Tạp chí Sông Hương -
Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng với báo Tiếng Dân
09:00 | 07/09/2016

“Thét Tiếng Dân giữa kinh thành Huế”, đó là lời của cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 7/1948) tại chiến khu Việt Bắc khi ngợi ca về 16 năm hoạt động sôi nổi, ắp đầy hào khí cách mạng của tờ báo Tiếng Dân.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng với báo Tiếng Dân

Vào thập kỷ 20 đến khoảng giữa thập kỷ 30 của thế kỷ XX, cả nước ta lúc đó có khoảng 150 tờ báo, tạp chí, tập san. Nhưng phần lớn các ấn phẩm đó nằm ở Nam kỳ, Bắc Kỳ, còn ở miền Trung, kể cả cố đô Huế, báo chí tiếng Việt xuất bản rất muộn. Mãi đến ngày 10/8/1927, tại Huế mới có tờ báo tiếng Việt đầu tiên, đó là tờ Tiếng Dân do chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) sáng lập làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng được coi là một trong “tứ hổ” của xứ Quảng. Ba người kia là Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiếu và Phạm Liệu. Cụ Huỳnh lấy bằng Hoàng giáp năm 1904, nhưng ông không chịu ra làm quan dưới triều Nguyễn, mà nung nấu trong trái tim mình con đường cách mạng yêu nước, thương dân. Bởi thế ông đã cùng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp đồng tâm, hiệp lực nhằm thúc đẩy phong trào Duy Tân, tập trung vào việc chống thuế một cách quyết liệt, nhằm giảm sưu cao, thuế nặng cho đồng bào nghèo khổ…

Để phục vụ phong trào cách mạng, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sau thời gian suy nghĩ, nung nấu về lợi thế của truyền thông, liền tổ chức ra tờ báo Tiếng Dân, lấy báo chí làm phương tiện đấu tranh, vũ khí lợi hại để phục vụ quảng đại quần chúng, nhất là người lao động bị áp bức, bóc lột.

Chính vì mục đích, tôn chỉ đúng đắn, hợp thời thế, thời cuộc, báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng nhận được sự hợp tác của nhiều cây bút danh tiếng như Sào Nam hay Việt Điểu (tức Phan Bội Châu), Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh, Lạc Nhân (Nguyễn Quý Hương)… Theo chí sĩ họ Huỳnh “Dân là đầu mối của nước, báo này mang tên Tiếng Dân vì trong thực tế phải nhờ đến báo chí thì tiếng nói của dân mới bộc lộ ra được”. Đó chính là tuyên ngôn do ông viết trong số báo ra ngày 13/8/1927. Trước đó, trong lời phi lộ của số báo ra đầu tiên, ngày 10/8/1927, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.

Báo Tiếng Dân ra đời lập tức và kiên quyết phản đối cường quyền che đậy công lý, vạch mặt tất cả bọn xu thời, bọn quan lại sâu mọt, bọn cường hào đục khoét nhân dân. Báo Tiếng Dân ra đời, đến với quảng đại quần chúng chưa được bao lâu đã thể hiện được bản lĩnh của một tờ báo vì dân, cho dân; trong lúc chí sĩ họ Huỳnh từ chối cổ động cho phong trào thể thao Cucouroy nhằm ru ngủ, mê hoặc thanh niên, cũng không hưởng ứng sự cổ súy truyện Kiều theo cách xuyên tạc mang ý đồ xấu của viên mật thám Trung Kỳ tên là Sogny, mà hắn vẫn làm mưa làm gió thời ấy ở miền Trung.

Run sợ trước tác dụng to lớn, có hiệu quả của báo Tiếng Dân, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa tờ báo vào ngày 28/4/1943. Quả là chữ tài đi với chữ tai một vần. Như vậy, báo Tiếng Dân hoạt động được 16 năm, hay là ngót 5.900 ngày (1927-1943). Ngót 16 năm trường, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng kiên trì đấu tranh chống văn hóa nô dịch của ngoại bang.

Còn nhớ, khi báo Tiếng Dân ra đời, cụ Phan Bội Châu có bài viết chúc mừng, ký bút danh Việt Điểu với nhan đề “Việt điểu sào nam chi” (nghĩa là chim Việt làm tổ ở cành Nam). Đoạn cuối của bài viết “Người xưa có câu “Tam niêm bất minh, nhất minh kính nhân” – nghĩa là ba năm không gáy, mà nay một tiếng thời thiên hạ phải kinh. Dân nước ta đã mấy nghìn năm câm, bây giờ mới nói, việc đó thật đáng mừng không biết bao nhiêu mà đáng lo cũng không biết bao nhiêu. Mừng là mừng tâm phế dân ta đã có nơi hoạt động, Lo là lo tâm phế của dân ta chưa được hoàn toàn… Tôi xin các anh em, các chị em từ đây về sau gấp nhất là bổ tâm phế. Muốn bổ tâm thời cần nhất là đạo đức, muốn bổ phế thời cần thứ nhất là thực nghiệp… Dân ta lo trau dồi về đạo đức, đạo đức đầy đủ thời nhiệt thành bền chắc mà tâm huyết không bao giờ khô. Dân ta lo trau dồi về thực nghiệp, thực nghiệp đầy đủ rồi khi ăn mặc no ấm mà khí phế không bao giờ kiệt”.

Tờ báo Tiếng Dân tồn tại 16 năm dưới nanh vuốt của thực dân đã là một thành công, một hạnh phúc kỳ vỹ.

“Tâm sáng, bút sắc” đã trở thành châm ngôn của dòng báo chí yêu nước những năm 20 và đầu 30 của thế kỷ trước mà báo Tiếng Dân là tiêu biểu. Dù tờ báo đã thuộc về quá khứ nhiều thập kỷ, nhưng mục đích, tôn chỉ và sự cống hiến của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn giữ được tính thời sự, vẫn bổ ích đối với người làm báo hôm nay và mai sau.

Theo Nguyễn Xuân Lương (congluan.vn)

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng