Tạp chí Sông Hương -
Về "sự cố" phim "Những ngày hè xanh": Chấp nhận "vớt sâu ra khỏi nồi canh"
14:29 | 28/05/2009
Lượng khán giả phim truyền hình đông gấp nhiều lần lượng khán giả ra rạp xem phim - có lẽ đây là điều mà những người đang được giao nhiệm vụ quản lý phim ảnh, những người làm phim ở ta không nên quên,...
Về
Diễn viên Việt Trinh- ngôi sao của phim ảnh Việt những năm chín mươi thế kỷ trước. Ảnh: H.P.T

"Không có gì nghiêm trọng"

"Không có gì nghiêm trọng!" - ông Nguyễn Anh Xuân - Trưởng phòng Khai thác phim truyện - Đài Truyền hình (ĐTH) TPHCM nói với phóng viên Báo Lao Động sáng 27.5 về "sự cố" phim "Những ngày hè xanh" (Lasta sản xuất, biên kịch Hoàng Anh-Lê Hoàng-Hoàng Mai-Hồng Anh-Nhật Đăng San, biên tập: Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, ĐD: Xuân Phước, 28 tập, phát sóng từ 20.5 trên HTV7 từ 21 giờ 30). Sau cuộc họp chiều 27.5, ĐTH TPHCM quyết định: 23 tập tiếp theo (6-28) của NNHX vẫn được tiếp tục chiếu.

Sáng 27.5, trao đổi với chúng tôi, ĐD Xuân Phước cho biết: Lý ra kịch bản phim nên được chuyển cho Thành đoàn TPHCM xem trước. Cán bộ phụ trách phong trào "Mùa hè xanh" của Thành đoàn TPHCM cũng có góp một số ý cho đoàn làm phim. Khán giả trẻ TPHCM phản ứng về phim chủ yếu vì 5 tập đầu là năm tập dẫn truyện (chiếu từ 20-24.5) nhấn quá nhiều vào các trường hợp cá biệt-một số bạn trẻ tham gia phong trào không vì mục tiêu lý tưởng cao đẹp mà vì một vài động cơ như ham vui, vì muốn thoát khỏi sự kiểm tra của bố mẹ, vì muốn làm lãnh đạo, vì sự thực dụng...

Tối 25.5, sau khi dư luận lên tiếng, đại diện lãnh đạo Thành đoàn TPHCM đã xem những tập tiếp theo của phim và ghi nhận: Phim "vào guồng", nói đúng những điều ý nghĩa của phong trào MHX.

Gọi những chi tiết "hơi gợn" gây phản ứng khán giả của "Những ngày hè xanh" là "con sâu", dưới góc độ hành nghề, không tự ái, ĐD Xuân Phước chấp nhận "vớt ra khỏi nồi canh"-cắt bỏ, vì, theo ý kiến góp ý của cán bộ thành đoàn "đó là những chi tiết mang tính cá nhân, không điển hình, không mang tính tuyên truyền tốt đẹp cho một phong trào tốt đẹp của thanh niên hiện nay".

Chuyển thể hiện thực

Nói về những người trẻ, phong trào thanh niên đóng góp dựng xây tổ quốc, phim ảnh TPHCM 18 năm về trước có "Ngọc trong đá" (phim nhựa, Hãng phim Trẻ thực hiện đầu 1991). Điều thuận lợi đối với ĐD Trần Cảnh Đôn khi làm phim là có cốt nền vững chãi-kịch bản do chính tác giả "Ngọc trong đá" - nhà văn Nguyễn Đông Thức-một người cũng từng là thanh niên xung phong, chuyển thể.

"Ngọc trong đá" "viết về cả một thời và được cả một thời tìm đọc. Là câu chuyện về một thế hệ biết nghĩ, dám làm, chấp nhận, lặng lẽ mang lại hạnh phúc cho một người thân hay cả một cộng đồng". Với "Những ngày hè xanh", 4/5 tác giả kịch bản là những người trẻ, chính họ cũng đã từng tham gia "Mùa hè xanh", và họ cho biết, những chuyện trong kịch bản là có thật...

Còn nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Lao Động (2004), nhà văn-biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: "Blouse trắng" - một câu chuyện "phơi bày" gan ruột tiêu cực ở bệnh viện (TFS sản xuất, giải Cánh diều bạc - Hội Điện ảnh VN 2002) cũng từng bị giám đốc một bệnh viện lớn ở TPHCM kiện lên tới Ban VH-TT Trung ương vì cho rằng phim đã xúc phạm ngành y.

Sau một hai lần phim chiếu trên ĐTH TPHCM, khán giả ủng hộ phim; thậm chí những người làm phim đã được thông báo từ một số bệnh viện: Một số chính sách ở một số bệnh viện của TPHCM đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Rút kinh nghiệm, vài năm sau này, một hai đạo diễn khi làm phim về ngành y (Nữ bác sĩ, Gia tài bác sĩ), ngoài chuyện đưa kịch bản nhờ các bác sĩ tư vấn chuyên môn, đạo diễn còn đề nghị diễn viên phải đi thực tế ở bệnh viện...

Vấn đề là, những chi tiết thật của đời sống được đưa vào phim ảnh với liều lượng ra sao để không bị các cơ quan quản lý phim ảnh buộc phải cắt bỏ, không bị khán giả phản ứng, chê bai là "Phim nói chuyện trên trời", hay "Phim bôi đen hiện thực", không phản cảm, gây khó chịu cho người xem? Đó là tài của những người làm phim!

                                                                                                                   Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng