Nếu đem so sánh với các nhà văn được giải Nobel Văn học trên thế giới, số đầu sách của Churchill khá "khiêm tốn", có thể đếm trên đầu ngón tay: "Dòng chảy của chiến tranh", "Từ London tới Ladysmith qua Pretoria", "Cuộc hành quân của Ian Hamilton", "Hồi ức về cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai" và "Ngài Randolph Churchill". Ngoại trừ "Ngài Randolph Churchill" là cuốn tiểu sử hai tập về người cha, tất cả các cuốn sách còn lại của Churchill đều viết về chiến tranh - những cuộc chiến tranh ông đã từng có mặt, khi là một người lính, khi một phóng viên, khi là Bộ trưởng và cả khi là Thủ tướng.
Có thể nhìn nhận một cách khái quát: Churchill là người sinh ra trong hòa bình và trưởng thành trong chiến tranh. Chiến tranh đã tạo cơ hội cho ông trở thành một huyền thoại, một chính khách, một tác gia và chủ nhân của giải thưởng cao quý. 91 năm hiện diện trên cõi đời, Churchill đã từng tham gia vào hầu hết các cuộc chiến tranh mà nước Anh là một thành viên: chiến tranh Anh - Boer, chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Thật hiếm có nhà văn nào có "thâm niên" chiến tranh nhiều như Churchill. Từ những cuộc chiến tranh này, những bài báo, những cuốn hồi ký "khốc liệt đến từng centimet" đã ra đời, nhờ đó mà Churchill trở thành tâm điểm của sự chú ý một thời, một nghị sĩ Quốc hội khi mới ở độ tuổi đôi mươi, một tác gia có những ấn phẩm đắt giá, một nhà diễn thuyết tài ba đắt "show" nhất mọi thời đại! Ông còn được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel cho cuốn "Hồi ký về Chiến tranh thế giới lần thứ hai" vào năm 1953.
Churchill là người không có năng khiếu bẩm sinh về văn học. Ông đến với nghề viết tương đối muộn và rất lạ. Nếu tính từ thuở mới cắp sách đến trường, đến khi tốt nghiệp đại học, Churchill đều học rất tồi. Ông học kém tới mức, chưa bao giờ vượt qua nổi bất cứ một kỳ thi nào. Chuyện kể rằng, trong bài thi môn tiếng Latinh vào trường Harrow - một trường nội trú ở địa phương, Churchill chỉ viết được mỗi tước vị, tên của mình và con số 1 rồi nộp bài. Nhưng vì rất nhiều lý do "tế nhị", Churchill vẫn được đặc cách nhận vào trường.
Churchill thường xuyên bị phạt vì làm bài không tốt và hay nghịch ngợm. Ông không thể học được các môn lý thuyết và luôn bướng bỉnh từ chối không học các môn kinh điển như tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp cổ, tiếng Pháp... Tuy nhiên, đối với môn đánh kiếm, Churchill đã từng đoạt giải vô địch cấp trường. Việc thi đại học của Churchill cũng vô cùng trầy trật. Phải đến lần thi thứ tư ông mới đỗ vào Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhust. Nhưng ngay cả ở ngôi trường này, thành tích học tập của Churchill vẫn luôn "đội sổ". Cho đến tận khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, Churchill mới phát hiện ra mình chưa hề học được gì cả. Dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy, cha mẹ ông cũng không thể nào tưởng tượng được một Churchill "đần độn và vô tích sự" (cách nói của ông bố) sau này lại có thể trở thành Bộ trưởng của nhiều Bộ. Càng không thể ngờ rằng ông lại còn là một nhà văn tầm cỡ thế giới!
Quân sự là môn khoa học duy nhất Churchill say mê khám phá. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự, ông gia nhập quân đội với quân hàm Trung úy, thuộc biên chế của Trung đoàn bộ binh hạng nhẹ, đóng quân ở Bangaore, Ấn Độ. Thời gian khoảng ba năm đóng quân tại Bangaore, Churchill đã "tỉnh ngộ" và một "trang đời mới" được bắt đầu. Anh chàng Churchill lười học và "vô tích sự" ngày nào bỗng hạ quyết tâm sẽ "làm chủ vận mệnh cuộc đời mình", bắt đầu bằng việc đọc sách. Ông viết thư về nhà đề nghị bà mẹ gửi sang các sách về địa lý, lịch sử, triết học, kinh tế... Các tác phẩm triết học của Platon, các tác phẩm văn học của Shakespear, các tác phẩm lịch sử cổ đại... lần lượt được Churchill nghiên cứu một cách nghiêm túc. Nhờ đó, ông đã có một "phông" kiến thức tương đối đầy đủ và bắt đầu tập viết báo, viết văn.
Winston Churchill chỉ thực sự "dấn thân" vào khói lửa của cuộc chiến tranh khi nhận được sự ủy quyền của tờ Daily Graphic, đến Cu Ba để phản ánh cuộc chiến đấu của người dân nơi đây chống lại thực dân Tây Ban Nha. Tiếp đến, qua mối quen biết của mẹ với Bindon Blood - người chỉ huy chiến dịch Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ, Churchill được điều động đến Thổ Nhĩ Kỳ, vì thế có cơ hội viết những phóng sự chiến tranh cho tờ The Pioneer và The Daily Telegraph, với nhuận bút 5 bảng Anh một bài. Sau khi chiến dịch Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc, ông đã viết xong cuốn sách đầu tiên để trình làng: "Câu chuyện của lực lương hành quân Malakand".
Lại vẫn qua mối quen biết của bà mẹ với Thủ tướng Robert Gascoyne Cecil, Churchill được điều đến Sudan, làm phóng viên cho tờ Morning Post, với mức thù lao 15 bảng Anh một bài báo. Tại đây, ông đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trong trận
Omdurman
lịch sử. Từ những hồi ức khốc liệt của cuộc chiến tranh tại
, Churchill hoàn thành cuốn sách thứ hai: "Dòng chảy chiến tranh".
Cuộc chiến tranh Anh - Boer lần hai bùng nổ ở Nam Phi vào tháng 10/1899 đã thực sự biến Churchill thành một anh hùng huyền thoại. Với tư cách là phóng viên hợp đồng trong bốn tháng của tờ Morning Post, ông đã dũng cảm vượt qua bom đạn, bất chấp hiểm nguy, đi sâu vào vùng địch hậu để lấy tin. Trong một lần đi nhờ trên một chuyến tàu hỏa chở vũ khí của quân đội Anh, đoàn tàu này bị trúng mìn phục kích của người Boer, Churchill bị bắt làm tù binh, bị giam giữ ở nhà tù Pretoria. Bất chấp sự phản đối của đồng đội, Churchill dũng cảm vượt ngục.
Khi đã ở bên ngoài nhà tù
Pretoria
, để tránh sự kiểm soát của quân Boer, ông phải đi men theo những con đường nhỏ. Có lúc lại phải trốn trong những toa chở hàng của xe lửa hoặc dưới hầm mỏ...Tổng cộng, Churchill đã phải trốn chạy trên chặng đường dài 480 km để tới đất Bồ Đào Nha. Sau khi thoát chết, ông đã lần lượt kể lại hành trình vượt ngục ly kỳ, mạo hiểm của mình và cho đăng trên các báo chí nơi xa Tổ quốc. Tiếp đó, "chuyện vượt ngục" của Churchill lại được các phóng viên khác khai thác triệt để, biến ông trở thành một phóng viên huyền thoại, thành tâm điểm chói sáng của báo giới. Nhân dân toàn nước Anh háo hức dõi theo từng bài viết, từng bước chân của ông.
Năm 1890, khi trở về Tổ quốc, Churchill được nhân dân đón chào như một người anh hùng dân tộc. Có một số nhạc sĩ đã viết ca khúc về ông. Và ông đã dễ dàng trở thành nghị sĩ Quốc hội khi mới 26 tuổi.
Từ chiến trường trở về với tư cách một người anh hùng, Churchil lại có thêm một nghề mới: nghề diễn thuyết. Ngay sau khi trở thành nghị sĩ, thay vì tham gia cuộc họp khai mạc nghị viện, Churchill lên tàu diễn thuyết xuyên nước Anh và nước Mỹ, qua đó đã kiếm được mười ngàn bảng Anh. Người dân ở Anh, ở Mỹ luôn khát khao được nghe Churchill nói về cuộc vượt ngục huyền thoại, về cuộc đời của người phóng viên chiến tranh và tận tai nghe câu nói nổi tiếng của ông: "Tuyệt đối không chịu lùi hay né tránh nguy hiểm".
Năm 1921, nước Mỹ mời Churchill sang diễn thuyết với thù lao cao chót vót. Nếu như trong chiến tranh ác liệt, Churchill được tờ Morning Post trả 250 bảng Anh một tháng, thì trên đất Mỹ, chỉ cần 2 giờ diễn thuyết, ông đã được trả 1.100 USD. Một trong những bài phát biểu của Churchill đã được nhà văn Mark Twain giới thiệu. Ông còn hân hạnh được ăn tối với Thống đốc
New York
và Phó tổng thống Theodore Roosevelt. Tuy nhiên, một số phần tử cực đoan thù địch với Chính phủ Anh đã tổ chức một số âm mưu ám sát ông.
Nhận được lời cảnh báo của Cơ quan An ninh
London
, Churchill vẫn du diễn nhiều nơi trên đất Mỹ, bất chấp mọi hiểm nguy. Trong một lần diễn thuyết tại một thành phố phía tây nước Mỹ, Churchill nhận được lời cảnh báo có mấy phần tử khủng bố đã mua vé vào để thực hiện âm mưu ám sát ông. Viên cảnh sát trưởng thành phố hạ lệnh hủy bỏ buổi diễn thuyết, nhưng người môi giới của Churchill kiên quyết cự tuyệt đề nghị này. Chính trong lần diễn thuyết này, Churchill đã nói: "Khi nguy hiểm đến gần bạn, bạn tuyệt đối không được quay đầu chạy trốn, nếu không nguy hiểm sẽ tăng lên rất nhiều lần. Ngược lại, nếu bạn có thể dũng cảm mà đứng trước nguy hiểm thì nguy hiểm sẽ giảm đi một nửa". Các bài diễn thuyết của Churchill sau này được in thành cuốn "While England Slept".
Churchill là một trong số không nhiều nhà văn may mắn được là "chứng nhân" của cả hai cuộc chiến tranh thế giới, không phải với tư cách một người lính hay một phóng viên, mà là tư cách của một Bộ trưởng tài năng, một Thủ tướng tài ba lỗi lạc. Churchill đã đứng ra vận động cả châu Âu chống lại sự xâm lược của phát xít Đức. Ông giữ vững lập trường buộc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện.
Xung quanh việc trao giải Nobel Văn học cho tác phẩm "Hồi ký về Chiến tranh thế giới lần thứ hai" của Churchill cho đến nay vẫn còn những ý kiến trái chiều. Song có một thực tế phải thừa nhận: Đây là cuốn sách viết về chiến tranh thế giới đặc biệt nhất! Nó thực sự là một cuốn hồi ký đồ sộ về cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của lịch sử loài người, được viết bởi một người cầm bút có nghề, dưới con mắt của một nhà hoạch định chiến lược tài ba
Theo CAND |