Tạp chí Sông Hương -
Bùng nổ phim dành cho tuổi teen
00:03 | 24/05/2009
Có khá nhiều lý do dẫn đến việc bùng nổ dòng phim tuổi teen nhưng lý do quyết định là các nhà tài trợ quảng cáo muốn nhắm vào đối tượng khách hàng lý tưởng của họ
Bùng nổ phim dành cho tuổi teen
Cảnh trong phim Những thiên thần áo trắng. Ảnh: C.T.V

Chưa bao giờ khán giả tuổi teen có cơ hội cùng lúc được thưởng thức khá nhiều bộ phim dành cho mình: Lứa tuổi tiểu học, THCS có phim Gia đình phép thuật, Những thiên thần nhỏ; học sinh lứa tuổi THPT có Siêu mẫu xì trum; các sinh viên những năm đầu đại học có phim Những ngày hè xanh.

Dễ dàng kiếm tài trợ

Có khá nhiều lý do dẫn đến sự nở rộ phim dành cho tuổi teen. Nhưng lý do đầu tiên theo giải thích của một nhà sản xuất là vì: “Không hẳn các hãng đua nhau chạy theo trào lưu mà chủ yếu vì tìm được kịch bản hay để đầu tư. Thế giới tuổi teen ngày nay phong phú hơn thế hệ trước rất nhiều nên dễ dàng tạo cảm hứng cho người viết”. Thực tế cũng cho thấy độ tuổi của giới biên kịch ngày nay được trẻ hóa rất nhiều. Bên cạnh nguồn kịch bản đa dạng, nguồn cung diễn viên ở độ tuổi teen cũng rất đông đảo, dễ tìm và đặc biệt là khá dạn dĩ, năng động khi đứng trước ống kính. Bằng chứng là ngay khi có thông báo tuyển diễn viên cho phim Những thiên thần áo trắng, trên mạng, số người đăng ký đã lên đến 900 thí sinh.

Thế nhưng, một lý do có tính quyết định cho sự bùng nổ dòng phim tuổi teen là bởi đối tượng này đang được các nhãn hiệu hàng hóa nhắm tới. Đây là lứa tuổi rất dễ thích nghi với cái mới nên họ chính là khách hàng lý tưởng ở một thị trường tiêu thụ đang hấp dẫn nhà sản xuất. Còn ai khác ngoài khách hàng tuổi teen là đối tượng mua sắm các mặt hàng thời trang, xa xỉ phẩm mà không cần tính toán. Chính vì điều này mà các công ty có nhãn hàng nhắm vào đối tượng khách hàng này sẵn sàng tài trợ cho các phim có nội dung khai thác đề tài tuổi teen.

Dễ khai thác nhưng khó thành công

Tuổi học trò giờ đây không còn đói phim, thế nhưng điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn hài lòng với những gì mà các nhà làm phim thể hiện. Nhìn lại những bộ phim dành cho teen đã phát sóng có thể thấy có rất ít phim chiếm được cảm tình của khán giả độ tuổi này như Kính vạn hoa hay Gọi giấc mơ về, bởi hầu hết phim chưa thực sự đi vào chiều sâu những vấn đề mà lứa tuổi này quan tâm. Đạo diễn Lê Hoàng nhìn nhận: “Cái dở của phim teen nói riêng và phim truyền hình VN nói chung là thông điệp chuyển tải đến người xem không có. Tính tư tưởng yếu, chỉ được cái trẻ trung”.

Quả thật, xem phim Nữ sinh, khán giả chẳng thấy các cô học sinh THPT như Cúc Hương, Thục, Xuyến lo lắng chuyện học hành, thi cử gì cả mà chỉ quan tâm đến những chuyện như ăn uống, yêu đương... Là học sinh chưa đi làm ra tiền nhưng chỉ thấy các cô suốt ngày tụ tập “tán hươu tán vượn” ở những quán sang trọng. Mật độ quán cà phê trong phim vì thế xuất hiện dày đặc theo tần số “tám” của ba cô. Tương tự là phim Nhật ký vàng anh, các nhân vật trên phim đều là nhà giàu, suốt ngày chỉ lo ăn diện, yêu đương. Đi học rất ít khi thấy mặc đồng phục mà toàn mặc những quần áo rất mốt, có khi còn mặc cả quần lửng đi học. Phim Tuổi yêu thì rơi vào trường hợp diễn tiến đơn giản, hời hợt. Có cảm giác như mọi thành công đều đến với các nhân vật một cách quá dễ dàng mà không cần phải cố gắng gì cả.

