Hình ảnh bị “chôm” ở... mọi lúc, mọi nơi
Cùng với việc các đơn vị kinh doanh dịch vụ tin nhắn mọc lên như nấm, việc cho đăng quảng cáo “Xem Tăng Thanh Hà thay đồ nè”, “Thuỷ Top- hình nóng của nàng nè”, “Thuỳ Linh- Hot 10%”... không còn xa lạ trên các mặt báo. “Khổ chủ” phẫn nộ khi hình ảnh bị khai thác trái phép nhưng không ít nhà đầu tư mạng nhắn tin vẫn “xài” hình ảnh người nổi tiếng để kinh doanh kiếm lời vô tội vạ như thế.
Hình ảnh bị sử dụng ngang nhiên trên biển quảng cáo, các sản phẩm... thì nhiều vô kể. Từ ca sĩ cho đến hoa hậu, người mẫu và MC đều có thể trở thành nhân vật quảng cáo không công cho các cửa hiệu cho thuê đồ cưới, cơ sở làm đẹp, hiệu làm tóc hay các cửa hàng ăn..., thậm chí các hiệu massage, thư giãn... Có trường hợp người mẫu hợp đồng chụp mẫu cho một nhãn hiệu để đăng trên các tạp chí nhưng “đối tác” đó tiếp tục... tận thu bằng cách in hình ảnh người mẫu lên bảng hiệu, catalogue... Lại có những bài báo phỏng vấn nghệ sĩ và lồng ghép câu hỏi về một sản phẩm nào đó rồi một ngày bài phỏng vấn xuất hiện trên một báo như một trang quảng cáo. Ca sĩ Mỹ Tâm từng bức xúc khi có đối tác gặp cô chỉ xin bức ảnh với chữ ký của cô rồi bức ảnh được sử dụng trong cuộc thi với nội dung tìm người giống Mỹ Tâm nhân tạp chí nọ ra mắt phiên bản mới. Gần đây, không ít người nổi tiếng lấy làm khó chịu khi hình ảnh bị xài “chùa” để quảng cáo cho việc tải nhạc chuông điện thoại...
Hình ảnh nghệ sĩ còn bị sử dụng trong những trường hợp quảng cáo sản phẩm “nhạy cảm”. Người mẫu Kim Tiên từng phải gửi đơn đến Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM, kiện một công ty sử dụng hình ảnh của cô để quảng cáo thuốc ngừa thai mà không có hợp đồng hay thoả thuận bằng văn bản với cô về việc sử dụng hình ảnh cho quảng cáo này.
Xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ, nhất là trong những tình huống “dở khóc dở cười” như vậy thì bất kỳ một người bình thường nào cũng chạnh lòng hay xót xa, chưa nói đến người của công chúng. Và không nghệ sĩ nào muốn “giá trị” bị đẩy... xuống đường như vậy.
Mất hình ảnh là mất tất cả
Hình ảnh người nổi tiếng bị sử dụng ngoài ý muốn của họ cũng có thể làm ảnh hưởng tới những hợp đồng quảng cáo hay những kế hoạch phát triển sự nghiệp, nhất là vào những thời điểm “nhạy cảm”, khi họ đang thực hiện những dự án riêng. Họ cũng khó “giãi bày” với cơ quan thuế khi hình ảnh xuất hiện trên những sản phẩm mà thực ra họ không nhận được bất kỳ một khoản thù lao nào... Một số người đã nhờ các văn phòng luật sư để cậy nhờ khi sự vụ xảy ra.
Nhìn chung, dù có phẫn nộ khi hình ảnh bị “xài chùa” nhưng nhiều người đã “tặc lưỡi” cho qua, vì biết rằng để kiện tụng cho ra nhẽ thì... chẳng hơi đâu mà theo đuổi. Cũng chính vì biết đa số người nổi tiếng chưa có người đại diện và không có thói quen nhờ các văn phòng luật sư “vào cuộc” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi hình ảnh bị xâm phạm nên các công ty kinh doanh dịch vụ nhắn tin hay các đơn vị khác vẫn cứ... làm liều. Về phía các đơn vị cho đăng quảng cáo, đã đến lúc không thể tiếp tục “tiếp tay” cho hành vi vi phạm của các đơn vị làm dịch vụ nhắn tin xâm phạm hình ảnh nghệ sĩ. Việc yêu cầu đơn vị nhắn tin phải xuất trình được hợp đồng thoả thuận với người có hình ảnh được sử dụng trong dịch vụ nhắn tin không nằm ngoài tầm tay kiểm soát của đơn vị cho đăng quảng cáo.
Theo bà Thuý Nga - Giám đốc điều hành Công ty Elite Việt Nam - khi cá nhân và đơn vị có nhu cầu về người mẫu để chụp ảnh quảng cáo, tổ chức sự kiện..., Công ty đều ký hợp đồng rõ ràng, nêu rõ công việc, thời gian và đặc biệt với các hợp đồng về quảng cáo, bao giờ cũng thoả thuận cụ thể sẽ quảng cáo ở đâu, dưới hình thức nào... Bà Nga nhấn mạnh, không người mẫu nào thích hình ảnh in trên các tờ rơi hay các sản phẩm nhạy cảm. Vì vậy, giá cả hợp đồng để sử dụng hình ảnh trong các trường hợp này cao hơn nhiều lần so với các hình thức thông thường. “Vấn đề không phải là tiền mà những việc làm như vậy là để bảo vệ hình ảnh của người mẫu. Với những người làm nghệ thuật, mất hình ảnh là mất tất cả”, bà Nga chia sẻ.
Hơn ai hết, chính các nghệ sĩ phải cùng lên tiếng và làm cho ra nhẽ khi hình ảnh mình bị đem “xài chùa”.
Theo điều 31 - Bộ luật Dân sự 2005: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Điều 37 - Bộ luật Dân sự quy định: “Danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Điều 49, Khoản 4 - Nghị định số 56/2006/NĐ – CP ngày 6.6.2006 của Chính phủ “Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá- thông tin” cũng ghi rõ: Người có hành vi “Dùng danh nghĩa, hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo mà không được phép của tổ chức, cá nhân đó” sẽ bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng.
|
Theo VH |