Tạp chí Sông Hương -
Hoành phi, câu đối bằng chữ Quốc ngữ: hồn Trương Ba da hàng thịt
08:44 | 12/07/2016

Bài viết này không có tính chất học thuật chuyên sâu, để tưởng nhớ giáo sư Cao Xuân Hạo - người thầy mà tôi không có cơ hội được học.

Hoành phi, câu đối bằng chữ Quốc ngữ: hồn Trương Ba da hàng thịt
Các bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng tại chùa Bổ Đà Bắc Giang.
Đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân về một vấn đề đang được tranh luận hiện nay trong nước, mặc dù việc thực hiện thì đã xảy ra từ lâu. Đó là việc thay chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ trong các hoành phi, câu đối ở các di tích, công trình lịch sử tôn giáo.

Ở các nước Á đông trong những thế kỷ trước, chữ Hán có vai trò gần như tiếng Anh hiện nay trên thế giới, như một lingua franca, một ngôn ngữ giao tiếp giữa những người nói các thứ tiếng khác nhau, có khác chăng là hiện nay ta nói tiếng Anh, còn ngày xưa người ta bút đàm, tức là giao tiếp bằng cách viết chữ Hán với nhau. Từ đầu những năm đầu thế kỷ hai mươi, cụ Phan Bội Châu chu du sang Nhật mà không biết tiếng Nhật, cụ chỉ bút đàm. Hiện nay, bút đàm đôi khi vẫn còn sử dụng. Một giáo sư người Nhật kể lại chuyện gọi món ăn trong một chuyến du lịch Trung Hoa. Ông ấy đặt món bằng tiếng Anh, nên anh hầu bàn không hiểu, cho rằng vị khách này là người Trung Hoa, nhưng nói một thổ âm khác, anh ta liền chạy vào bếp kéo ra một người nói thổ âm khác anh ta, người ấy cũng không hiểu. Cuối cùng, thực khách vừa bút đàm vừa nói bằng tay với người phục vụ.

Cần phân biệt tiếng Hoa và chữ Hán. Trên đất nước Trung Hoa rộng lớn ngày nay, những người nói tiếng Hoa, phương ngữ Bắc Kinh và các vùng lân cận, và những người nói các phương ngữ khác ở các vùng khác như Quảng đông, Triều châu... mặc dù không hiểu nhau nhưng đều sử dụng chữ Hán để viết và đọc, giống như người Việt dùng chữ Hán. Như vậy trong chừng mực nào đó thì chữ Hán có vai trò gần như tiếng Anh,một lingua franca, trung tính về mặt văn hóa và chính trị, người Singapore, người Ấn độ... nói  tiếng Anh, mà không hề chịu ảnh hưởng của nước Anh, và người Nhật, người Hàn, dùng chữ Hán để viết bên cạnh chữ viết riêng của họ, mà không đoái hoài gì đến văn hóa chính trị của nước Trung Hoa hiện đại. Nhưng tiếng Hoa thì khác, tiếng Hoa qua các viện Khổng Tử trên thế giới đang bị giới trí thức ở các nước ấy e dè vì thế lực đằng sau, nhà nước Trung Hoa, không hề vô tư trong việc quảng bá tiếng Hoa. Một quốc gia dám ngang nhiên tự vẽ lại bản đồ quốc gia thì không việc gì không dám làm. Họ cẩn trọng như thế là đúng.

Tôi không biết chắc chắn vai trò tiếng Hoa ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai như thế nào, nhưng trong quá khứ chữ Hán và biến thể của chữ Hán, chữ Hán Nôm là phương tiện duy nhất lưu giữ kho tàng tri thức của cha ông, vì vậy cần phải hết sức cẩn trọng trong các vấn đề liên quan đến văn bản Hán và Hán Nôm. Tuy nhiên, để hiểu cha ông chúng ta cần học chữ Hán Nôm, chứ không phải tiếng Hoa. Một người giỏi tiếng Hoa chưa chắc đã giỏi chữ Hán, và tiếng Hoa chưa hề và không bao giờ là một lingua franca trên thế giới, căn cứ trên những đóng góp về khoa học, nghệ thuật, văn chương, giáo dục, triết học... của cộng đồng dùng tiếng Hoa ta có thể đoan quyết như vậy.  

Cách đây không lâu, tôi có dịp đi cùng với một đoàn giáo viên nước ngoài trong đó có một giáo viên người Úc dạy sử tham quan Đại nội, Huế. Là người địa phương, tôi ngẫu nhiên trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Với kiến thức chừng mực của một hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ tôi chỉ giới thiệu một cách khái quát, không đi sâu vào chi tiết, ví dụ chỉ nói là các bản văn khắc gỗ gắn trên tường bằng chữ Hán là các bài thơ của vua, gọi là Ngự chế trong tiếng Việt, còn nội dung thì tôi thú thật là không biết, vì tôi mù chữ Hán. May thay, bà giáo viên người Úc đã thay tôi dịch các văn bản chữ Hán sang tiếng Anh, và tôi học được thêm nhiều điều mà sách vở không thấy nói đến, chẳng hạn ý nghĩa đồ hình các ngôi sao trên các tác phẩm đúc đồng. Xấu hổ vì không đọc được chữ nghĩa của cha ông,sau buổi tham quan đó, tôi hạ quyết tâm học chữ Hán. Dĩ nhiên là tự học, vì không có thời gian đếncác lớp dạy Hán Nôm. Cho đến nay, vốn liếng chữ Hán của tôi chỉ đủ để đọc lỏm bỏmvài chữ, dự án xóa mù Hán Nôm của tôi xem như không thành công. Tuy nhiên, có một kinh nghiệm làm tôi bớt áy náy về sự thất bại của dự án. Trong một lần đi chợ trời ở Mỹ, tôi mua được một cái chai đựng trà bằng sứ, làm ở Hà Lan, điều thú vị là trên chai có khắc một bài thơ chữ Hán. Tôi nhờ một anh bạn, người Hoa, mới sang Mỹ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về ngôn ngữ học, đọc và giải thích. Tôi rất ngạc nhiên khi anh ta cho biết cómột số từ viết theo lối cổ nên anh ta không đọc được, và vì thế anh ta không chắc là hiểu hết ý nghĩa của bài thơ. Một người Hoa có trình độ học vấn như anh ta mà còn gặp khó khăn với chữ Hán, mới thấy quả như người xưa nói, bể học mênh mông.

