Sinh ra tại tỉnh Surin của Thái Lan năm 1976, Tony Jaa tên thật là Panom Yeerum. Lớn lên tại vùng quê, Tony từ bé đã thích xem phim của Lý Tiểu Long, Thành Long và Lý Liên Kiệt tại những lễ hội tổ chức ở chùa. Bị cuốn hút bởi những đường võ, Tony thường bắt chước chúng khi chơi đùa với bạn bè hay tập võ thuật trên ruộng lúa của cha. Trong một bài phỏng vấn với Tạp chí Time năm 2004, Tony nói anh đã tập luyện các thế võ cho đến khi nào chúng giống như những gì anh nhìn thấy trên phim.
Năm 15 tuổi, anh được diễn viên kiêm đạo diễn phim hành động Panna Rittikrai hướng dẫn vào học trường Cao đẳng Giáo dục thể chất Maha Sarakham. Tony khởi nghiệp với việc làm người đóng thế trong nhóm của Panna, người sau này là đồng đạo diễn với anh trong Ong Bak 2. Tài năng võ thuật của Tony Jaa đã giúp anh vào vai chính trong bộ phim đầu tiên Ong Bak: Chiến binh Muay Thai năm 2003. Anh đã đóng tất cả những cảnh võ thuật mà không cần đến sự hỗ trợ máy móc hay kỹ xảo vi tính. Những đường võ của Tony khi ấy được miêu tả là tài tình, nhanh, chuyển động như múa.
"Sao xấu" tỏa sáng cùng Muay Thai
Bộ phim Ong Bak của Tony Jaa khi ra mắt đã thành công không chỉ trong nước Thái mà còn vượt ra khỏi biên giới. Khán giả khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt , tỏ ra thích thú với những màn võ Muay Tony Jaa tiếp tục tỏa sáng với bộ phim Tom Yum Kung năm 2005, một bộ phim có kinh phí lớn nhất Thái Lan lúc bấy giờ. Tom Yum Kung cũng có sự góp mặt của diễn viên VN Johnny Trí Nguyễn. Tony Jaa trở thành niềm tự hào của nước Thái bởi anh không chỉ làm rạng danh Thái Lan mà còn cho cả thế giới biết đến môn võ Muay Thai truyền thống.
Với một diễn viên không có vẻ bề ngoài sáng láng như Tony Jaa, việc anh trở thành một ngôi sao là chuyện hiếm. Bởi ở Thái Lan, để được tỏa sáng trong ngành giải trí, điều kiện đầu tiên là phải đẹp và đôi khi là phải rất đẹp thì mới mong nổi lên nhanh được.
Tiếp tục truy tìm tượng Phật
Vào tháng 7.2008, khi bộ phim Ong Bak 2 đã ghi hình được 80%, Tony Jaa đột ngột vắng bóng và không ai trong đoàn làm phim có thể liên lạc được với anh. Tin đồn lập tức lan đi rằng anh vào rừng để luyện các phép thuật ma quái. Một tuần sau khi mất tăm, Tony xuất hiện trên truyền hình trong nước mắt và thanh minh rằng tin đồn đó là không có thật. Prachya Pinkaew, đạo diễn đã từng chỉ đạo diễn xuất cho Tony ở phim Ong Bak 1 và Tom Yum Kung trước đó nói rằng phim Ong Bak 2 đã tiêu quá chi phí. Nó đã tốn tổng cộng tới 250 triệu baht (khoảng hơn 7 triệu USD). Tony bác bỏ điều này và nói nó chỉ mới tiêu hết 117 triệu baht mà thôi. Quá sốc vì biết không còn tiền để làm phim nữa, anh chạy trốn khỏi mọi căng thẳng và tìm đến một nơi yên tĩnh. Tony Jaa sau đó nói anh vẫn ổn và sẵn sàng quay lại với bộ phim đầu tiên anh làm đạo diễn này.
Thực ra, sau hàng loạt các rắc rối về tài chính khiến cho tiến độ làm phim Ong Bak 2 bị chậm lại, hãng phim đã quyết định chia bộ phim này ra làm 2 phần. Theo DailyXpress thì sau khi hoàn thành, Ong Bak 2 đã tiêu tốn tới 300 triệu baht. Thế nhưng chẳng có vấn đề gì bởi trong vòng 13 ngày đầu tiên công chiếu, bộ phim này đã thu được hơn 100 triệu baht. Ong Bak 3 dự định sẽ ra mắt vào tháng 12 năm nay, được hãng Sahamongkol đầu tư khoảng 100 triệu baht.
Hãng Sahamongkol cũng nói phần 3 sẽ không mất nhiều thời gian để quay bởi có rất nhiều đoạn phim khi quay phần 2 có thể được sử dụng. Tuy nhiên, việc Ong Bak 2 bị hoàn thành chậm như thế này cũng làm các nhà phân phối phim ở Nhật Bản và Bắc Mỹ hủy hợp đồng khiến hãng phim mất tới 5 triệu USD. Hãng Sahamongkol cũng đang nghĩ đến Ong Bak 4 và có ý định mời Thành Long vào một vai trong phim.
Theo TNO |