Lộ nhiều điểm  yếu

Như để bù cho sự non kém về mặt nội dung, phim teen sử dụng dàn diễn viên xinh xắn, trẻ trung để lôi kéo khán giả. Nhưng khổ nỗi vì trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, vả lại hầu hết chỉ xuất thân là ca sĩ, người mẫu nên diễn xuất của họ còn nhiều hạn chế, càng gây mệt mỏi cho người xem. Trong Nữ sinh, ca sĩ Quang Vinh chỉ dừng lại ở mức phù hợp với nhân vật thầy giáo Gia về mặt ngoại hình, còn diễn xuất thì khá gượng. Tương tự là trường hợp ca sĩ Yến Trang - vai nữ chính trong phim Siêu mẫu xì trum - đang phát sóng. Vai Nhã Đan dành cho cô rất thích hợp về khoản ngoại hình, tuổi tác nhưng nét diễn của Yến Trang lại bị khán giả chê nhiều nhất so với các nữ diễn viên khác. Có lẽ chỉ mới lần thứ hai đứng trước ống kính, chưa nhiều kinh nghiệm nên Yến Trang chưa lột tả được sự thông minh, duyên dáng của nhân vật như kịch bản mô tả. Thêm vào đó, việc thu tiếng trực tiếp càng làm lộ rõ điểm yếu của diễn viên.

Dĩ nhiên dòng phim teen chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu nên không tránh khỏi những yếu kém chung của phim truyền hình Việt hiện nay. Song nếu các nhà làm phim thi nhau khai thác đề tài teen chỉ vì thỏa mãn nhu cầu của các nhà quảng cáo thì khán giả còn phải thất vọng dài dài.

Đua nhau nở rộ

Mở màn cho dòng phim dành cho thiếu nhi trong năm nay là 16 tập phim Cô bé phép thuật (Công ty Thiên Nam An sản xuất, phát trên HTV7 lúc 19 giờ thứ hai hằng tuần). Kế đến là Những thiên thần nhỏ. Trên HTV7 vào thứ tư, sáu, chủ nhật hằng tuần khán giả được xem Gia đình phép thuật (200 tập, Vifa và Chu Thị hợp tác). Đây cũng là dự án phim truyền hình dành cho thiếu nhi dài hơi nhất và tốn kém nhất (20 tỉ đồng) từ trước đến nay ở VN. Một dự án tiền tỉ khác vừa được công bố là Tia chớp nhỏ (Hãng phim Sơn An và Công ty Mặt Trời Nhỏ hợp tác) với kinh phí đầu tư 30 tỉ đồng cho 150 tập. Hãng Créa TV và TV Plus hợp tác làm phim Nhất quỷ nhì ma (kịch bản của Diêu Như Trang, dài 30 tập) với nội dung đề cao tình cảm thầy trò, dự kiến lên sóng vào khoảng tháng 12- 2009. Hãng BHD cũng có kế hoạch chuyển thể bộ sách dành cho tuổi teen Con gái láo (Đức). Ngoài dự án này, BHD còn có một dự án “đinh” trong năm nay là phim Những thiên thần áo trắng (40 tập) đang gấp rút ghi hình để kịp phát sóng vào hè này. Hãng TFS cũng có hai phim cho tuổi học trò là Bước nhảy thiên thần (90 phút) và Kẻ di trú. Đang chờ lên sóng còn có phim Mùa hè sôi động (30 tập, Hãng Hành Tinh Xanh sản xuất).

Ngay phim nhựa cũng sôi động không kém với các phim đã và sắp thực hiện như Nhóm hổ ngàn long sơn (VN hợp tác Singapore), Nụ hôn rực rỡ (BHD sản xuất) và Nhật ký Bạch Tuyết (Hãng Thiên Ngân sản xuất).

                                                                                                                Theo NLĐO

Các bài mới
Các bài đã đăng