Tạp chí Sông Hương -
Tranh dân gian Làng Sình được công nhận làng nghề truyền thống
07:19 | 12/08/2016

Ủy ban nhân dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tổ chức lễ đón nhận Làng nghề và Nghề truyền thống tranh dân gian Làng Sình theo quyết định số 971/QĐ-UBND và 972/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh.

Tranh dân gian Làng Sình được công nhận làng nghề truyền thống
Ảnh (Sở VHTT)

Tranh dân gian truyền thống Làng Sình, xã Phú Mậu đã xuất hiện từ trên 450 năm, được ghi trong sách Ô Châu Lục Cận của Dương Văn An. Tranh dân gian Làng Sình chủ yếu dành cho tín ngưỡng tâm linh, loại tranh này có mặt trong đời sống dân gian không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn lan tỏa trong những nghi lễ cúng tế ở nhiều miền quê các tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi…Tranh dân gian Làng Sình chủ yếu là tranh phục vụ tín ngưỡng. Có thể phân làm ba loại: Tranh nhân vật chủ yếu là tranh tượng bà, vẽ một người phụ nữ xiêm y rực rỡ với hai nữ tì nhỏ hơn đứng hầu hai bên. Tượng bà còn chia thành ba loại: tượng đế, tượng chùa, và tượng ngang. Loại tranh này dán trên bàn thờ riêng thờ quanh năm. Lại còn các loại tranh khác gọi là con ảnh, gồm hai loại: ảnh xiêm vẽ hình đàn ông đàn bà, và ảnh phền vẽ bé trai bé gái (phải chăng phền do chữ phồn thực của Ðông Hồ). Các loại nhân vật còn lại là tranh ông Ðiệu, ông Ðốc và Tờ bếp (có lẽ tranh vẽ Táo quân). Các loại tranh này sẽ đốt sau khi cúng xong. Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho người cõi âm: Áo ông, áo bà, áo binh, tiền, cung tên, dụng cụ gia đình... thường là tranh cỡ nhỏ. Tranh súc vật (gia súc, ngoài ra còn có voi, cọp và tranh 12 con giáp) để đốt cho người đã qua đời. Hiện nay, làng có hơn 40 hộ dân làm tranh dân gian.
Tranh dân gian Làng Sình từ lâu đã trở thành nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế. Ngày nay, không chỉ mang ý nghĩa thờ cúng, Tranh dân gian Làng Sình còn mang trong mình giá trị trang trí, thẩm mỹ, văn hóa.

PV

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng