẽ lại vang lên đầy tự hào như sự tôn vinh thành quả lao động của cả người sáng tạo và người biểu diễn, nâng tầm vóc “quốc nhạc” VN lên một đỉnh cao mới.

Bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, chắc chắn DNGHVN sẽ bước tới những đỉnh cao sáng tạo mới trong sự phát triển chung của cả nước trong thời kỳ văn hoá hoá - công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Song để có những bước tiến đó, vẫn rất cần những sự nỗ lực chăm sóc mang tính chiến lược của Nhà nước - một chiến lược mà bất kỳ quốc gia phát triển nào trên thế giới cũng cần có và quan tâm nuôi dưỡng.

                                                                                                                        Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng