Trước ngày Bác mất, đã có những thước phim màu đầu tiên về Người.
Phim về Bác Hồ do điện ảnh VN và nước ngoài được làm trong nhiều năm, đặc biệt là khoảng từ năm 1955-1969. Theo thống kê của Viện Phim VN, số đầu phim về Bác tính đến năm 1989 (cả VN và nước ngoài làm) là 344 phim. Nổi bật có các phim tập trung nói về sự nghiệp và cuộc đời của Bác.
Phim VN tiêu biểu có những phim như: "Vài hình ảnh về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh" - năm 1960, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, Lê Minh Hiền, Phạm Hiếu Dân. "Bác Hồ của chúng em" - 1969, đạo diễn Ma Cường. "Bác Hồ sống mãi", "Mùa sen nhớ Bác" - 1970, đạo diễn Nguyễn Văn Thông. "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" - 1975, "Miền trong trái tim" - 1976, đạo diễn Phạm Kỳ . "Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin", "Đường về tổ quốc" - 1979, đạo diễn Bùi Đình Hạc. "Muôn vàn tình yêu thương" - 1981, đạo diễn Phan Quang Định. "Hồ Chí Minh - chân dung một con người" - 1990, đạo diễn Bùi Đình Hạc, Lê Mạnh Thích...
Phim của nước ngoài nổi bật là: "Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh" - đạo diễn Joris Ivens (Hà Lan) - là bộ phim ghi lại nhiều hình ảnh và lời đối thoại, trao đổi của Bác khi tiếp xúc với Joris Ivens vào năm 1968 tại Hà Nội. Có thể nói đây là bộ phim cuối cùng của điện ảnh nước ngoài có dịp được thu hình và ghi âm những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "79 mùa xuân" - Santiago Alvarez (Cuba), phim không dài, nhưng gây xúc động đến tất cả những người xem về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; "Tên Người là Hồ Chí Minh" - Vemiseva, Liên Xô (cũ). Phim có rất nhiều tư liệu khi Bác ở Nga hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, khi Bác được tiếp xúc với Luận cương chính trị của Lênin. Gần đây nhất, khi VN kỷ niệm 39 năm ngày Bác mất, truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News đã tặng cho VN bộ phim màu duy nhất lúc bấy giờ "Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh" - 9.1969.
Một trong những đề tài trung tâm của điện ảnh VN là thể hiện hình ảnh Bác Hồ và phần lớn thành tựu xây dựng hình tượng về Người thuộc về lĩnh vực phim tài liệu. Ngay từ năm 1946, điện ảnh tài liệu đã quay được những đoạn phim sống động về Bác khi Người từ Pháp trở về sau khi dự Hội nghị
Fontainebleau
... Năm 1960, bộ phim "Vài hình ảnh về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh" đã ra mắt người xem. Sau thành công của bộ phim này, nhiều tác giả đã ấp ủ đề tài về Bác.
Bộ phim "Tiếng gọi mùa xuân" - đạo diễn Hồng Nghi đã ghi lại thời điểm Bác đọc lời chúc Tết Mậu Thân - 1968. Tiếp theo là phim thời sự màu "Bác Hồ của chúng em" - đạo diễn Ma Cường, là bộ phim nói lên tình cảm của Bác với các cháu thiếu nhi trong ngày 1.6.1969, đây cũng là bộ phim cuối cùng ghi được hình ảnh của Người, vì thời gian này sức khoẻ của Bác đã yếu.
Cùng năm này, Cục Điện ảnh VN định tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng một bộ phim lớn dự định mừng thọ Bác 80 tuổi, nhưng chưa kịp làm thì Bác mất, phải tạm ngừng để tổ chức quay những tư liệu lịch sử về những ngày nhân dân cả nước và nhân dân thế giới vĩnh biệt Bác. Trong những ngày lễ tang Bác, hàng vạn mét phim quay từ Nam ra Bắc là tư liệu cho bộ phim thời sự đặc biệt về lễ tang Bác được thực hiện kịp thời, công chiếu rộng rãi trên khắp cả nước, động viên mạnh mẽ tinh thần quân dân ta thực hiện Lời di chúc thiêng liêng của Người. Mùa thu 1974, một đoàn làm phim tài liệu VN đã sang Pháp, Anh, Italia để thực hiện bộ phim "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh". Tác phẩm sau khi hoàn thành đã thành cảm hứng cho hàng loạt phim tài liệu về những chặng đường hoạt động của Bác ở nước ngoài, được tiếp tục thực hiện khi VN hoàn toàn thống nhất đến bây giờ.
Khắc hoạ chân thực, sinh động hình tượng Bác Hồ - lãnh tụ thiên tài của cách mạng VN, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới... là mơ ước của nhiều nhà làm phim VN, kể cả những nhà làm phim nước ngoài. Hình tượng Bác vẫn sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, mà mới đây sự hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả trong cuộc thi sáng tác tác phẩm văn hoá nghệ thuật "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh" là minh chứng.
Theo LĐ |