Tạp chí Sông Hương -
Những nghệ sĩ không “thuộc bài” trên sân khấu!
09:31 | 27/05/2009
Có một thời gian, tình trạng nhắc tuồng phổ biến trong các show diễn cải lương đã làm người hâm mộ rất bức xúc và đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải chấn chỉnh ý thức của những người làm nghề chuyên nghiệp.
Những nghệ sĩ không “thuộc bài” trên sân khấu!
Nhắc tuồng trong một buổi tập

Những nhà quản lý, những người có trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật này cũng hứa hẹn đầy quyết tâm sẽ cải thiện tình hình. Thế nhưng thời gian qua “bệnh nhắc tuồng” hầu như không thuyên giảm mà còn có xu hướng trầm trọng hơn.

Nhắc tuồng từ A-Z

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sân khấu cải lương từ thập niên 60 thế kỷ 20 thì “nghề” nhắc tuồng cũng ra đời và nhanh chóng trở thành một bộ phận “hữu cơ” của sân khấu cải lương, nó hỗ trợ cho nghệ sĩ hoàn thành tốt vai diễn của mình. Thế nhưng từ việc chỉ nhắc mồi vài chữ đầu khi nghệ sĩ bất chợt quên tuồng thì bây giờ nhắc tuồng là nhắc từ A đến Z, nhắc từng chữ một cả ca lẫn thoại. Từ việc chỉ cần nhắc một, hai suất hát đầu khi nghệ sĩ chưa thật “thấm” thì bây giờ hầu như nghệ sĩ bước ra sân khấu là phải có nhắc tuồng. Nhắc tuồng thời nay hiện đại và tinh vi với sự hỗ trợ của máy nhắc tuồng (một dạng máy bộ đàm mini).

Có người nói vui rằng: “Hễ ở đâu có hát cải lương là ở đó nghe tiếng nhắc tuồng”. Thật vậy, ở bất cứ chương trình sân khấu cải lương nào từ nhỏ tới lớn, từ ít sao tới nhiều sao, từ tổng hợp các trích đoạn, đến diễn nguyên tuồng, từ chương trình của nghệ sĩ trẻ đến những ngôi sao gạo cội... thì tiếng nhắc tuồng vẫn vô tư vang lên “hào sảng”, mà khán giả ngồi tận cuối rạp vẫn còn nghe rõ.

Có mặt trong những buổi tập tuồng chuẩn bị cho các đêm diễn mới thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của người nhắc tuồng. Nghệ sĩ, kể cả những ngôi sao lớn không có mặt thì việc tập tuồng vẫn có thể tiến hành, nhưng người nhắc tuồng vắng bóng thì tất cả phải nghỉ. Trong buổi tập chương trình của nghệ sĩ B.T, các nghệ sĩ đã có mặt đầy đủ nhưng vẫn phải ngồi chơi vì người nhắc tuồng “kẹt show”. Mà cũng không thể tìm ai nhắc thế khi chỉ có người nhắc tuồng mới nắm được những chỉnh sửa của đạo diễn trước đó. Thêm vào đó, rất ít nghệ sĩ quan tâm đến việc học thuộc tuồng mà cứ “khoán trắng” cho nhắc tuồng. Đây cũng là thực trạng phổ biến của nghệ sĩ hiện nay.

Trong chuyên đề sân khấu của một ngôi sao lớn thay vì hết mình trong ca diễn anh cứ loay hoay chỉnh sửa micro và máy nhắc tuồng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến những lớp diễn rất hay mà anh hứa hẹn mang đến cho khán giả. Trong chương trình của nghệ sĩ B.T thì cả 3 nghệ sĩ khách mời trong một tiết mục đã chấp nhận để “chết” sân khấu mé trái khi chỉ quanh quẩn bên phía cánh gà bên phải chứ không dám “mạo hiểm” đi xa người nhắc tuồng. Còn trong chương trình Làn điệu phương Nam tổ chức tại Nhà hát TP.HCM đầu tháng 5 vừa qua, một nam nghệ sĩ trong vai Bao Công làm khán giả không khỏi lắc đầu ngao ngán khi hầu như không thuộc lời, ca sai lời và nhiều lúc chỉ nghe như tiếng “ậm ừ” làm mất hẳn cái hay của vai diễn và tiết mục...

Ý thức nghệ sĩ ở đâu?
 
Khán giả phàn nàn về tình trạng lạm dụng nhắc tuồng, thì nghệ sĩ cũng có những lý do biện giải cho việc không thuộc tuồng: phải chạy show để đảm bảo cuộc sống nên không còn thời gian học tuồng, thời gian tập tuồng ít, các suất diễn quá thất thường (một vở diễn chỉ hát được một, hai suất rồi cất đến 3- 4 tháng sau mới đem ra hát lại thì việc chưa kịp thuộc tuồng, quên tuồng cũng là dễ hiểu)... Chưa kể những chương trình “chỉ một suất duy nhất” nở rộ trong thời gian qua. Đây là những chuyên đề sân khấu cá nhân (mini show) của các nghệ sĩ, chủ yếu là tập hợp nhiều ngôi sao, lắp ráp các trích đoạn rồi đem lên diễn để “kỷ niệm”, để “tri ân” khán giả là chủ yếu. Những chương trình kiểu này việc tập tuồng chỉ chiếu lệ trong vài ba ngày ngắn ngủi. Có những tiết mục chỉ ráp 1 lần cho nghệ sĩ nắm đường dây là xong, khi lên diễn hoàn toàn dựa vào bản lĩnh sân khấu của nghệ sĩ cùng sự hỗ trợ đắc lực của người nhắc tuồng. Vậy mà đây lại là những chương trình có vẻ “ăn nên làm ra” nhất.

Vấn đề nan giải là chúng ta không thể đưa ra một biện pháp chế tài cụ thể nào để chấn chỉnh “nạn nhắc tuồng lộ liễu” mà chỉ hoàn toàn trông cậy vào ý thức của người nghệ sĩ. Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là không chỉ những nghệ sĩ lớn tuổi vì lý do tuổi tác, sức khỏe, học tuồng khó vô mà nhiều nghệ sĩ trẻ, khỏe cũng không có ý thức học tuồng. Nhóm Thắp sáng niềm tin (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) vốn rất nghiêm túc, các suất diễn của nhóm hầu như không có tiếng nhắc tuồng, vậy mà thời gian gần đây đã có những biểu hiện đáng tiếc. Vở diễn mới của nhóm cận ngày phúc khảo mà khá nhiều nghệ sĩ vẫn chưa thuộc tuồng, dù các lớp diễn khá ngắn. Đến nỗi ông Hoàng Song Việt, trưởng nhóm, phải ra “thiết quân luật”: chỉ cho nhắc trong ngày công diễn còn đến suất thứ hai, các nghệ sĩ tự mà lo liệu vì sẽ không có nhắc tuồng nữa.

Một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm nghệ sĩ lơ là học tuồng chính là sự dễ dãi của khán giả. Một người đã gắn bó lâu năm với sân khấu cải lương cho biết: “Thời trước, đêm diễn nào chỉ cần khán giả nghe một tiếng nhắc tuồng nhỏ thôi là đã thất bại và bị phản ứng ngay. Còn khán giả bây giờ dễ quá!”. Đại bộ phận khán giả dù không hài lòng cũng chỉ biết thở dài rồi cũng dần chấp nhận tiếng nhắc tuồng mặc nhiên như một phần của đêm diễn. Có thể nói sự dễ dãi của khán giả cũng đã góp phần vào sự “phổ biến”của nhắc tuồng hiện nay.

                                                                                                                 Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng