Tạp chí Sông Hương -
"Làm sân khấu đủ sống, nhưng buồn lắm"
14:19 | 20/05/2009
Cũng với góc độ từ sân khấu thế giới nhìn về sân khấu nước nhà, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của IDECAF - một trong những sân khấu xã hội hóa năng động, ăn nên làm ra của TP.HCM, có cái nhìn thẳng vào môi trường mình đang làm nghề.
Ông Huỳnh Anh Tuấn. Ảnh: V.T

Câu chuyện bắt đầu từ khẳng định của ông Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM rằng, nhiều sân khấu trong nước, trong đó có IDECAF đủ khả năng tổ chức biểu diễn gọn nhẹ để đưa những vở kịch Việt ra nước ngoài như một số đoàn kịch nước ngoài đến diễn ở Việt Nam.

Ông bầu IDECAF nghĩ gì về ý kiến của ông Phó Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM? Đến lúc nào đó chúng ta tự tin mang vở của ta diễn cho Tây xem, để nói với họ rằng chúng tôi đang có một nền sân khấu như thế này đây?

- Chúng tôi làm được, nếu có kinh phí và có tổ chức nào đó mời đi, giống như trước đây, ông Trần Minh Ngọc đưa một nhóm nghệ sĩ sang Pháp diễn vở Ông Giuốc-đanh ở Sài Gòn vậy. Khi đoàn kịch Engeki Ensemble diễn vở Người tốt Tứ Xuyên tại TP.HCM, chúng tôi có nói chuyện thẳng thắn với họ là cách diễn của các bạn còn đơn giản, chưa sinh động, vở này sân khấu chúng tôi đã dựng với nhiều yếu tố hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đến khi có cơ hội thì không biết còn có diễn viên diễn được những vở chính kịch hay không, trong khi người cứng nghề thì đã lớn tuổi.

Những chuyến biểu diễn như thế được xem là dịp để giao lưu học hỏi lẫn nhau. Người làm sân khấu trong nước học hỏi cụ thể những gì?

- Việc học hỏi tùy khả năng cảm thụ, do phông văn hóa, trình độ của từng người. Ngay cả những vở nước ngoài trên sân khấu IDECAF như Âm mưu tình yêu..., nhiều người trong nghề xem rất "sướng" nhưng nếu bảo một số diễn viên trẻ đến xem thì họ không hiểu, ngán. Đó là chuyện bình thường. Bắt một diễn viên trình độ B, C xem những vở của trình độ A thì khó. Đó là báo động chung, vì nhu cầu khán giả nên diễn viên phải chạy theo để sống, tồn tại.

Vậy thì sân khấu chúng ta đang đi đâu?

- Khả năng diễn xuất của nhiều nghệ sĩ ta không thua bạn. Mỗi dòng kịch có một nhóm khán giả riêng, kịch thể nghiệm cũng có khán giả đấy nhưng rất ít, tuổi thọ của vở diễn thấp. Nếu đặt vào bài học thực tế của các sân khấu xã hội hóa thì không thể phiêu lưu suốt như thế được. Phải có sự đầu tư xuyên suốt của Nhà nước. Nhưng cách làm như đề án dựng 100 kiệt tác sân khấu thế giới rất hay mà cào bằng như vậy cũng không ổn.


Cảnh trong vở Người tốt Tứ Xuyên, đoàn kịch Engeki Ensemble, Nhật, diễn tại TP.HCM. Ảnh: V.T

Như thế sân khấu ta đang xa dần dòng chảy của sân khấu thế giới?

- Tôi nghĩ, chúng ta không cách xa sân khấu thế giới. Tôi đi xem kịch Broadway thấy kỹ thuật sân khấu quá hiện đại, nếu đầu tư kỹ thuật như thế thì chúng tôi tự tin mình làm được vở hay. Chúng ta diễn chính kịch, bi kịch được, nếu có yếu tố kỹ thuật hiện đại nữa thì không thua, nhưng ta thua ở khía cạnh diễn viên có khả năng nhảy, múa, hát...

Nếu không xa, vì lý do nào chúng ta không thu hẹp khoảng cách này hơn nữa?

- Điều đó cần có thời gian thử thách rèn luyện, môi trường hành nghề và sự nỗ lực của người làm sân khấu. Sân khấu Việt vẫn có kịch bản đầu tư tươm tất nhưng chủ đề vẫn hướng về nhu cầu giải trí của khán giả. Chúng ta có sự chăm lo đầu tư bài bản cho các dòng kịch không? Không có. Mà là để cho các đơn vị xã hội hóa như chúng tôi đây tự bơi.

Người ta hỏi tôi tình hình làm ăn ở lĩnh vực sân khấu như thế nào, tôi trả lời đủ sức kiếm cơm, chứ thực tế thì buồn lắm. Vì có gì đâu ngoài những vở hài để sống. Người đam mê nghề nghiệp, làm những vở chính kịch, nhưng những vở đó không sống được lâu. Các sân khấu xã hội hóa đều phải chạy theo hướng giải trí.

Cứ chạy theo như thế, làm sao sân khấu phát triển, tiến xa?

- Chưa thể tiến xa được. Vì cảm xúc thẩm mỹ của khán giả ngày càng đơn giản. Nếu được "rèn luyện", có những khán giả còn có thể ngồi xem vở Romeo & Juliet kéo dài mấy tiếng đồng hồ, chứ người bình thường thì họ không đủ kiên nhẫn. Họ cần giải trí, đó là sự thật, vì công việc hàng ngày căng thẳng, cứ ra đường là dính kẹt xe như thế. Diễn viên yêu nghề còn nhiều, nhưng môi trường để giữ lòng yêu nghề thì ngày càng hạn chế.

Những người làm sân khấu các anh có phần trách nhiệm ở đây. Các anh làm gì?

- NSƯT Thành Lộc thường nói với tôi: "Thôi ông ơi, đừng làm hài kịch nữa, mỗi năm có một mùa tết làm bốn vở rồi, còn lại làm bi kịch, chính kịch đi, chứ không thể làm hài kịch suốt được". Đã làm chính kịch thì phải làm cho đàng hoàng. Chúng tôi đang thực hiện vở bi kịch về Lý Thường Kiệt Ngàn năm tình sử kinh phí tới 400 triệu đồng, diễn ở Nhà hát Bến Thành cho tương xứng chứ sân khấu IDECAF quá nhỏ. Chúng tôi cho mọi người thấy, chính kịch, bi kịch đàng hoàng đây.

Thành Lộc còn muốn dựng thêm cả những vở nước ngoài nữa. Ai nói gì thì nói, chúng tôi chịu đựng, lấy doanh thu của những vở bán được vé bù cho những vở chính kịch như thế này. Chúng tôi muốn theo khuynh hướng đó để giữ nhiệt huyết cho diễn viên khi may mắn diễn viên của sân khấu IDECAF còn diễn được chính kịch. Nếu cứ chạy theo những vở giải trí thì vài năm nữa sẽ mất chính kịch, diễn viên cũng buông theo chiều hướng đó. Phải giữ hồn khán giả, không khéo sẽ mất hết.

                                                                                                        Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng