Bản lĩnh nhà văn mạng
Thực ra, để "cày bừa" trên cánh đồng chữ nghĩa, nhà văn nói chung đều phải có bản lĩnh. Nhưng những người chọn mạng để khai sinh đứa con tinh thần của mình và ngày ngày buồn vui với nó lại phải đối mặt với thách thức riêng.
Trong tích tắc, tác phẩm có cơ hội đến với hàng triệu người đọc. "Hội chứng đám đông" có thể nhanh chóng đẩy tác phẩm thành "hot" (được ưa chuộng), đưa tác giả lên hàng nổi tiếng. Sự nổi tiếng dễ cuốn người viết chạy theo thị hiếu, ít đào sâu. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói: "Một tác phẩm văn học khi nằm trong khuôn khổ một cuốn sách, cũng là nằm trong một không gian văn hóa với những sự trang trọng, sâu sắc về cả mỹ thuật lẫn nội dung. Mạng làm cho người trẻ có cơ hội giới thiệu tác phẩm của mình. Nhưng nếu quá lạm dụng, một lúc nào đó ta sẽ trở nên cẩu thả". Trần Thu Trang của "Em phải lấy người như anh", "Cocktail tình yêu"… có lần thật thà "mình thấy có chỗ mình viết cũng thường thôi mà mọi người khen nhiều quá, tự dưng thấy ngượng". Chợt nghĩ xa xôi đến Banzac từng viết đi viết lại 12 lần một đoạn văn. Biết đỏ mặt trước tác phẩm của mình luôn là một phẩm chất cần có của nhà văn, nhất là trong thời buổi người đọc chờ từng chương, hồi trong tiểu thuyết của bạn.
Sự "lạm dụng" mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói cũng có thể nhấn mạnh đến khía cạnh khác. Như một biên tập viên trẻ nói: nhiều blogger muốn nổi cũng viết văn, viết sốc, thậm chí đồi trụy để lôi kéo, mong sao có page views (số lần truy cập) lớn. Nhưng nhà báo, nhà văn Hồng Hạnh - người vừa post (gửi) lên mạng truyện dài mới "Bay qua một đám mây" đã chia sẻ: "Khi mới bung ra, mọi thứ sẽ lẫn lộn một chút. Nhưng thời gian sẽ là nhà phê bình chính xác và nghiêm khắc nhất: cái hay sẽ đứng được, cái không hay sẽ chìm vào im lặng. Dù người ta có "gióng trống, mở cờ" đối với những sản phẩm chưa phải văn học thì cuối cùng thời gian cũng sẽ công bằng trả nó lại đúng vị trí".
Rõ ràng văn học, dù thể hiện dưới hình thức nào cũng chịu chung quy luật tự đào thải. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã khẳng định quy luật này đối với văn học mạng. Nick name "chân văn" viết trên web của Nguyễn Trọng Tạo: "Văn học đích thực thì mạng hay không mạng cũng vậy. Chỉ có nhà văn tài hay nhà văn dỏm. Chỉ có nhà văn tôn trọng độc giả hay coi thường độc giả".
Tất nhiên, cũng cần phân biệt độc giả có nhiều nhóm, nhiều đối tượng với trình độ và nhu cầu thưởng thức khác nhau. Vì người trẻ (bạn đọc văn học mạng phần đông là 9x) nên những trang viết "vấy bẩn" văn học mạng cũng rất cần bị tẩy chay.
Có ý kiến cho rằng cùng với sự phát triển của người viết văn học mạng, cần hình thành hiệp hội người viết văn trên internet để tự bảo vệ bản quyền. Trần Thu Trang chia sẻ rằng, chị có một xấp 5-6 giấy chứng nhận bản quyền tác phẩm trước khi tung lên mạng. Còn Hồng Hạnh: "Tôi đăng ký bản quyền tác giả bằng đề cương tóm tắt câu chuyện. Nếu bạn thích copy thì cứ việc, nhưng chỉ cần đề tác phẩm đó là của tôi và để đường link tới blog hoặc web nơi tôi công bố sách". Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ có hiệu lực ngày 30-6 tới đây cũng đề cập tới nhiều hành vi vi phạm với mức xử phạt cao. Thiết nghĩ, "chơi văn" trên mạng cũng cần bản lĩnh để tránh phải tranh chấp bản quyền.
Làm gì để khai thác "sức trẻ" văn học mạng
Trang web của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mới đây giới thiệu cuộc hội thảo văn học mạng Trung Quốc do Hội Nhà văn tỉnh Giang Tô, Hội Nhà văn thành phố Vô Tích tổ chức. Trong đó có những ý kiến sắc sảo, như của GS Hoàng Phát Hữu: "Văn học mạng giúp khai mở không gian biểu đạt cho nhiều tác giả, song cũng không nên khuếch đại vô hạn độ về tác dụng của nó (…). Văn học mạng và nhà văn mạng không nên trở thành vật trôi nổi bồng bềnh không có nền móng gốc rễ…". Và "phát triển văn học mạng cũng không nằm ngoài mục đích góp phần phát triển văn học nước nhà".
Như vậy, có thể thấy văn học mạng cần được coi như "nguồn tài nguyên" để đãi cát tìm vàng, mà phát hiện bồi dưỡng, nâng đỡ tài năng. Một số nhà phê bình VHNT chịu khó lướt web để cảm nhận về một dòng chảy có thật trong đời sống văn học. Nhưng vẫn cần sự vào cuộc nhiều hơn của các hội nghề nghiệp.
Có ý kiến cho rằng mạng sẽ nuốt văn học truyền thống dưới hình thức in sách, còn theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều thì :"Không gian chữ nghĩa từ bao đời nay vẫn là cuốn sách - với tư cách là một di sản văn hóa nhân loại. Văn học không thể đọc vội vàng". Tâm thế này cho ta sự bình tĩnh để nhìn nhận công bằng, đúng mực đối với lực lượng sáng tác văn học mạng. Tác giả Hồng Hạnh nói: "Xin hãy gạn đục khơi trong và thương lấy những quyển sách tốt trên mạng".
Vì vậy, việc xuất bản các tác phẩm trên mạng cũng cần được đánh giá đúng mức. Nhiều công ty ở Trung Quốc hiện nay lập web để sở hữu hàng trăm nghìn tác phẩm văn học mạng, sau đó xuất bản thành sách để kinh doanh. Với Công ty Sách Đại Việt của Việt , văn học mạng chỉ là một phần của đời sống văn học nói chung. Nhiều khi chúng ta vội vàng "hớt váng" những tác phẩm nổi đình đám do công nghệ lăng xê, hoặc hội chứng mạng mà lại bỏ qua nhiều bản thảo lặng lẽ và có giá trị khác.
Đến đây thì công chúng cũng có thể chia sẻ với chúng tôi về vị trí của văn học mạng và những suy nghĩ về văn học nước nhà khi đứng trong dòng chảy này.
Theo HNM |