Tạp chí Sông Hương -
Dự thảo luật quảng cáo: Vừa "thoáng", vừa "trói"
23:36 | 23/05/2009
Sau 7 lần chỉnh sửa, Dự thảo luật (lần thứ 8) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) công bố để lấy ý kiến vào ngày 21/5. Dự thảo Luật được căn cứ vào Pháp lệnh quảng cáo trước đây và các quy định liên quan; nhưng có nhiều điểm khác biệt so với các văn bản hiện hành.
Dự thảo luật quảng cáo: Vừa

Thay cấp phép quảng cáo bằng phương pháp hậu kiểm

Đây chính là một điểm trái ngược hoàn toàn với các quy định hiện hành. Trước đây, việc cấp phép thực hiện quảng trên các phương tiện bảng quảng cáo, băng- rôn do Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở VHTTDL) cấp phép.Trong Dự thảo Luật Quảng cáo đã xoá bỏ việc cấp phép quảng cáo trên các phương tiện nêu trên. Theo đó, việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời (về vị trí, địa điểm, hình thức công trình...) sẽ dựa trên sự đồng thuận của các ngành xây dựng, quy hoạch kiến trúc, tài nguyên môi trường, văn hoá... của các địa phương (dựa trên các điều luật). Cơ quan quản lý, kiểm soát nội dung, hình thức quảng cáo sẽ thông qua phương pháp hậu kiểm, có thể yêu cầu xoá bỏ nội dung quảng cáo nếu có vi phạm.

Dự thảo Luật Quảng cáo cũng đưa ra phương pháp quản lý hậu kiểm đối với quảng cáo trên các phương tiện giao thông, vật thể di động, trên các mạng thông tin máy tính...

Nhiều quan điểm cho rằng, việc xoá bỏ hoàn toàn việc cấp phép trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với quảng cáo ngoài trời có thể dẫn đến sự lộn xộn, khó quản lý.  Theo phía Bộ VHTTDL, việc cấp phép quảng cáo không còn phù hợp vì song song với việc xây dựng Luật Quảng cáo, chúng ta đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch quảng cáo đối với tất cả các địa phương trên cả nước. Quy hoạch quy định rõ về vị trí, địa điểm, kiểu dáng, thời gian tháo dỡ... Chính vì vậy, phía Bộ VHTTDL cho rằng sẽ không có tình trạng dựng bảng quảng cáo, treo băng- rôn lộn xộn, thiếu thẩm mỹ, hết hạn không tháo dỡ...

Quảng cáo trên báo chí: Nhiều nội dung thắt chặt

Theo Dự thảo Luật, quảng cáo trên báo in không được quá 10% và tạp chí là không quá 20%. Nếu quảng cáo quá số lượng trên sẽ phải xin phép ra phụ trương quảng cáo và phát hành kèm với báo chính. Trước dự luật này, nhiều ý kiến cho rằng việc phải xin phép ra phụ trương là không cần thiết vì sẽ lại tạo ra cơ chế “xin – cho”. Các ý kiến cũng chỉ ra, quy định phụ trương quảng cáo phải phát hành cùng báo chính là không phù hợp với thực tế vì có những tờ phụ trương quảng cáo không thể phát hành cùng tờ báo chính.
 

Với quảng cáo trên báo điện tử, Dự thảo đưa ra mức không vượt quá 10% diện tích (trừ chuyên trang quảng cáo) và chỉ được đặt ở bên trái hoặc bên phải khuôn hình. Nội dung này được chị Nguyễn Thanh Hương - Phụ trách quảng cáo báo điện tử Vnexpress cho rằng không phù hợp bởi dung lượng trên báo điện tử không cố định nên việc quy định 10% sẽ khó xác định. Việc đặt quảng cáo ở vị trí phải hay trái cũng được nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết.

Dự thảo Luật Quảng cáo đưa ra khá nhiều nội dung mang tính chất bó hẹp đối với quảng cáo trên truyền hình, phát thanh. Theo Dự thảo, không được quảng cáo trong các chương trình có thời lượng phát sóng dưới 15 phút, các chương trình có thời lượng phát sóng từ 15 đến 30 phút được quảng cáo 1 lần, đến 60 phút được quảng cáo 2 lần và trên 60 phút được quảng cáo 3 lần, mỗi lần không quá 5 phút.
 
Ông Nguyễn Thành Lương – Giám đốc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình – Đài Truyền hình Việt cho rằng, chúng ta nên nhìn nhận quảng cáo như một ngành thương mại và quảng cáo cũng là một quyền lợi mà người xem được hưởng. Các đài truyền hình lớn hầu hết đều sống được nhờ quảng cáo. Có rất nhiều chương trình hay mà chỉ có quảng cáo mới mang lại nguồn thu để đài có thể phát sóng.
 
Ông Lương cũng đưa ra ý kiến, việc quảng cáo vào chương trình nào nên để Tổng biên tập (hoặc Giám đốc đài Phát thanh, truyền hình) quyết định, bởi có rất nhiều chương trình có thời lượng dưới 15 phút nhưng lại thu hút được sự chú ý của công chúng và các đơn vị chỉ muốn quảng cáo ở những chương trình như thế.

Các nội dung trong Dự thảo như quảng cáo không được đi kèm với từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”... hay 2 hàng hoá cùng loại nhưng khác nhãn hiệu không được quảng cáo kế tiếp nhau... cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên thay đổi vì chưa thật sự thực tế.

Bộ VHTTDL sẽ lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo quần chúng về Dự thảo Luật Quảng cáo trước khi trình Quốc hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang web của Cục Văn hóa cơ sở tại địa chỉ: http://www.vhttcs.org.vn.
 
                                                                                                            Theo Giadinh.net

Các bài mới
Các bài đã đăng