Cuộc đấu giá nói trên, bắt đầu hôm 26/5 qua tại hãng Neret-Minet Tessier, đã đi ngược lại ý nguyện của Marcel Marceau bởi theo người cựu trợ lý Valerie Bochenek, Vua kịch câm từng bày tỏ mong muốn chính phủ Pháp gìn giữ những kỷ vật này và biến ngôi nhà của ông thành một không gian văn hóa cho các đoàn nghệ thuật trên khắp thế giới. Bà Bochenek nói: “Một người đã giương cao lá cờ Pháp trên khắp thế giới trong suốt 60 năm thì các di sản của ông phải được bảo tồn”.
“Nỗi buồn xé lòng”
Cùng với nhiều người hâm mộ , Bochenek đã lập một chiến dịch quyên góp để có thể mua lại càng nhiều càng tốt các kỷ vật của Marceau với mục đích trưng bày chúng trong bảo tàng. Kết quả là họ đã giành được những kỷ vật như chiếc mũ nổi tiếng gắn một bông hoa đỏ cùng chiếc áo có kẻ sọc và quần trắng...
“Những vật dụng quan trọng nhất là các kỷ vật cá nhân của ông như chiếc mũ, những bộ trang phục và thậm chí cả một thư viện sách về nghệ thuật kịch câm”, bà Bochenek cho biết.
Trong số các vật dụng bị đưa ra đấu giá còn có nhiều mặt nạ Nhật Bản, đồ nội thất cổ, bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân, ảnh Marceau chụp cùng nhiều nhân vật nổi tiếng như Vua pop Micheal Jackson hay cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, bức chân dung tự họa vẽ bằng mực trên giấy...
Chẳng ai muốn phải xa rời kỷ vật của người thân khi họ đã khuất. Gia đình Marceau cũng vậy. Họ từng hy vọng biến ngôi nhà đầy những đồ lưu niệm của ông tại Bercheres-sur-Vesgre, thị trấn ở phía Tây Paris, thành một bảo tàng. Nhưng do Vua kịch câm nợ nần quá nhiều nên họ cũng phải đành lòng bán chúng đi. “Cuộc đấu giá này thực sự là một nỗi buồn xé lòng. Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách để nó không diễn ra nhưng chẳng có kết quả gì” - Camille, con gái của ông, cho biết. Thế nhưng, chuyên gia nghệ thuật Morgane Communal tuyên bố người hâm mộ Marceau không nên quá buồn phiền: “Thực sự họ không cần phải hổ thẹn bởi cuộc đấu giá này, vì chính phủ Pháp đã mua một số thứ, qua đó những người hâm mộ vẫn có có cơ hội được chiêm ngưỡng những kỷ vật của Marceau trong các bảo tàng. Ông sẽ không bao giờ bị lãng quên”.
Sân khấu là lẽ sống
Marcel Marceau là người Pháp gốc Do Thái. Tên thật là Marcel Mangel, ông sinh năm 1923 tại
Strasbourg
. Cha ông mất trong một trại tập trung của phát xít Đức. Thời Thế chiến II, ông tham gia phong trào kháng chiến. Khi chiến tranh kết thúc, Marceau đã làm sống lại nghệ thuật kịch câm - niềm đam mê mà ông theo đuổi trong hơn nửa thế kỷ - và trở thành gương mặt nổi tiếng của sân khấu thế giới. Sau khi “tung hoành” tại Pháp và châu Âu vào nửa cuối thập niên 1940, Marceau và các cộng sự của mình bắt đầu chinh phục thế giới với chuyến lưu diễn hết sức thành công ở Mỹ trong những năm 1950. Sau đấy, Vua kịch câm tiếp tục chu du qua 62 nước, trong đó có Việt , cho đến năm 2006. Ở Việt , Marceau thực sự đã gây một cơn sốt kịch câm hồi cuối thập niên 1960 và đầu 1970. Lưu Quang Vũ từng viết về ông: Anh có nhớ con người đùa bỡn với cái mặt nạ cười rồi không sao cởi được đau đớn mệt nhoài kiệt sức tuyệt vọng ôm vai, cái mặt vẫn cười.
Đáng tiếc là ở những năm cuối đời, Vua kịch câm đã ngập trong nợ nần khi dồn hết tiền bạc cho các dự án sân khấu của mình. Với những đóng góp to lớn cho nghệ thuật kịch câm, ông đã được chính phủ Pháp tôn vinh với Huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Sau khi qua đời vào năm 2007, thi hài ông được chôn cất tại nghĩa trang Pere Lachaise ở
Paris
.
Theo TT&VH |