Tạp chí Sông Hương -
Tạo cơ chế thông thoáng cho điện ảnh phát triển
23:46 | 23/05/2009
Sáng 22-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai và nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật trên.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2010.

Cũng trong buổi sáng 22-5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã trình bày báo cáo thẩm tra 2 dự án luật trên.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh và dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và điều 1212 Luật Đất đai. Các đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực điện ảnh và các chế tài, pháp quy liên quan đến lĩnh vực này. Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng cần có những quy định cụ thể, sát hợp với điều kiện điện ảnh cũng như mặt bằng văn hóa, phong tục Việt Nam để Luật Điện ảnh góp phần đắc lực vào việc xây dựng nền điện ảnh nước nhà vừa hiện đại, hấp dẫn vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong dự thảo Luật sửa đổi cho phép và giới hạn "Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp sản xuất phim, doanh nghiệp phát hành phim và doanh nghiệp phổ biến phim của Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh. Đối với hình thức đầu tư thành lập liên doanh thì phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định". Một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi như vậy để bảo đảm thực hiện cam kết của Việt với WHO. Việc giới hạn vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% là cần thiết để giới hạn quyền định đoạt của phía nước ngoài trong các hoạt động của doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP Hồ Chí Minh) thì có ý kiến: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh phải bảo đảm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, rộng rãi, rõ ràng và minh bạch hơn, tạo cơ chế phát triển điện ảnh.

Các đại biểu Phạm Phương Thảo, Nguyễn Đăng Trừng, Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần làm rõ hơn đối với khoản 4, điều 33 về bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam so với phim nước ngoài, bởi theo các đại biểu này, hiện nay số lượng phim ảnh nước ngoài phát hành trên các kênh truyền hình là quá nhiều. Các kịch bản phim Việt còn ít, chất lượng phim chưa cao.

Một số đại biểu cũng đề nghị cân nhắc để sửa đổi lại chức danh người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình tại các điều 25, 28, 29, 33... do người đứng đầu một số đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình hiện nay có thể là tổng giám đốc, không phải chỉ Đài Truyền hình Việt mới có chức danh đó.

                                                                                                                 Theo HNM

Các bài mới
Các bài đã đăng