Là phiên bản của bộ phim Hàn Quốc từng chinh phục khán giả châu Á The Twins (Anh em sinh đôi), bộ phim Có lẽ nào ta yêu nhau (đạo diễn Tống Thành Vinh, dài 40 tập, do Hãng phim Việt và Công ty BHD phối hợp sản xuất) đã phần nào thu hút sự chú ý ban đầu của khán giả. Dù vậy khi phát sóng được 1/3 thời lượng trên VTV1, phim đã không tạo được sức hấp dẫn như bản gốc của nó bởi sự lê thê, dài dòng, gây cảm giác mệt mỏi cho người xem.
Không có kịch tính
Điểm chán nhất của bộ phim chính là thiếu kịch tính, trong khi nhân vật lại có số phận nhiều thăng trầm, sóng gió. Mạch phim cứ chậm chạp trôi theo những khung ảnh dài dòng, không điểm nhấn nên gây ra sự nhàm chán cho người xem.
Nhiều khán giả nhận xét bộ phim The Twins của Hàn Quốc thu hút vì những tình tiết cảm động và chân thực, nhân vật chính trong The Twins được diễn viên Kim So Yeon thể hiện khá xúc động trong hành trình đi tìm cha, tìm anh trai khiến người xem rơi nước mắt.
Còn vai Nam Mai trong Có lẽ nào ta yêu nhau, Ngọc Quyên thể hiện chưa tới, có vẻ diễn viên này chưa chạm đến được lằn ranh cảm xúc mãnh liệt của nhân vật. Cặp đôi nhân vật bà Hoài - ông Quý của ca sĩ Hồng Hạnh và Trung Dũng cũng khiến khán giả cảm thấy khó chịu. Có nhiều phân cảnh gần gũi giữa đôi tình nhân này được thể hiện hơi mạnh bạo khiến khán giả phải giật mình.
Nhân vật Uy Long (do Tommy Trần đóng) diễn thoại cứ đều đều như trả bài; Nam Mai của Ngọc Quyên khi khóc cũng kêu gào nhiều hơn là thể hiện cảm xúc thật; nhân vật bà nội (NSƯT Tú Lệ) cũng cường điệu nhiều hơn mức cần thiết; thoại của Lưu Sự (Bằng Lăng) khi bị bắt cóc cũng hoàn toàn tương phản với nỗi sợ hãi của nhân vật... Âm nhạc đan lồng vào phim hay nhưng chất lượng âm thanh trong lời thoại nhân vật thì dở tệ. Vì thu tiếng trực tiếp nên bao nhiêu cái dở về đài từ của diễn viên lộ ra rất rõ. Chất giọng chưa phù hợp của các diễn viên đôi khi làm hỏng cả những phân cảnh có cảm xúc đẹp của bộ phim.
Ôm gối ngồi buồn dài đến... 3 phút
Nhà sản xuất nói rằng việc mời đạo diễn điện ảnh làm phim truyền hình để có thể mang đến những góc máy xử lý lạ cho phim. “Những thử nghiệm lạ” được thể hiện ngay từ những thước phim đầu tiên khi đạo diễn cho xử lý góc máy đặc tả hình ảnh thức dậy vào buổi sáng của một nhân vật nữ.
Khung hình nhẹ nhàng xoay vào đôi bàn tay, trượt theo đường nét trên cơ thể, rồi sử dụng ánh sáng ngược để tạo sự tương phản cho dáng ngồi quyến rũ của nhân vật. Với góc nhìn của một nhà làm phim điện ảnh, đạo diễn Tống Thành Vinh đã xử lý nhiều khung hình khá đẹp cùng cách kết hợp ánh sáng rất ấn tượng. Thế nhưng, tất cả những khung hình ấy không làm bật lên ẩn ý gì sâu xa. Cảnh quay kết thúc cũng là lúc người xem thở phào vì đã phải chờ đợi quá lâu một sự phô diễn cơ thể không mấy ý nghĩa.
Cảnh quay đầu tiên cũng khởi đầu cho hàng loạt khung hình theo “ý đồ nghệ thuật” sáng tạo cầu kỳ nhưng quá dài dòng của đạo diễn trong những tập phim tiếp theo. Tuy nhiên, có khả năng xử lý những góc máy điện ảnh đẹp không có nghĩa là sẽ thích hợp khi xử lý cho một bộ phim truyền hình dài tập.
Phải liên tục xem những cảnh quay nghệ thuật kéo dài như thế thì không còn cảm giác thưởng thức nghệ thuật nữa mà chỉ là một sự chờ đợi mệt mỏi của người xem. Cảnh Nam Mai ôm gối ngồi buồn dài đến... 3 phút, cảnh bà Gia Huy tắm cũng chiếm khá nhiều thời gian cho những mô tả tỉ mỉ; cảnh Gia Bảo đi tìm kỷ niệm cũng cận cảnh đôi bàn tay không dưới 5 lần, kéo dài gần 5 phút...
Ý đồ của đạo diễn cũng đôi lần khiến khán giả ngơ ngác khi màn hình lúc tối thui, lúc trắng toát. Đôi lúc khung hình chao đảo liên tục khiến người xem chóng mặt.
Lợi thế của phim "Việt hóa" là luôn được người xem đón đợi và kỳ vọng. Không phủ nhận rằng nhà sản xuất đã rất nỗ lực để làm mới và chịu đầu tư khá “nặng đô” cho bộ phim. Nhưng những bối cảnh đẹp và quá sang trọng cùng những góc máy cầu kỳ vẫn không thể là cái nền vững chắc làm nên thành công cho bộ phim Có lẽ nào ta yêu nhau.
Theo NLĐO |