Tạp chí Sông Hương -
Bảo tồn văn hóa cổ: ai lo?
08:24 | 01/06/2009
Một khi không có thế hệ trẻ kế thừa thì việc bảo tồn vốn văn hoá cổ một cách nguyên vẹn là vô cùng khó khăn.
Bảo tồn văn hóa cổ: ai lo?
Dân tộc Chăm (Ảnh: Web myvietnam)

Người trẻ không biết văn hoá cha ông

Chúng tôi đã từng đề cập đến vấn đề người trẻ không ham mê, không hiểu biết về văn hoá cha ông trong cộng đồng người dân Tây Nguyên với di sản Không gian văn hoá Cồng Chiêng. Một khi không có người trẻ, thế hệ trực tiếp được sinh ra và trưởng thành từ không gian văn hoá đó hiểu, say mê và kế thừa thì việc bảo tồn vốn văn hoá cổ một cách nguyên vẹn là vô cùng khó khăn.

Xin được bắt đầu từ chữ viết- một trong những giá trị văn hoá nổi bật làm nên bản sắc văn hoá các dân tộc.

Hầu hết, các dân tộc thiểu số ở nước ta đều có chữ viết, ngôn ngữ riêng. Nhưng hiện nay, cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái thì chỉ còn rất ít người biết (thậm chí là đếm trên đầu ngón tay) chữ viết của dân tộc mình. Đặc biệt là những người trẻ tuổi thì càng không biết chút nào. Một thống kê không chính thống cho biết, cộng đồng người Tày ở Cao Bằng hiện chỉ còn 1, 2 người biết chữ viết của dân tộc mình.

Dân tộc Chăm được xem là một trong các dân tộc bảo tồn gần như nguyên vẹn các bản sắc, giá trị văn hoá, nhưng cũng đang lo ngại mất chữ viết. Ông Bồ Xuân Hồ- Hội Văn nghệ Dân gian VN cho biết: “Hầu hết con em dân tộc Chăm ở Bình Thuận đều được học chữ Chăm khi bước vào cấp I. Mỗi cuốn sách tài liệu học tập của các cháu đều có bảng đối chiếu Chăm- Việt, bảng tên gọi các dấu phiên âm tiếng Chăm, phiên âm tiếng Việt và bảng thuật ngữ dạy tiếng Chăm. Ngoài ra, hàng năm, dịp hè, các thầy cô dạy tiếng Chăm còn được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy chữ Chăm. Nhờ vậy, việc học chữ của con em dân tộc Chăm đem lại kết quả khá tốt, được đông đảo bà con Chăm đồng tình, hoan nghênh. Tuy nhiên, hiện nay, điều mà các bậc phụ huynh lo ngại là đa số kiến thức về chữ Chăm, khi lên cấp II, III rồi Cao đẳng, Đại học các em không còn nhớ nữa vì các em chỉ được học chữ Chăm thời cấp I. Khoảng thời gian  không học chữ Chăm trên 12 năm (từ đầu năm cấp II đến khi các em ra ngoài cuộc sống) đã khiến kiến thức về chữ Chăm bị rơi rớt dần vào quên lãng vì không có điều kiện để sử dụng và phát huy”.

Âm nhạc Chăm cũng đang đứng trước nguy cơ không được thế hệ sau biết đến. Dân tộc Chăm cùng với dân tộc Kinh (Việt) và Khơme được xem là 3 tộc người có nền âm nhạc chuyên nghiệp trong 54 dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam. Tuy nhiên, nền âm nhạc chuyên nghiệp này cũng đã mai một dần. Ba thể loại âm nhạc “Thế tục, cung đình và nghi lễ” nay đã không còn nguyên vẹn, đặc biệt, do biến động lịch sử, âm nhạc cung đình không còn, âm nhạc nghi lễ cũng ít được sử dụng. Âm nhạc Chăm không có tác phẩm cho thiếu nhi nên việc làm cho thế hệ trẻ hiểu và yêu âm nhạc dân tộc rất khó.

Băn khoăn của ông Bồ Xuân Hồ là giữa hai thể loại âm nhạc Nghi lễ và âm nhạc dân gian- thế tục, người Chăm cần tiếp tục bảo tồn và phát huy thể loại âm nhạc nào trong thời đại ngày nay và cần có những sáng tác để các cháu nhỏ cấp I, II hiểu và hát được những ca khúc của dân tộc mình. Đây là hướng tốt nhất để tạo cho các cháu có ý thức về cội nguồn dân tộc ngay từ ngưỡng cửa của lứa tuổi vào đời.

Các nghệ nhân già tự lo!

Những giá trị nguyên bản của các điệu múa, lễ hội, lời hát cổ của các dân tộc giờ đây chỉ còn được lưu giữ trong ký ức của những nghệ nhân già. Họ là kho tàng giữ gìn văn hoá cổ, nhưng chẳng bao lâu nữa những cái kho ấy sẽ mất đi nếu không có người kế thừa. Day dứt lớn nhất trong lòng những nghệ nhân ấy là những người cùng bản làng, những người con của vốn văn hoá ấy ngày nay lại không còn hiểu gì về văn hoá cha ông. Văn hoá cổ của các dân tộc đang được lưu truyền bằng một con đường vòng: các nghệ nhân truyền lại cho những nhà nghiên cứu, những người làm công tác bảo tồn văn hoá, rồi họ biên tập lại, dạy cho những người trẻ để bảo tồn.

Ông Hoàng Choóng- nguyên trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), một trong những người tham gia sưu tầm, khôi phục các điệu múa cổ của người Nùng Lạng Sơn, cho biết: “Trong những thập niên 70- 80, các điệu múa như: múa sư tử, múa mặt khỉ, múa Đười ươi… cũng như nhiều hoạt động lễ hội, văn hoá của đồng bào Nùng Lạng Sơn gần như bị quên lãng. Đặc biệt, múa Sư tử, nếu ở Lạng Sơn ở đây có diễn ra lễ hội dù với nghi thức nào thì cũng không thể thiếu múa sư tử. Đây là điệu múa vừa thoả mãn ý nguyện tâm linh, vừa thể hiện được tinh thần thượng võ và bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc”.

Khi tham gia khôi phục điệu múa này ông mới thấm cái khó của việc “đãi cát tìm vàng”. Ông tiếc là sao những người trẻ luôn cận kề với các già làng, nghệ nhân trong vùng không ai biết về các điệu múa này. Ông Choóng chia sẻ: “Khôi phục được điệu múa này là một quá trình nan giải, bởi vì nó đã bị mai một rất nhiều. Những người am hiểu, những nghệ nhân thông thạo các điệu múa này còn rất ít và đều đã cao tuổi, vì vậy, việc chế tác đầu sư tử đến các đạo cụ đi kèm hoặc truyền dạy, hướng dẫn múa, đánh võ sư tử đều rất khó khăn. Là những người cũng ở tuổi về già rồi chúng tôi mới thấy được giá trị của các điệu múa này nói riêng và văn hoá của cha ông nói chung. Giờ chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm và mong có lớp trẻ theo học để gìn giữ văn hoá cha ông”.

Cần truyền dạy có hệ thống!

Đời sống hiện đại đã khiến cho nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng giàu bản sắc của các dân tộc mai một, thậm chí là biến mất. Một vấn đề là nếu có những người nghệ nhân muốn truyền dạy trực tiếp cho giới trẻ trong cộng đồng thì cũng gặp nhiều khó khăn đặc biệt là không có kinh phí.

Ông Choóng thừa nhận: “Việc khôi phục và phát triển loại hình sinh hoạt này trở thành sinh hoạt cộng đồng như xưa rất khó thực hiện. Để hình thành một đội sư tử cần ít nhất từ 8 đến 12 thành viên, mà việc học để chế tác đầu sư tử, hướng dẫn múa sư tử, võ sử tử hay gõ phục vụ múa sư tử đòi hỏi phải có năng khiếu và lòng đam mê, có đủ điều kiện về kinh tế, thời gian và địa điểm. Một bộ đồ nghề cho một đội múa Sư tử hiện nay phải mấy từ 7-8 triệu đồng. Người muốn học thuần thục theo trình tự, bài bản phải mất 30-45 ngày. Điều mà tôi thấy đáng tiếc nhất là những người trẻ tuổi, cùng sinh hoạt, chung sống trong một bản, một xóm với các nghê nhân đã không tìm hiểu, học tập và kế thừa các giá trị văn hoá này trong khi các em có điều kiện rất thuận lợi”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vì không có một cơ chế bảo tồn từ cơ quan quản lý văn hoá địa phương cho nên việc bảo tồn chỉ manh mún, do các nghệ nhân tự thực hiện, trong đó, thiếu kinh phí là vấn đề cơ bản khiến công tác truyền dạy gặp nhiều khó khăn.

Nghệ nhân Nông Văn Nhay, Phong Thổ (Lai Châu), người nhiều năm tìm hiểu, bảo tồn và quảng bá cho văn hoá Thái lo ngại: “Những giá trị văn hoá của người Thái Trắng trong đó có Xoè Thái đang có nguy cơ mai một. Hiện ở Mường So, ngoài vài nghệ nhân ngoài 70 tuổi, không còn ai, đặc biệt là lớp trẻ biết về các điệu Xoè ấy, chưa nói gì đến thể hiện được”.

Việc một số đoàn văn nghệ thuật của tỉnh, phòng văn hoá của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến học rồi biểu diễn cũng là một cách lưu truyền được nghệ nhân Nông Văn Nhay cho rằng: “Đó không phải là bảo tồn, đó là biên đạo hoá, cải biên hoá văn hoá cổ. Đây chính là cách bảo tồn đi đường vòng. Sai lầm trong phương pháp bảo tồn và truyền bá này là các “nhà biên đạo” đã đơn điệu hoá, lai căng hoá khiến cho các điệu Xoè truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc càng bị đẩy sát đến bờ vực biến mất hoàn toàn”.

Các nghệ nhân đều chung một tâm nguyện là có một cơ quan đứng ra tài trợ văn hoá, nghệ thuật và hỗ trợ các nghệ nhân bảo tồn văn hoá cổ tương tự như Quỹ Ford. “Tất nhiên, cơ quan đó phải thực sự lo lắng cho việc bảo tồn văn hoá cổ, phải có đánh giá, tìm hiểu và xếp hạng giá trị văn hoá theo cấp độ mai một như cần bảo vệ, cần bảo tồn, cần bảo tồn khẩn cấp… Các nghệ nhân người dân tộc thiểu số không phải ai cũng biết đến việc đi xin tài trợ để bảo tồn văn hoá của dân tộc mình” - Nghệ nhân Nông Văn Nhay- người đang lập hồ sơ xin tài trợ từ Quỹ Ford cho việc bảo tồn Xoè Thái và đàn Tính tẩu nhấn mạnh./.

                                                                                                              Theo Toquoc

Các bài mới
Các bài đã đăng