Tạp chí Sông Hương -
Liên kết phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế
14:21 | 17/05/2016

Du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, lượng khách lưu trú của tỉnh thời gian gần đây giảm đáng kể do sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn. Thừa Thiên Huế cần liên kết với các vùng, địa phương có thế mạnh về du lịch trong nước để phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp thị trường trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng.

Liên kết phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế
Chợ quê ngày hội tại Hương Thủy - sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo ở Thừa Thiên Huế.

Chưa tương xứng tiềm năng

Thừa Thiên Huế từ lâu được xem là một trung tâm du lịch lớn của miền trung và cả nước. Nhiều năm qua, tỉnh luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng điểm của địa phương; tăng trưởng của ngành hằng năm từ 18 đến 20%. Huế được nhiều khách trong nước và quốc tế biết đến như một điểm đến thân thiện, mến khách với nhiều tiềm năng phong phú; tiềm ẩn những nét hấp dẫn, chưa thể khám phá hết. Là một trong những địa phương dẫn đầu của du lịch cả nước, nhưng gần đây tăng trưởng của du lịch Huế chậm lại, do vẫn khai thác sản phẩm theo lối mòn, đơn điệu; chủ yếu vẫn là di sản, di tích nên chưa mở rộng được thị trường.

Theo các chuyên gia và công ty lữ hành trong nước, các sản phẩm du lịch mới ở Huế chưa hoàn chỉnh; thời gian lưu trú của khách đến Huế ngắn do thiếu dịch vụ giải trí về đêm; thiếu khu vui chơi, mua sắm tạo nên những địa chỉ tin cậy lôi kéo và giữ chân du khách. Các chuyến bay đến Huế cũng ít nên khách không có nhiều lựa chọn; dịch vụ khách sạn chưa tương xứng với hạng sao. Nhất là về đêm, thời điểm thú vị nhất để khách vui chơi thì Huế hầu như chẳng có gì đặc sắc. Festival Huế tổ chức hai năm một lần với quá nhiều chương trình, lễ hội, sáo mòn... Đánh giá kết quả năm 2015, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Đinh Mạnh Thắng thừa nhận rằng, khách lưu trú đến Huế tăng trưởng chậm, lưu trú ngắn ngày là bởi Huế chưa thật sự hấp dẫn, các sản phẩm du lịch chưa có sự cạnh tranh.

Điều đáng nói là du lịch biển, đầm phá là thế mạnh của Thừa Thiên Huế nhưng mức độ đầu tư thấp; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các điểm tắm biển thiếu đồng bộ; hệ thống dịch vụ phục vụ khách tại các bãi tắm còn manh mún, nhỏ lẻ, mang nặng tính mùa vụ. Công tác xã hội hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ còn yếu; một phần do quy mô doanh nghiệp trên địa bàn còn nhỏ, thiếu năng lực và kinh phí đầu tư vào các dịch vụ cao cấp. Mặt khác, thời gian qua, tỉnh đã kêu gọi nhưng còn ít nhà đầu tư có thương hiệu tham gia vào lĩnh vực lưu trú, giải trí, mua sắm, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ; thiếu các loại hình dịch vụ, điểm mua sắm, mặt hàng lưu niệm chất lượng cao.

Liên kết để phát triển

Tại một diễn đàn hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức gần đây, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Vietravel Võ Quang Liên Kha cho rằng: “Trước mắt, Thừa Thiên Huế cần đầu tư thêm cho quỹ xúc tiến du lịch ở các sự kiện, hội chợ du lịch trong, ngoài nước và gắn liền với các thị trường có tính khả thi cao, nhằm quảng bá hình ảnh Huế đến du khách quốc tế và tạo cơ hội kinh doanh cho các đơn vị lữ hành. Vietravel sẵn sàng đồng hành cùng Huế qua các chuyến tham dự hội chợ thường niên. Đồng thời, tạo sự liên kết đồng bộ giữa các đơn vị du lịch ngay tại địa phương cũng như với các địa phương lân cận; giữa vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, tham quan để xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh, chất lượng cao, giới thiệu đầy đủ tiềm năng du lịch của Huế”.

Để kéo dài thời gian lưu trú của khách, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) Vũ Đình Quân đề xuất: “Bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm giải trí, ẩm thực về đêm, Thừa Thiên Huế cần phát triển mạnh du lịch cộng đồng, làng nghề, tâm linh, nhà vườn, homestay để mở rộng, làm phong phú thêm điểm tham quan; bởi đây là những loại hình du lịch đang rất thu hút du khách. Ngoài ra, cũng cần có chính sách ưu đãi để hình thành các chuyến bay giá rẻ đến Huế”. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong nước cho rằng, Thừa Thiên Huế cần xác định thế mạnh, sản phẩm nào cần bán cho ai để xây dựng chiến lược quảng bá. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho du lịch, nhất là kinh phí xúc tiến du lịch, tái đầu tư cho các sản phẩm du lịch văn hóa. Ưu đãi về đầu tư cho hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài. Tạo cơ chế xã hội hóa di tích, di sản dựa trên những tiêu chí chặt chẽ về bảo tồn để vẫn giữ được cái hồn của di sản; đồng thời quan tâm hơn việc chấn chỉnh môi trường du lịch. Bên cạnh giá trị cốt lõi là di sản, trong quy hoạch du lịch, Huế cần hình thành các chuỗi đô thị du lịch biển để phát triển bền vững trong tương lai. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu đề nghị các doanh nghiệp ở Huế chủ động, sáng tạo hơn trong việc tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. “Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc tổ chức các kỳ Festival Huế; hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch tốt hơn ở Pháp, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a; tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách, thông thoáng thủ tục xúc tiến đầu tư để tạo ra sự thay đổi cho du lịch Huế” - ông Siêu khẳng định. Một số đại diện tổng công ty, doanh nghiệp du lịch lớn trong nước đã kiến nghị, Thừa Thiên Huế cần liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đầu tư đồng bộ, có chiều sâu, trên những nguyên tắc nhất định. Lấy lợi thế và bản sắc của địa phương này để vực dậy điểm yếu của địa phương kia; xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh và đặc thù riêng của mỗi địa phương, tránh trùng lặp, đơn điệu để tạo được điểm nhấn ấn tượng với khách du lịch. Cần phải có một “nhạc trưởng” điều phối phát triển du lịch của vùng, tránh được tình trạng “địa phương chủ nghĩa” để tăng sức mạnh liên kết và hỗ trợ nhau. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cần ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, di tích lịch sử văn hóa và du lịch sinh thái; phát triển sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở bảo tồn văn hóa và môi trường; phát triển du lịch biển đảo. Thừa Thiên Huế cũng cần chú trọng nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, chuyên sâu của tỉnh nhằm tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng, bao gồm: nhóm sản phẩm thông qua các hoạt động trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách. Những giá trị độc đáo của di sản, văn hóa triều Nguyễn; di sản và văn hóa làng cổ Phước Tích; kiến trúc đặc sắc của chùa cổ, làng cổ; di sản và văn hóa Chăm; di tích cách mạng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà văn hóa lớn, các nhân vật nổi tiếng; văn hóa của các dân tộc phía tây của Thừa Thiên Huế… Những "tài nguyên" đó cần gắn với các nhóm tiêu đề “Về Huế - cùng khám phá và tận hưởng”, “Tạo trải nghiệm văn hóa Huế cho riêng mình”, “Huế - những khoảnh khắc thư thái và yên tĩnh”...

Nói về định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch từ nay đến năm 2020, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng cho biết, tỉnh sẽ tổ chức phát triển sản phẩm, dịch vụ theo hướng tối ưu hóa các giá trị, đa dạng hóa, khác biệt hóa, phù hợp với xu hướng chuyển từ du lịch thụ hưởng sang du lịch chủ động, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, tận hưởng của khách du lịch, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng... Quá trình phát triển sản phẩm phải gắn với quá trình nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ, các điểm tham quan du lịch; với xúc tiến, quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cần coi trọng liên kết vùng, lãnh thổ, điểm đến trong tổ chức thị trường và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và hướng dẫn các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Tổ chức phát triển sản phẩm phải đồng thời gắn liền hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu điểm đến.

 

Theo Nhân dân

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng