Tạp chí Sông Hương -
Từ Tràng An đến Âu Cơ gallery
15:06 | 20/05/2009
Tháng 8/1996, gallery Tràng An (15 Hàng Buồm) được thành lập theo sáng kiến của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp và ông Phạm Đình Quý, một nhà kinh doanh có lòng với văn hóa nghệ thuật. Ông cũng là người bỏ tiền của sưu tập các tác phẩm của họa sĩ lúc đương thời. Thời điểm đó hội họa Việt đang hứng khởi nhất. Nhiều triển lãm được đưa ra nước ngoài, như là cầu nối văn hóa sau khi Đổi mới và Mở cửa, nhiều gallery trong nước giới thiệu những họa sĩ có tên tuổi và trẻ nhất. Nhưng sau đó, mọi chuyện có chiều hướng đi xuống. Nhiều họa sĩ bị thương mại hóa nhanh chóng, nhiều gallery đuổi theo buôn bán thuần túy, và những quan hệ ra nước ngoài có phần bão hòa. Gallery Tràng An thực ra ngay từ lúc thành lập mới đạt được những giá trị văn hóa và sưu tập được những tác phẩm tốt, chứ chưa đạt hiệu quả kinh doanh bao nhiêu, rồi cũng lặng lẽ rút lui sau vài năm hoạt động. Ông Phạm đem rất nhiều tác phẩm có giá trị trưng bày trong nhà mình.
Từ Tràng An đến Âu Cơ gallery
Tranh trong bộ sưu tập của Âu Cơ gallery

Tràng An là một mỹ danh của kinh đô Thăng Long xưa, khi người Thăng Long cũng muốn noi gương thời đại nhà Đường ở Trung Hoa đặt tên cho kinh đô Tràng An. Cái tên này trở thành khái niệm mỹ học, có nghĩa là nơi phồn hoa đô thị văn minh. Nên người Việt có câu rằng: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An. Gallery Tràng An cũng được đặt tên theo ý tưởng đó, những mong là nơi quy tụ những giá trị đẹp của hội họa.

Những họa sĩ có tên tuổi như Nguyễn Trung, Nguyễn Quân, Nguyễn Trọng Đoan và trẻ hơn (lúc đó), như Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Đặng Xuân Hòa, Vũ Thăng... đã từng trưng bày tại Tràng An trong những năm 1990. Bộ sưu tập còn để lại đến nay vẫn có những tên tuổi như Nguyễn Văn Ty , Tạ Quang Bạo, Việt Hải, Đào Minh Tri, Phan Gia Hương... Năm 2009 này, những người sáng lập xưa đã quyết định làm sống lại Tràng An với cái tên mới là Âu Cơ gallery. Ông Phạm Trần Lê, một thành viên của Âu Cơ gallery cho biết về ý tưởng của mình: Ý tưởng kinh doanh trong thời gian tới của chúng tôi khá giản dị. Âu Cơ gallery cố gắng làm đúng với trách nhiệm của một gallery chuyên nghiệp. Đó là giới thiệu, quảng bá, sưu tập những tác phẩm có chất lượng tốt, được thẩm định cẩn thận.

Thời gian hoạt động của Tràng An gallery gắn bó với thập kỷ 1990, khi các trào lưu nghệ thuật hiện đại nở rộ. Ngày nay, một số trào lưu đương đại xâm nhập và có những thành quả và tác động nhất định tới đời sống nghệ thuật Việt . Âu Cơ gallery muốn có các hoạt động ghi nhận xu thế này, vì tất yếu của lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức rõ ràng rằng nghệ thuật hiện đại đã và vẫn sẽ tồn tại bền bỉ ở Việt Nam, là công cụ hiệu quả cho người nghệ sĩ trong điều kiện văn hóa, xã hội hiện nay. Chúng tôi tin rằng hai dòng chảy hiện đại và đương đại sẽ hòa trộn và tự chuyển hóa. Tham vọng của Âu Cơ gallery là theo dõi và ghi nhận những bước chuyển hóa này trên con đường mỹ thuật Việt hiện nay và sắp tới.

Âu Cơ gallery sẽ khai mạc vào 16h hôm nay (20/5) tại số 1- ngõ 124/22 đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội (với diện tích rộng gấp 3 lần Tràng An gallery xưa) với 56 tác phẩm của 40 tác giả. Tranh trong sưu tập của Âu Cơ gallery

Không phải ai cũng tin rằng có sự chuyển hóa từ nghệ thuật hiện đại với tính cách là một trào lưu sang nghệ thuật đương đại. Nhưng nhiều nghệ sĩ đã thực hiện điều đó theo cách riêng của mình, như Đặng Thị Khuê, Bảo Toàn, Trần Lương, Đào Châu Hải, Trương Tân... là những người thuộc thế hệ trung niên, nhưng gần gũi với các hoạt động nghệ thuật mới nhất, như sắp đặt, trình diễn và Video Art. Không ít các nghệ sĩ trẻ không nhìn thấy mối liên quan nào giữa họ và thế hệ trước về nghệ thuật và không hẳn có sự chuyển tiếp về ngôn ngữ, nếu không muốn nói có quan hệ gì giữa hội họa hiện đại và các nghệ thuật mới. Ở đây, ngôn ngữ dường như không quá quan trọng, các nghệ sĩ đương đại vẫn có thể vẽ như trước, mà quan trọng là lối sống, suy nghĩ không có những điểm chung nhau nữa. Nghệ thuật hiện tại phát triển trên một nhịp độ, cảnh trí và nền tảng khác, dù lớp nền ấy đang chồng lên lớp nền quá khứ.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp năm nay đã 54 tuổi ta. Ông nhìn về phía sau thấy những gì rất gần gũi với mình và nhìn lên phía trước hy vọng hiểu được, kết nối được những gì đang xảy ra trong nghệ thuật. Ông cần một mảnh đất để thi thố tài năng của mình và điều ấy có thể là quá mênh mông so với một bảo tàng, một gallery hay chăng? Người xưa nói: Dịch viết Càn khôn không hỹ/ Thi vân chung cổ lạc chi. Nghĩa là: Kinh Dịch viết Trời đất này cũng là không thôi / Kinh Thi viết chuông trống cũng vui thay. Thôi thì cứ mơ ước cho to tát sưu sưu tập các tác phẩm có chất lượng vào, còn ngày ngày cứ nên vui vẻ thôi.

                                                                                                                      Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng