Tạp chí Sông Hương -
Bệnh "nan y" của phim truyền hình Việt
14:54 | 01/06/2009
Sức thu hút của nhiều phim truyền hình VN trên màn ảnh nhỏ những năm gần đây là có thật. Đi vào đề tài nóng hơn, câu chuyện hấp dẫn hơn, động chạm đến nhiều uẩn khúc trong tâm lý, tình cảm người Việt hơn.
Bệnh
Cảnh phim "Có lẽ nào ta yêu nhau" đang chiếu trên VTV1.

Vì vậy, khán giả quan tâm theo dõi nhiều hơn. Nhưng cũng từ đó, bên cạnh mặt được - không thể không nói tới những mặt dở cần được khắc phục - để đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của khán giả.

Nhiều cảnh thô, quá hiếm nhân vật đẹp

Nếu bây giờ bạn thử kể ra xem có nhân vật chính diện nào của phim truyền hình VN  (THVN) chưa cần tới dạng lý tưởng hoá, sống cao đẹp mà chỉ cần sống đàng hoàng thôi - đã hiếm quá! Xem nhiều phim THVN, thấy lớp trẻ sống thực dụng, gấp gáp và không che giấu được sự nhỏ mọn, ích kỷ, tham lam.

Thử hỏi anh chàng Lâm trong phim "Lập trình trái tim" đã đáng để các bạn trẻ ngưỡng mộ chưa? Đó là dạng đàn ông bẻm mép, hiếu thắng và cũng cơ hội. Đến cô Vũ Vũ trong phim cũng vậy, tính đồng bóng, trẻ con và cũng "đứng núi này trông núi nọ", lợi dụng anh chàng đẹp trai tốt bụng đến tội nghiệp như Tùng "giun đất".

Trước đó, bộ phim nhiều tập "Cô gái xấu xí", nhóm G7 với các cô gái trong văn phòng công ty chuyên tụ bạ, nói xấu nhau đến phản cảm. Rồi  "Những người độc thân vui tính", cũng thấy nhiều nhân vật xấu quá, như anh chàng Đạt làm bộ phận quầy bar chỉ chuyên nịnh bợ và nói xấu lãnh đạo. Hay phim "Vòng nguyệt quế", thấy cả một loạt trí thức trong phim sống thủ đoạn, nhân vật chính nữ văn sĩ Hân thì ham danh vọng, yêu trần trụi và sẵn sàng làm tất cả để đạt mục đích...

Vì thế nếu nhìn vào những nhân vật trong phim THVN để bạn trẻ thật sự thích thú, ngưỡng mộ thì gần như không có!

Nhà quay phim - NSND Nguyễn Hữu Tuấn có lần nói với tôi: Nhiều khi  tôi không muốn các con, cháu nhà tôi xem phim THVN vì nhiều cảnh phim thô quá, thấy  con người xấu quá, nham nhở quá!

"Nhân bản" và "nóng"

Lực lượng diễn viên vào phim THVN chưa bao giờ là hùng hậu, nhất là khi tốc độ sản xuất phim ào ạt như hiện nay.

Vì thế, việc các đạo diễn chọn các diễn viên có tên tuổi vào phim là một giải pháp hợp lý, để tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt hiệu quả. Và cũng vì thế mà các diễn viên, tạm gọi là "sao" này, đóng đủ các loại vai là bình thường. Điều đáng nói là ở đây, nhiều diễn viên hài đã không vượt qua được "khuôn diễn" của mình, nên với các loại vai khác nhau vẫn bê nguyên xi một dạng nhân vật vào.

Chịu không nổi khi đài từ, thoại và sắc diện của diễn viên được "nhân bản" tràn lan, có người còn đem cả "diễn xuất" trên phim ảnh ra ngoài đời. Xem một diễn viên đóng vai một chiến sĩ cách mạng mà người xem không thấy nghiêm túc vì cử chỉ, điệu bộ anh không khác mấy khi dẫn một chương trình vui chơi, giải trí trên TH.

Ngoài ra, những "cảnh nóng" đưa vào phim, nếu thể hiện đúng chỗ  và có liều lượng thì không sao. Đằng này, nhiều "cảnh nóng" đưa vào bừa bãi và dở dở dang dang thành ra coi thường khán giả. Và thường thì các diễn viên VN đóng cảnh hôn nhau, thân mật với nhau rất gượng, thiếu tự nhiên, hoặc do chính họ không thấy sự cần thiết của "cảnh nóng", hoặc diễn xuất không tập trung.

Nhiều bạn trẻ "khó tính" đã than phiền: Không hiểu một số đạo diễn tìm thấy khả năng diễn xuất gì của cô Th để mời cô ta diễu qua diễu lại trước màn hình, hay chỉ muốn thu hút những khán giả quan tâm tới cái được PR là "top" của Th, trong các phim "Đi qua bóng tối" và "Những người độc thân vui vẻ". 

Làm phim mà chưa hiểu sâu thực tế

Điển hình là làm phim về nhà báo mà không hiểu nghiệp vụ nhà báo, làm phim về  lớp trẻ IT mà chưa nắm rõ họ. Nhất là làm phim về cảnh sát hình sự mà nhiều cảnh huống bộc lộ rõ sự non kém về nghiệp vụ, thậm chí là ngô nghê. Một vị thượng tá công an nói với tôi: Làm gì có chuyện công an bắt cướp mà trăm lần như một; đánh ngã thằng cướp xong là chĩa súng hô: Anh A (B) đã bị bắt!

Chuyện theo dõi kẻ gian mà cứ đứng xa thập thò như ăn trộm ai nhìn cũng biết. Chuyện giả tay chơi xâm nhập vào hang ổ bọn cướp mà diễn như nhà quê ra tỉnh! Gần đây nhất là phim "Những ngày hè xanh" nói về thanh niên tình nguyện bị chính người trong cuộc phản ứng dữ dội, phải lược bỏ một số cảnh...

Có ý kiến phản biện: Phim là hư cấu, mà cứ đòi hỏi giống hiện thực là sao?

Đồng ý, nhưng sự hư cấu đó phải trên cơ sở nắm rất vững hiện thực chứ không phải là hiểu lơ mơ hiện thực. Thêm nữa, phim truyền hình là để phục vụ đại chúng, vì thế không thể nói những chuyện phi lý, trên trời!

                                                                                                                      Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng