Thấy ở VN có tục khấn tổ nghiệp trước đêm diễn, các nghệ sĩ phương Tây cũng thành kính mỗi người một cây nhang khấn vái trước bàn thờ tổ. Sau đó, ngày nào họ cũng nghiêm túc tập đi tập lại trước mỗi suất diễn dù Romeo và Juliet là vở họ đã diễn hàng trăm suất tại hàng chục nước trên thế giới. Các diễn viên cứ rảnh phút nào là tự “nhai lại” những lời thoại đã nằm lòng từ lâu.
Trước mỗi cảnh diễn, họ luôn khởi động trước từ trong cánh gà những biến hóa của nét mặt, điệu bộ hình thể hoặc tâm trạng của nhân vật để vài phút sau bước ra sân khấu trong một trạng thái diễn nhập tâm nhất. Giờ giải lao cũng là lúc họ tranh thủ chạy lại vài lớp diễn. Dường như khi đã khoác lên người bộ trang phục diễn, họ không cho phép mình bứt ra khỏi nhân vật một phút nào. Họ giải thích đơn giản: “Đó là cách chúng tôi giữ cảm xúc để yêu công việc của mình và tôn trọng khán giả, tôn trọng Shakespeare!”.
2. Chuyện xảy ra cũng mới đây thôi ở sân khấu 5B với vở kịch hợp tác Việt - Hàn Kẻ nói dối đa tình. Ý tưởng dựng một vở kịch Việt - Hàn bắt đầu được diễn viên Ngọc Trinh triển khai từ tháng 12-2008. Nhưng mãi đến ngày 24-5-2009 vở mới chính thức được ra mắt khán giả sau hai lần phúc khảo với hai bản dựng. Trong khoảng thời gian bảy tháng ròng rã, bà bầu Ngọc Trinh buộc phải thay đổi 25 diễn viên cho một vở kịch có tám vai diễn, thậm chí thay đổi luôn cả đạo diễn và tiếp tục điệp khúc: “tập - chờ”.
Lý do muôn thuở vẫn là các diễn viên bận chạy show đóng phim, quay quảng cáo, làm MC, quay video ca nhạc, lưu diễn nước ngoài... nên không đảm bảo được thời gian, đành trả vai. Đến nỗi có dạo Ngọc Trinh phát hoảng mỗi lần có điện thoại của bất cứ diễn viên nào trong vở gọi đến. Lần đầu tiên làm bầu, có lẽ Ngọc Trinh cũng đã dần thấm thía nỗi khổ bấy lâu của bầu Minh Nguyệt khi làm Cánh đồng bất tận, bầu Hồng Vân ở kịch Phú Nhuận, bầu Tuấn ở Idecaf, bầu Hữu Lộc ở Nụ Cười Mới…
3. Và chuyện xảy ra cách đây gần ba năm trong một vở kịch trên sân khấu Idecaf, vở Những con ma nhà hát. Nội dung vở kế về chuyện một nhà hát mà các nghệ sĩ tài năng đã chuyển sang tấu hài, đóng phim hoặc hăm hở kiếm tiền bằng cách… thi game show, đến khi trở về sân khấu chỉ còn là những “cái xác không hồn”. Vở kịch được xem như một “bản kiểm điểm” của chính những nghệ sĩ sân khấu khi đó để tự răn mình. Tuy nhiên ba năm sau lời tự răn ấy, đạo diễn và bầu sô vẫn phải dài cổ đợi diễn viên - những gương mặt vẫn phờ phạc trở về sau những cuộc chạy show bấn loạn. Những anh nhắc tuồng lại tất bật hơn vì chẳng diễn viên nào thuộc thoại. Khán giả tiếp tục ngao ngán vì lâu thật lâu mới xem được một vở chỉn chu.
Các nghệ sĩ nước ngoài sang ta biểu diễn trong vòng một tuần. Sẽ là khập khiễng nếu vội so sánh tài năng của nghệ sĩ Tây và nghệ sĩ ta. Nhưng nếu xét về tình yêu sân khấu hồn nhiên và độ nghiêm túc với nghề, họ đã hơn ta một bậc. Diễn viên Rachel Lynes của đoàn TNT tâm sự: “Tôi muốn được diễn thật nhiều khi còn trẻ và còn đủ sức khỏe. Tôi yêu quý từng phút giây mình được đứng trên sân khấu, mặc những bộ đồ này, nói những câu trong tập sách kia và nhìn xuống thấy đầy ắp khán giả”. Còn các nghệ sĩ ta thì tranh thủ lúc còn trẻ, còn nhan sắc chấp nhận trả vai trên sân khấu để còn thời gian đi kiếm tiền ở những nơi khác dễ dàng hơn hoặc rảnh rang đóng phim truyền hình. Nghệ sĩ mình cứ mở miệng ra là bảo: “Sân khấu là niềm đam mê của tôi” nhưng giờ đây chút tình yêu sân khấu còn lại trong nhà hát cũ kỹ chỉ là những vai diễn vội vàng, vá víu.
Theo TT |