Một trong những nội dung nóng lên trong phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi bổ sung tại kỳ họp quốc hội lần này là việc nên hay không nên để các đài truyền hình thẩm định cấp phép phát sóng phim truyền hình và đề nghị đưa việc thẩm định cấp phép về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH- TT và DL) để quản lý thống nhất.
Quản lý phim truyền hình còn nhiều bất cập
Mặc dù dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Điện ảnh không đề cập việc chuyển trách nhiệm quản lý phim phát sóng trên các đài truyền hình về cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về hoạt động điện ảnh là Bộ VH-TT và DL nhưng vấn đề quản lý nội dung phim truyền hình trở thành điểm nóng thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội.
Bởi thực tế có không ít phim truyền hình phát sóng trên các đài truyền hình thời gian qua có nội dung không phù hợp; nhiều phim sản xuất trong nước có chất lượng kém, chạy theo thương mại gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Trong phiên thảo luận về dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh cuối tuần qua tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng hiện nay, người dân kêu ca nhiều về nội dung phim phát sóng trên truyền hình, có nhiều phim mang tính chất bạo lực, hình ảnh chiếu không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, khi chiếu phim rồi và nhận được sự phản hồi của khán giả, các đài mới kiểm tra.
Chính vì việc quản lý nội dung phim trên truyền hình hiện còn nhiều bất cập nên Bộ VH-TT và DL phải có trách nhiệm quản lý Nhà nước về văn hóa khi phim truyện trong nước và nước ngoài phát trên truyền hình. Cũng nhất trí với ông Đào, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng việc Bộ VH-TT và DL quản lý nội dung phim phát trên truyền hình là hợp lý nhưng sóng truyền hình thì lại giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông nên mới xảy ra tình trạng một số phim không được phép chiếu trên rạp nhưng lại được phát tự do trên truyền hình.
Từ đó, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đặt vấn đề: Phim phát sóng có nội dung vi phạm thì ai chịu trách nhiệm và đề nghị ban soạn thảo dự án luật cần xem xét vấn đề này. Trong báo cáo thẩm tra của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa Bộ VH-TT và DL là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về điện ảnh với Bộ Thông tin - Truyền thông và các cơ quan truyền hình trong công tác quản lý phim phổ biến trên truyền hình.
Mỗi nơi duyệt một kiểu
Luật Điện ảnh hiện hành quy định, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT và DL) thành lập hội đồng thẩm định và cấp phép phổ biến phim tại các rạp cũng như hệ thống video gia đình, còn người đứng đầu đài truyền hình, phát thanh- truyền hình quyết định tổ chức hội đồng thẩm định và chịu trách nhiệm việc phát sóng phim trên đài truyền hình của mình.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, việc thực hiện quy định trên đang gặp một số vướng mắc do các hội đồng duyệt phim có cách nhìn nhận khác nhau. Trên thực tế không có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá, dẫn tới tình trạng có những phim nhập về không được Bộ VH-TT và DL cấp phép công chiếu ra rạp hoặc phát hành qua hệ thống video gia đình nhưng lại được phát sóng trên một số đài truyền hình, thậm chí có những cảnh bị hội đồng duyệt quốc gia của Bộ VH-TT và DL cắt nhưng vẫn được chiếu rộng rãi trên truyền hình.
Ngược lại, có những phim đã phát sóng truyền hình trong nước nhưng khi phát hành ra hệ thống video gia đình phải qua duyệt lại của hội đồng duyệt Bộ VH-TT và DL để được cấp phép phổ biến và dán nhãn hợp pháp. Do chưa có một tiêu chí chung rõ ràng, hợp lý nên ngoại trừ một số nội dung vi phạm các điều cấm trong Luật Điện ảnh và Luật Báo chí, các hội đồng duyệt thường thẩm định bằng kinh nghiệm, hiểu biết và cảm tính.
Đề nghị phi lý?
Trong khi đại biểu Quốc hội nghiêm túc đặt vấn đề thống nhất quản lý nội dung phim truyền hình thì những người trong cuộc lại cho rằng yêu cầu này không khả thi. Ông Đỗ Văn Hồng, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, cho rằng việc Bộ VH-TT và DL lập hội đồng duyệt phim truyền hình là sự “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được.
Ông Vũ Ngọc Minh, Phó Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội, cũng đồng ý với quan điểm này và cho rằng đó là một đề nghị phi lý. Ông Minh phân tích Luật Báo chí đã quy định rõ, tất cả các chương trình phát sóng của đài truyền hình, lãnh đạo đài phải chịu trách nhiệm, vậy thì cần thêm một hội đồng duyệt phim của Bộ VH-TT và DL nữa làm gì hay chỉ để chồng chéo, giẫm chân nhau?
Đó là chưa kể Bộ VH-TT và DL lấy đâu ra nhân lực để duyệt hàng trăm ngàn tập phim của tất cả các đài trên cả nước? Cả nước hiện có 65 đài truyền hình, mỗi đài phát sóng khoảng 10 giờ phim/ngày, vậy thì các hội đồng phải có bao nhiêu người và cho dù tất cả đều làm việc 24/24 giờ thì liệu có duyệt hết được nội dung phim để kịp lịch phát sóng của các đài hay không?
Hàng trăm ngàn tập phim phát sóng mỗi năm
Ông Vũ Ngọc Minh cho biết Đài PT- TH Hà Nội phát sóng 4 giờ phim/ngày, tính ra một năm cần khoảng 2.000 tập phim phát sóng. Nhiều đài PT-TH địa phương khác do điều kiện tự sản xuất chương trình hạn chế nên thời lượng phát sóng phim truyện lên đến 8 giờ/ngày. Nếu nhân lên với 63 tỉnh, thành và 2 đài trung ương sẽ cho ra một con số là hàng trăm ngàn tập phim/năm. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải tính toán, chỉ riêng hai kênh VTV1 và VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, mỗi năm đã cần khoảng 700 tập phim sản xuất trong nước mới đủ phát sóng trên giờ vàng. Nếu tính phim chiếu ở tất cả các kênh truyền hình, kể cả truyền hình cáp thì sẽ cho ra một con số khổng lồ.
|
Theo NLĐO |