Hiện nay biểu diễn âm nhạc truyền thống đã có những bước tìm tòi sáng tạo trên nhiều hình thức khác nhau, mang hơi thở thời đại tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với các nền âm nhạc khác trên thế giới. Một trong những hình thức biểu diễn rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng trong nước cũng như giao lưu văn hóa quốc tế là hình thức hòa tấu dàn nhạc dân tộc với quy mô lớn.
Ở hình thức này, mỗi nhạc cụ sẽ phô diễn được nét đặc trưng nhất của mình để tạo nên bức tranh âm thanh hoành tráng, nhiều mầu sắc. Nhiều nước ở châu Á đã xây dựng được những dàn nhạc dân tộc lớn có khi lên đến 200 người. Hình thức hòa tấu nhạc cụ dân tộc với quy mô lớn ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ trong những năm 60 của thế kỷ trước với những Dàn nhạc của Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội... đã xuất hiện nhiều nhạc sĩ sáng tác các bản hòa tấu cho Dàn nhạc dân tộc như: Nguyễn Xuân Khoát, Tạ Phước, Tô Vũ, NGND Xuân Khải, các NSND Quang Hải, Trần Quý, Nguyễn Văn Thương, Thanh Tâm, Huy Thục, các NSƯT Thế Dân, Hồng Thái, Thao Giang... Với nhiều tác phẩm có giá trị lớn: Nông thôn đổi mới - Tạ Phước, Tô Vũ; Thánh Gióng - Nguyễn Xuân Khoát; Tây Nguyên - NSND Trần Quý; Chung một niềm tin - NSND Xuân Khải; Thanh minh trong tiết tháng Ba - NSƯT Phúc Linh; Giai điệu quê hương - NSƯT Hồng Thái...
Sau đó vào những năm cuối thế kỷ 20, do khó khăn về kinh tế, do sự thiếu vắng người xem nên hầu hết các dàn nhạc dân tộc đã giải thể, chuyển sang các hình thức biểu diễn ít người. Ðến nay, những thành tựu phát triển kinh tế đất nước đã là động lực lớn, thúc đẩy âm nhạc chuyên nghiệp phát triển. Nhu cầu về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng ngày càng tăng. Trình độ thẩm mỹ âm nhạc của công chúng được nâng cao rõ rệt, ngoài các hình thức biểu diễn âm nhạc giao hưởng phương Tây công chúng đòi hỏi thưởng thức âm nhạc truyền thống mới mẻ, sáng tạo phù hợp với thị hiếu của mọi tầng lớp nhân dân. Hình thức biểu diễn hòa tấu của dàn nhạc dân tộc ngày càng được hưởng ứng và đạt hiệu quả cao trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt quyết định thành lập Dàn nhạc dân tộc Việt
với hơn 70 người.
Dàn nhạc dân tộc Việt Nam giới thiệu và đưa âm nhạc truyền thống đến với mọi tầng lớp nhân dân, ngoài các bài bản cổ, trong các chương trình sẽ khai thác sự phong phú, đa dạng, khả năng diễn tấu của các nhạc cụ dân tộc qua các tác phẩm âm nhạc nước ngoài được thể nghiệm, chuyển biên các giai điệu âm nhạc dân gian các dân tộc. Ðây là sự phát huy những truyền thống quý báu của nền âm nhạc truyền thống dân tộc trên cơ sở kết hợp với các yếu tố mang tính thời đại. Ðây là nơi để các nhạc sĩ Việt có chỗ thử nghiệm và dàn dựng biểu diễn, có "đất" sáng tạo để xây dựng được những tác phẩm tầm cỡ quốc gia. Dàn nhạc dựng các chương trình đặc sắc, với nhiều thể loại từ nhạc cổ đến hiện đại, phản ánh được các nét tinh hoa của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, biểu diễn các chương trình thu thanh, thu đĩa, các chương trình truyền hình. Dàn nhạc sẽ tổ chức biểu diễn thường xuyên tại Hà Nội cũng như trong cả nước, nhất là cho giới trẻ, từ đó khơi dậy những cảm xúc trong sáng, lành mạnh, mang tính dân tộc, hướng cho giới trẻ có một thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn trong tình hình phát triển âm nhạc còn bị lệch lạc, mất cân đối như hiện nay. Dàn nhạc góp phần quảng bá hình ảnh dân tộc Việt
với quốc tế.
DÀN nhạc dân tộc Việt Nam biểu diễn chương trình ra mắt vào tối 28-5, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) với sự chỉ huy của NSƯT Phạm Ngọc Khôi và NSƯT Nguyễn Hồng Thái. Các tiết mục trong chương trình gồm: Phẩm tiết-Nguyên tiêu -Hồ Quảng (nhạc cung đình Huế, chuyển soạn cho dàn nhạc), Nông thôn đổi mới (tác giả Tạ Phước - Tô Vũ), Hồ trên núi (tác giả Phó Ðức Phương, biểu diễn Quốc Hưng, Tiếng sáo trên nương (tác giả Hồng Thái, biểu diễn NSƯT Tiến Vượng) Rhapsody số 2 (tác giả Nguyễn Văn Thương, chuyển soạn cho T'rưng và dàn nhạc dân tộc, chuyển soạn cho T'rưng Phạm Ngọc Khôi, biểu diễn Hoa Ðăng), Hoa Anh Ðào, (dân ca Nhật Bản soạn cho hòa tấu đàn tranh), Thanh minh trong tiết tháng ba (tác giả Phúc Linh), Hà Nội-Huế-Sài Gòn (tác giả Hoàng Vân, biểu diễn Anh Thơ), Tiếng vọng, (tác giả Hồ Hoài Anh), Chung một niềm tin (tác giả Xuân Khải).
Theo ND |