Việc thay các hoành phi câu đối bằng chữ Hán sang chữ Quốc ngữ ở các công trình tôn giáo, văn hóa, lịch sử như đền chùa, lăng tẩm...  là một việc làm thiếu suy nghĩ, không nói đến chuyện tốn kém vô ích, nhìn từ góc độ văn hóa - lịch sử thì việc làm này hoàn toàn sai trái, có nguy cơ một lần nữa chặt đứt dòng mạch văn hoá, lịch sử của dân tộc. 

Xét về hình thức, đặt chữ Quốc ngữ vào cái khung hoành phi thì cũng gần như thiết kế một bộ trang phục có cà vạt, áo vét, khăn đóng, guốc mộc, và khố. Đơn giản là vì chúng không tương thích với nhau về nguồn cội, cách thức vận hành và chức năng: Chữ Quốc ngữ là một sản phẩm hoàn toàn của phương Tây, còn hoành phi, câu đối lại thuộc về văn hóa Á đông, ta có thể gặp chữ Quốc ngữ khắp nơi, nhà hàng, cửa hiệu, công sở, nhưng hoành phi câu đối thì chỉ có ở nhưng nơi có tính văn hóa, tôn giáo... tôn nghiêm, và nội dung cũng khác, một bên dùng để xiển dương cái đẹp cái hay, còn bên kia thì bất chấp nội dung. Hồn Trương Ba da hàng thịt, từ lai căng trong trường hợp này là chính xác. Còn nói đến ý nghĩa lịch sử - khảo cổ, thì việc thay thế ấy là hoàn toàn phá hoại, không có quốc gia văn minh nào ứng xử như vậy với di tích, với các công trình có tính văn hóa lịch sử.

Nhìn sang hai quốc gia có gốc gác văn hóa Á đông nhưng lại tiếp thu văn minh phương Tây một cách thành công là Hàn quốc và Nhật bản, ta thấy họ vẫn sử dụng chữ Hán, mặc dù đã có chữ viết riêng, thậm chí họ còn mời giáo viên người Trung Hoa sang dạy chữ Hán, xin nhớ là họ không cần viện Khổng tử dạy tiếng Hoa. Chữ Hán trong các công trình lịch sử của họ vẫn được trân quí, vì chữ Hán chỉ là phương tiện, cái được phương tiện đó diễn đạt, lưu giữ mới quan trọng. Xóa chữ Hán là xóa luôn kinh nghiệm sống, tâm hồn và trí tuệ của cha ông.

Có người lập luận là dùng chữ Quốc ngữ để cho người thời nay hiểu. Thật ra, điều này chỉ đúng chưa được một nửa. Ví dụ, ta thay bức hoành phi chữ Hán 眞如bằngmột bức hoành phi chữ quốc ngữ chân như, liệu người đọc có hiểu không, thậm chí khi được diễn dịch chưa chắc người đọc đã hiểu nếu không có kiến thức Phật học (theo từ điển Thiều Chửu thì chân như có nghĩa là nguyên lai, viên mãn thanh tịnh, không phải mượn bên ngoài vào). Đa số các văn bản chữ Hán, hay Hán Nôm còn lại ở Việt Nam thuộc về tôn giáo, triết học, văn hoá lịch sử mà ngôn ngữ uyên áo tịch mật của tôn giáo và triết học thì không phải ai đọc được cũng hiểu được; văn hóa lịch sử cũng vậy, có bao nhiêu là bất đồng về cách hiểu của một văn bản khi bối cảnh của văn bản đang còn chưa rõ ràng.

Nếu để giúp người đọc thời nay hiểu thì tốt nhất là nên có bản dịch trên một tấm bia nhỏ dựng bên cạnh bản gốc chữ Hán hay Hán Nôm, tương tự như cách thức các quốc gia khác thường làm để phục vụ du khách, ví dụ như bản tiếng Anh bên cạnh một bản văn khắc trên đá bằng tiếng Pháp trong một lâu đài ở Pháp. Việc làm này bảo đảm không bị thất thoát vì dịch thuật, vì nếu bản chữ Quốc ngữ dịch không đúng với tinh thần của bản chữ Hán thì còn có bàn gốc bên cạnh để đối chiếu. Các nhà nghiên cứu dịch thuật đã từng căn dặn, coi chừng, dịch là diệt, dịch là phản. Có ai muốn vì vô tình mà đã phản hay đã diệt di ngôn của cha ông hay không?

Lịch sử đã sang trang, chữ Hán ở nước ta đã mai một cùng với các ông đồ, nhìn lại hai nước trong khu vực văn hóa Hán, Hàn Quốc và Nhật Bản, ta nên tự hỏi liệu việc duy trì chữ Hán có đóng góp gì cho thành công vượt trội của họ hay không, khi chữ Hán là chiếc cầu nối giúp họ trở về với túi khôn của cha ông, chứ không phải là một gánh nặng các con chữ, học để thi như ngày xưa.

Nguồn: Trần Thuần (Đại học Postdam, Đức) - Tia Sáng

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng