Tạp chí Sông Hương -
Lễ cúng Âm hồn ở Huế - Nhớ lại một sự kiện bi hùng
14:59 | 28/06/2016

Ngày 23 tháng 5 Âm lịch hàng năm là ngày cúng âm hồn của người dân thành Huế. Việc tổ chức cúng âm hồn có liên quan đến sự kiện kinh đô thất thủ năm 1885.

Lễ cúng Âm hồn ở Huế - Nhớ lại một sự kiện bi hùng
Toàn cảnh đại lễ xá tội vong linh tại miếu Âm hồn ở ngã ba Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn

Cách đây tròn 130 năm, 23/5 Ất Dậu, một đợt chết chóc đẫm máu chưa từng có đã xảy ra tại Huế. Hàng nghìn người dân và binh lính triều đình đã ngã xuống vì bị trúng đạn của Pháp, hay một số do chen lấn, giẫm đạp lên nhau khi cố vượt ra khỏi kinh thành. Từ đó, ngày 23/5 Âm lịch trở thành ngày “giỗ chung” của người dân xứ Huế. Họ cúng cho những người xấu số đã tử nạn: Những quân sĩ, quan lại, dân chúng trong đêm rạng sáng 23/5 Ất Dậu.

Hôm 23/5 (Âm lịch), khắp các ngã ba và ngã tư phố Huế, người dân đều bày biện mâm cúng Âm hồn nhằm tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885.

Mâm cúng lễ được bày biện giữa trời, thường là trước cổng hoặc giữa sân nhà. Với hai bàn thượng và hạ. Đồ cúng thường không thể thiếu: hương đèn, cau trầu, rượu trắng, cháo trắng, các loại hoa quả, hạt nổ, gạo, muối, các loại giấy cúng, con gà trống luộc và xôi, chè, khoai sắn…

Bên cạnh nhiều nhà dân, các nhóm dân cư sống gần các miếu cũng bày biện mâm cúng, tổ chức cúng tế tại đàn trong ngày 23/5 này. Tại miếu Âm hồn ở ngã ba Mai Thúc Loan- Lê Thánh Tôn, phổ Vĩnh Nghĩa (nhóm dân cư sống gần miếu Âm hồn) tổ chức “Đại lễ cầu nguyện Âm siêu dương thái trai đàn chẩn tế” để cầu nguyện quốc thái dân an, Âm siêu dương thái, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân hi sinh vì vận nước.

Bác Phan Méo (ngụ tại Lê Thánh Tôn) cho biết: Cứ 5 năm lại tổ chức Chai Đàn một lần, mời thầy về làm lễ cầu cho vong linh được siêu thoát.


Mâm cúng lễ âm hồn được bày biện với những đồ cúng không thể thiếu: hương đèn, cau trầu, rượu trắng, cháo trắng, các loại hoa quả, hạt nổ, gạo, muối, các loại giấy cúng, xôi, chè, khoai sắn…

Đặc biệt trong ngày cúng âm hồn này, người dân luôn chuẩn bị sẵn một vài thanh củi để đốt sau khi làm lễ xong. Được biết, việc châm lửa đốt củi này tái hiện lại lịch sử người dân đốt đuốc để soi đường trong lúc chạy ra khỏi thành trong đêm 23/5 Ất Dậu.

Ở Huế, có khá nhiều miếu âm hồn được lập nên bởi những người con ở đất Thần kinh. Nhỏ thì các am thờ cô hồn, lớn hơn thì các miếu của cả làng xóm lập nên. Một số nơi người dân làm lễ cầu nguyện trong ngày 23/5 này như miếu Âm hồn của phường Thuận Lộc cạnh giao lộ ngã tư đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn, miếu ở phường An Hòa cạnh khu đất xưa từng là nơi hành quyết bêu đầu các anh hùng chống lại triều đình, các khu lăng mộ tập thể ở đường Nguyễn Khoa Chiêm, nghĩa trang 12 vòng mộ tập thể tại Cồn mồ Trà Am nối dài thành phố Huế…


Người dân kính cẩn cầu nguyện cho các vong linh đã mất trong ngày lễ Âm hồn

Nhà nghiên cứu Huế, Phan Thuận An nhận xét: “Lễ cúng âm hồn là một cuộc tưởng niệm tập thể của cộng đồng dân chúng ở Huế. Nó ghi lại một sự kiện bi hùng đã xảy ra trên đất Cố đô trong ngày 23/5 Ất Dậu. Hàng ngàn người chết trong biến cố đau thương này. Vì vậy, từ 1885 đến nay, dân Huế ở khắp hang cùng ngõ hẻm, làng xóm, phố phường nào đến ngày 23/5 đều tổ chức cúng âm hồn, cúng những vong linh không biết tên biết tuổi để tưởng nhớ đến công lao của họ đã có công chống thực dân để giành lại độc lập tự chủ cho nước nhà”.

Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, người Huế vẫn không thể nào quên được biến cố lịch sử đầy đau thương năm Ất Dậu đó. Tập tục cúng âm hồn trở thành một nét đặc trưng quần tụ trong bản sắc văn hóa của chốn Thần kinh. Cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Thái Vũ nhấn mạnh: “Nhớ lấy, hãy nhớ lấy ngày hai mươi ba tháng Năm này là ngày mất nước, ngày tủi nhục, ngày chít khăn tang”.

Theo Thanh Nhàn (Thể thao & Văn hóa)

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng