Tạp chí Sông Hương -
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chiến tranh đi qua một ngôi làng
10:25 | 03/08/2016

ôi viết bài thơ “Trong chiều nghĩa trang” vào năm 1985, mười năm sau ngày chiến tranh kết thúc. Và trong suốt hơn 30 năm qua, bài thơ vẫn làm cho người đọc xúc động.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chiến tranh đi qua một ngôi làng
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Không phải bài thơ hay đến mức ấy mà bởi ký ức về cuộc chiến tranh với muôn vàn hy sinh của người Việt Nam vẫn không thể phai mờ trong ký ức những người Việt Nam. Và bởi bài thơ ấy mang toàn bộ hiện thực về những năm tháng sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.

TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG

Mẹ ơi, mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi

Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng

Ai gọi đò bơ phờ bến vắng

Mẹ về đi... gió lạnh, cỏ đầy sương.

Mẹ run run thắp những nén hương

Cắm trước từng bia mộ

Kìa khói lên...

khói lên...

Lặng lẽ

Những con đường cát trắng của làng quê.

Hồn những chàng trai giờ ở nơi đâu?

Nhìn thầy khói mà trở về với mẹ

Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối

Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi.

Các anh về với mẹ một đêm thôi

Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình phụt tắt

Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn

Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm

Các anh về không hóa được thành người

Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp

Hóa chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ

Hóa thạch sùng thưa gọi mẹ trong mơ.

Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh thổi từng cơn

Trăm mắt hương - Trăm mắt người hoe đỏ

Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ

Cùng dâng hương, lặng lẽ đứng quanh người.

Làng Chùa, 1985

Vào một ngày cuối năm, tôi về quê. Khi đi qua nghĩa trang liệt sỹ trên cánh đồng ven đê, lúc đó hoàng hôn đang buông xuống, tôi thấy một bà mẹ đang thắp hương trên những bia mộ. Tôi không biết đó là một bà mẹ của một liệt sỹ đang yên nghỉ trong nghĩa trang đó hay chỉ là một người nông dân đi thắp hương cho các liệt sỹ để mời họ về làng ăn Tết. Làng tôi có phong tục vào những ngày cuối năm thì những người đang sống đến nghĩa trang thắp hương mời những người thân đã khuất về ăn Tết cùng gia đình. Trong bóng tối, tôi cảm thấy tất cả những bia mộ cùng dâng hương đến quanh người mẹ. Bởi sau chiến tranh, người phải chịu nỗi đau đớn nhất do chiến tranh gây ra chính là những người mẹ.

Nha tho Nguyen Quang Thieu: Chien tranh di qua mot ngoi lang - Anh 2

Năm 1993, lần đầu tiên tôi đến Mỹ theo lời mời của Trung tâm William Joiner, một trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh thuộc trường Đại học Massachusetts thông qua văn học. Trong một buổi tọa đàm về chiến tranh, tôi đã kể với những người Mỹ câu chuyện về một bà mẹ. Bà mẹ này gửi đứa con trai thứ nhất của mình ra mặt trận, đứa con hy sinh. Bà mẹ lại gửi người con trai thứ hai của mẹ ra mặt trận, đứa con thứ hai hy sinh. Bà mẹ lại gửi đứa con trai thứ ba của mẹ ra mặt trận, đứa con trai thứ ba hy sinh. Người mẹ lại gửi đứa con trai thứ tư của mẹ ra mặt trận... Khi tôi nói đến đó, một người Mỹ đứng dậy khóc và kêu lên: “Xin đừng gửi nữa, xin đừng gửi nữa...”. Họ không thể nào chịu đựng được sự khủng khiếp ấy. Và thực tế, trên đất nước chúng ta có những bà mẹ đã hy sinh đến chín người con trong chiến tranh. Một lịch sử kinh hoàng nhất của nhân loại trong thế kỷ hai mươi vừa mới đi qua.

Trong những năm tháng chiến tranh, làng quê tôi sống trong bóng tối im lặng. Tôi không thể quên những đêm tối của làng quê trong những năm tháng đó. Thường trong những đêm như thế, tiếng chó sủa như là tiếng động duy nhất trong đêm. Hồi ấy, nếu nghe chó sủa rộ lên thì chỉ có hai điều. Thứ nhất là có ai đó đi kiếm cá đêm từ ngoài đồng trở về. Họ đi đặt lờ rô, đặt ống lươn, kéo vó. Thứ hai là có ai đó đi đâu xa trở về. Mà hầu như trong những năm tháng đó những người đi xa trở về làng trong những đêm khuya khoắt là những người lính. Trong chiến tranh, hầu như những người lính chỉ có thể tranh thủ ghé qua nhà một đêm hoặc một hai ngày. Có những người lính về cưới vợ, ở với vợ một đêm, hôm sau khoác ba lô lên đường sớm và không bao giờ trở về nữa. Tôi có một người chú họ tên là Bảy Bình. Ông lên đường vào chiến trường khi vợ ông vừa có thai. Ông hoạt động trong vùng địch ở Đồng Nai. 15 năm sau ông mới trở về làng. Con gái ông đã 14 tuổi.

Ở ngay bên con đường từ chân đê chạy xuống bến đò sông Đáy làng tôi có một quán nước chè xanh. Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Quán nước chè xanh này đã trở thành một trạm thông tin vô cùng quan trọng của làng. Những ngày tháng đó, sự đợi chờ lớn lao nhất của người làng tôi là đợi chờ sự trở về của những người lính. Thi thoảng lại có một người lính trở về. Con sông Đáy không phải quá rộng, vì thế ngồi trong quán nước nhìn sang bến nước bờ bên kia, bà bán quán có thể nhận được người đang gọi đò qua sông là đàn ông hay đàn bà và nhất là những người lính bởi chiếc mũ cối họ đội và chiếc ba lô khoác sau lưng. Mỗi khi nhận ra có một người lính đang đợi đò qua sông thì tất cả những người đang làm việc trên cánh bãi ở bên này sông rối rít cả lên. Họ gọi nhau í ới thông báo có một người lính trở về. Họ ngừng hết mọi công việc để hướng về bên kia sông. Họ giục ông lái đò nhanh nhanh chèo đò sang đón người về. Có người còn gọi to sang bên kia sông hỏi rằng đó có phải người làng Chùa không. Sau khi đón được khách, nếu người lính đó là người làng Chùa thì ông gọi to thông báo cho những người làng đang đứng chờ trên bến sông: “Anh Bàn con bà Bất về... Anh Bàn còn bà Bất về...”, “Anh Ấm con bà Ấm Keng về, anh Ấm con bà Ấm Keng về...”. Ngay sau khi nhận được thông tin từ ông lái đò, bà bán quán ngay lập tức sai đứa cháu chạy thật nhanh vào làng thông báo cho gia đình của người lính rằng anh ấy đã trở về. Tôi đã từng chứng kiến một vài lần cảnh tượng ấy. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn không cầm được nước mắt vì xúc động, vì những năm tháng mất mát đau thương nhưng kiêu hãnh và đẹp đẽ nhường nào.

Có một câu chuyện mà tôi không bao giờ quên được. Đó là chuyện về bà Đoán làng tôi. Bà chỉ có một người con trai, anh đã xung phong nhập ngũ bằng được và đã hy sinh có giấy báo tử trong thời gian chiến tranh. Nhưng bà Đoán vẫn nghĩ con mình sẽ trở về. Thi thoảng bà Đoán ghé qua quán nước bên bến sông và dặn đi dặn lại bà bán nước rằng nếu anh Đoán về thì phải sai cháu chạy vào báo cho bà ngay lập tức. Chứng kiến cảnh đó, ai cũng ứa nước mắt. Không chỉ mình bà Đoán, làng tôi còn có nhiều gia đình mà những người con của họ đã đi vào mặt trận từ bến đò quê nhưng không trở về nữa.

Tôi có một người anh con bác gái tôi là Lê Xuân Nghiệp. Anh có giấy báo tử năm 1968. Nhưng một ngày tôi nghe cha tôi nói anh Nghiệp không hy sinh mà vẫn còn sống đang được nuôi dưỡng trong một trại thương binh đặc biệt. Ông nói sẽ đi tìm anh Nghiệp. Một người bạn cha tôi đã mách anh Nghiệp còn sống và hiện đang ở một trại thương binh. Nhưng anh cụt hết cả hai tay hai chân và thêm những vết thương khác nữa. Cha tôi đã đến trại thương binh đó và nói chuyện với lãnh đạo Trại xin gặp anh. Cha tôi lấy danh dự một Đảng viên hứa sẽ giữ mọi bí mật về anh. Lãnh đạo trại để cha tôi chờ ngoài phòng khách rất lâu. Sau đó họ gặp cha tôi và rất lúng túng thông báo cho ông biết không có ai tên là Nghiệp ở đó. Cha tôi nhận ra sự không bình thường trong khi nói chuyện của họ. Cha tôi vừa năn nỉ vừa nghiêm nghị nói với họ về chuyện gặp anh. Nhưng những người tiếp cha tôi vẫn một mực nói không có anh Nghiệp ở đó trong khi nước mắt họ giàn giụa. Cha tôi phải quay về nhưng ông vẫn tin anh Nghiệp đang ở Trại thương binh đó.

Tôi nghe nói có một số thương binh đã đề nghị tổ chức báo tử vì họ bị thương quá nặng. Họ không muốn làm đau lòng những người thân khi nhìn thấy họ. Và tôi tin anh Nghiệp cũng là một người như thế. Tôi nghĩ anh đã đề nghị tổ chức báo tử anh. Anh không muốn cô tôi nhìn thấy đứa con trai duy nhất của mình như thế. Thời gian mà lãnh đạo Trại để cha tôi đợi lâu có thể là thời gian họ nói chuyện với anh Nghiệp. Và anh quyết không gặp cha tôi. Tôi biết anh vô cùng đau đớn khi phải quyết định vậy. Bởi lúc ấy, mẹ anh vẫn sống mà anh không dám nhìn thấy mẹ và không dám nghe tiếng mẹ. Mẹ anh đã khóc bao ngày bao tháng khi nghe tin anh hy sinh. Nhưng anh sẽ khóc hết cuộc đời khi nghĩ đến mẹ. Nỗi đau đớn ấy còn đau đớn hơn cả khi anh bị bom đạn cắt đứt hết chân tay mình.

Khi còn sống, cô tôi không được biết câu chuyện cha tôi đi tìm anh. Những năm cuối đời cô tôi bị lẫn nhiều. Thi thoảng cô tôi lại hỏi: “Thằng Nghiệp đi đâu mà chưa thấy về ăn cơm?”. Lúc đầu mấy đứa cháu họ lại trả lời là chú Nghiệp hy sinh lâu rồi. Nhưng sau này cứ nghe cô hỏi vậy thì mọi người đều trả lời là chú Nghiệp ăn cơm và đi chơi rồi. Cô tôi lại lầu bầu: “Lại đi câu chứ gì. Suốt ngày câu với kéo”. Mỗi lần về quê, tôi lại đến thăm cô. Tôi cầm tay cô và xưng tên. Cô nhìn tôi rất lâu mà chẳng nói gì. Nhưng có lúc cô cũng nhận ra tôi và nói: “Tìm anh mày à? Đang ngoài bến sông ấy”. Ngày chính quyền địa phương làm lễ trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho cô, các cháu phải bế cô đặt cô ngồi lên ghế giữa đình làng. Suốt buổi làm lễ, cô tôi không nói gì. Có lẽ cô không còn nhớ được gì nữa. Sau đó đôi lần tôi thấy xe của Hàng không Việt Nam đỗ trước cửa nhà cô. Tôi biết họ mang tiền trợ cấp và quà về cho cô vì Hàng không Việt Nam nhận nuôi dưỡng cô. Cũng có lúc cô tôi hồi phục trí nhớ. Những lúc ấy, mấy đứa cháu lại lấy tiền trợ cấp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đưa cho cô, cô lại bảo: “Cất đi mà mua bút mực cho con nó học. Tao có tiêu gì đâu mà giữ”.

Đã gần một nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày anh Nghiệp mất nhưng thực sự chưa bao giờ tôi nghĩ anh đã chết. Có lẽ bởi câu chuyện anh vẫn sống ở trong Trại thương binh đặc biệt mà cha kể lại cho tôi. Và lúc nào nghĩ đến anh, tôi vẫn thấy anh mặc bộ quân phục mới tinh của ngày nhập ngũ ở thị trấn Vân Đình, lưng đeo ba lô, đầu đội chiếc mũ cối có ngôi sao vàng vẫn đang đi bộ trở về quê mẹ. Khi còn sống, có lần cha tôi nói với tôi một ngày nào đó tôi phải đi các trại thương binh tìm anh. Nhưng trước khi mất, cha tôi nói tôi đừng đi tìm anh nữa. Vì nếu anh thấy những người thân nhìn thấy con người anh thương tích như thế thì lòng anh còn đau đớn hơn cả cái chết. Và lúc này, tôi mới hiểu câu hỏi của cha tôi: “Đừng bắt anh con phải chết hai lần”.

Theo Nguyễn Quang Thiều - Báo Phụ nữ TPHCM

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng