Tạp chí Sông Hương -
Vater und Sohn - Không lời và Sự sống
14:50 | 05/08/2016

Loạt truyện tranh Đức nổi tiếng, Vater und Sohn (Cha và Con), được phát hành trong giai đoạn 1934-1937 trên tạp chí Berliner Illustrierte được xem là tác phẩm hàng đầu kể từ thời của họa sĩ vẽ truyện Wilhelm Busch (1832-1908) cho đến cuối Thế chiến II.

Vater und Sohn - Không lời và Sự sống
Tượng "Vater und Sohn" ở Plauen - Ảnh: wiki
Tác giả của Vater und Sohn, Erich Ohser, đã gửi những sáng tác của mình đến tạp chí từ thị trấn Plauen và lấy bút danh là E.O.Plauen (thường viết là e.o.plauen).

Ohser đã sử dụng một phong cách vẽ hoạt họa đơn giản, dễ hiểu để kể những câu chuyện hài hước về một người cha cũng hay gây rắc rối hệt như cậu con trai – một câu bé có cá tính độc đáo so với một người cha dễ đoán và hay la mắng, khác hẳn với mẫu hình nhân vật ngang bướng-cẩu thả ở hầu hết các truyện tranh đương thời. Mẫu hình một đứa trẻ sớm phát triển và một người cha hiền lành gần như trẻ con đã trao cho cả hai nhân vật sự hài hước, thông minh và vụng về một cách tinh tế và chuyên nghiệp.

Sức lôi cuốn của Vater und Sohn nằm ở hai yếu tố chính.

Thứ nhất là những nét biểu cảm như sự giận dữ, đau khổ, vui vẻ, thanh thản, lo âu đều chính xác và sinh động, ở đây chính thể loại tranh câm lại có một tác dụng hỗ trợ tuyệt vời. Ngay trong kỹ thuật vẽ truyện hiện đại, những tình huống thể hiện sự xúc động hay cảm xúc đều loại bỏ ngôn từ, nhờ đó cảm xúc trong bức tranh tìm được một đường dẫn nhanh nhất vào tâm cảm người đọc. Kĩ thuật truyện tranh không lời đòi hỏi một sự hài hòa và nhất quán tổng thể xuyên suốt truyện. Đó không chỉ là sự nhất quán trong việc vẽ các hình khối, mà còn là sự nhất quán của nét vẽ, các mô-típ hành động, biểu hiện, tương tác. Điều đó đòi hỏi cũng như tạo nên trong truyện tranh không lời một cấu trúc chặt chẽ, chính xác. Vater und Sohn được triển khai theo một cấu trúc thống nhất, dựa trên các bối cảnh đồng nhất là các khung hình bằng nhau với hai nhân vật chính là cha và con.

Các kĩ thuật vẽ truyện hiện đại đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi các thủ pháp mang tính điện ảnh và văn chương hơn, trong đó các thủ pháp thu phóng khung hình, biểu hiện cảm xúc và các kĩ thuật ngôn từ có tác dụng dẫn dắt người đọc cho một mạch truyện dài hơi. Nhưng đó là sự đánh đổi: một cấu trúc chặt chẽ đơn nhất và tối giản không lời nhằm vào những cảm nhận tinh tế và trực tiếp; trong khi một cấu trúc lỏng lẻo, phức tạp với một cốt truyện dài lại nhắm vào những suy nghĩ, kích thích trí tò mò và dựa vào các tình huống để thu hút người đọc. Truyện tranh hiện đại có xu hướng tạo ra một thế giới sống và trải nghiệm, đưa người đọc thâm nhập các tình huống và giả lập như một nhân vật trong truyện. Trong khi Vater und Sohn lại là sự bổ sung những cảm nhận về đời sống thực: nó tham gia vào sự nhận thức đời sống hơn là tạo ra một không gian cách lìa đời sống.

Thứ hai là những tình huống gần như nguyên mẫu đời sống mà Ohser vẽ ra một cách chính xác đến tuyệt vời. Như một lời kêu gọi “không lời” phản kháng chiến tranh và các hoạt động quân sự, Ohser tập trung vào các câu chuyện đời sống thường nhật, truyền tải tình yêu thương trong mọi truyện, làm gợi lên một cách mạnh mẽ sự yêu chuộng cuộc sống thanh bình. Lựa chọn này được góp sức bởi việc lựa chọn nhân vật Cha và Con. Từ hai yếu tố này, các tranh vẽ được Plauen dùng thủ pháp pha trộn các trạng thái cảm xúc phức tạp với các tình huống thường nhật mà đa số người đọc có thể hiểu được dù không cần đến ngôn từ, điều đó mang một sức hút ảnh hưởng sâu rộng. Nhờ vậy, các truyện trong Vater und Sohn nổi bật như một ví dụ đơn nhất trong truyền thống truyện tranh với chiều sâu về cảm xúc hiếm ở đâu đạt đến được ở thời đó.

Yếu tố thứ hai này gợi lên một chiều kích hiện sinh đặc sắc: Vater und Son nhấn mạnh đến những xúc cảm đến từ những quan hệ gắn bó gần gũi nhất, phát sinh và được những tình huống nhỏ nhặt đời thường nuôi dưỡng. Những xúc cảm ấy hóa ra lại mang tính đạo đức, có sức mạnh xây dựng đời sống tâm hồn, cổ vũ tính sáng tạo. Xu hướng của những xúc cảm ấy rõ ràng tốt lành hơn việc khuyến khích những lối sống mang kịch tính, phiêu lưu, cực đoan trong cảm xúc, hay nhấn mạnh đến những dằn vặt tinh thần hoặc lý tưởng. Ý nghĩa đích thực của đời sống có thể chính là các cảm xúc vui vẻ thường nhật, sự khôn ngoan vô hại, tính hài hước – những yếu tố mang tính cân bằng và điều hòa. Trong khi đó, ở một phương diện đối ngược, ta còn có thể nói những trạng thái kích động gần như chỉ dẫn đến sự suy sụp, chiến tranh, tổn thương và tự sát. Theo nghĩa này, Vater und Sohn là một gợi ý về lựa chọn sống.

Đặc biệt, kinh nghiệm sống này không dựa trên thói ích kỉ, sự hèn nhát bảo vệ đời sống cá nhân hay sự thụ động vâng mệnh. “Vui vẻ, thông minh, sáng tạo” có vẻ là một tôn chỉ tích cực chống lại sự thụ động, sợ hãi, mệnh lệnh và bạo lực:

Cũng không thể xếp Vater und Sohn vào loại “Truyện kể bằng tranh”, trong đó tính không lời được xem là kết quả của việc “kịch hóa” nội dung tác phẩm hoặc truyện kể. Theo đó, cũng không thể xem Vater und Sohn là một loại “tranh kịch”, dù đúng là các biểu trưng của nhân vật gợi nhắc đến cách thức diễn xuất ước lệ, chú trọng vào hành động như một cách thức truyền tải. Thêm nữa, Vater und Sohn cũng đạt đến hiệu quả gián cách (Verfremdungseffekt) nhờ chính thể loại truyện tranh mà không cần đến phương thức tự thoại như Bertolt Brecht đề xuất trong kịch.

Một ví dụ tiêu biểu là câu chuyện “Der klein Auskneifer” (Cuộc chạy trốn nhỏ; cũng có tên khác là “Der verlorene Sohn” [đứa con hoang toàng])”, mà nguyên mẫu của câu chuyện rất đời thường này có thể truy nguyên trong sách Phúc Âm Luke (15: 11-32), dụ ngôn về “người cha nhân hậu”, trong đó sự trở về của đứa con lạc lối được đối xử bằng tình yêu thương vô điều kiện của người Cha, biểu thị cho tình yêu vị tha máu thịt. Giờ thì nguyên mẫu đó được vẽ lại bằng những hình ảnh im lặng, xúc động và cũng hài hước nhất:

Truyện minh họa một cậu bé rõ ràng là vừa làm vỡ một cửa sổ trong khi đang chơi đá bóng trong nhà. Người cha đang chuẩn bị trừng phạt cậu ta và cậu con trai chạy trốn. Người cha ngồi xuống đọc báo, nhưng trở nên lo lắng khi nhiều giờ trôi qua mà con trai mình vẫn chưa quay lại. Người cha ra ngoài đi khắp các phố để tìm con trai, nhưng không thấy. Khi quay lại, đang lúc đi đến gần cửa thì một quả bóng bay qua cửa sổ bên kia vào mặt ông. Cậu con trai của ông đã quay về và lại đá bóng trong nhà. Nhưng bây giờ thì cậu con trai bối rối đang không hiểu chuyện gì khi thấy mình được cha ôm chặt đầy yêu thương trong cảm giác nhẹ nhõm xúc động. Lỗi lầm có thể là nguyên nhân của bất hòa, nhưng tình yêu thương vị tha mới là bản chất đích thực của đời sống: nó có thể hàn gắn mọi lỗi lầm, hiềm khích, xung đột.

Sự xung đột chỉ là một đời sống bị làm lệch đi: do đó nó chỉ mang tính nhất thời; trong khi hòa bình, yêu thương và sự tha thứ mới là một bản chất vĩnh cửu, một kết cuộc mà đời sống hướng đến. Trong truyện Der verlorene Sohn này, người đọc có thể nhận thấy các thông điệp ấy qua những biểu tượng rất gần gũi: cửa sổ là biểu tượng của cách nhìn, sự giao tiếp giữa trong và ngoài, hòa bình – nó có thể tan vỡ, và đó là một sai lầm, đó là sự bất hòa. Đồng hồ là biểu tượng cho thời gian và bản chất của sự vật. Hành trình của ông bố từ trong nhà ra ngoài đường là cuộc tìm kiếm xuất phát từ lòng yêu thương. Những cây khô trụi bên đường là biểu tượng cho nỗi đau và thiếu thốn sự sống. Trong tranh số 5, cánh cửa vỡ một lần nữa, người cha chịu thêm một tổn thương, nhưng tình yêu đã nối kết, hàn gắn họ ngay trên ngưỡng cửa của ngôi nhà, biểu tượng của hạnh phúc và đời sống thường nhật.

***

Trong những bức vẽ cho tạp chí dân chủ Vorwärts, Ohser thường vẽ những tranh châm biếm chính trị về Hitler và Goebbels. Chính vì những bức tranh phê phán chống lại đảng Quốc xã đang cầm quyền khi đó, ông thậm chí bị cấm hoạt động trong ngành. Sau đó, ông có cơ hội làm việc trong tạp chí của Quốc xã l�Berliner Illustrierte nhưng phải đổi bút danh. Ông còn công bố các tác phẩm của mình trong các tạp chíWahrer Jakob, Neue Revu và  Das Reich.

Ohser bị Gestapo bắt năm 1944 vì bị cho là xúc phạm đến Himmler và Goebbles. Biết trước sẽ phải nhận những tuyên án tàn nhẫn của Tòa án Nhân dân, Ohser đã tự sát trong phòng giam vào ngày 6 tháng Tư năm 1944. Người ta nhớ về ông với những bức tranh không lời cùng những nhân vật truyện tranh hóm hỉnh tinh tế. Những truyện tranh không lời này không chỉ làm người đọc cười lên thích thú và cùng lúc mang lấy suy tư trong mình, mà còn cổ vũ người đọc hành động bằng những gì nhận thức được trong đó. Sức mạnh của không-lời và sự tinh tế đó không tan biến trong giây phút vui vẻ, mà mãi tràn ngập trong người đọc về sau.

Theo 
Thái Hồ - Tia Sáng

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng