Bản tiêu đề mới này sẽ được thay thế tiêu đề của bản phim Negative (bản phim gốc) theo đúng yêu cầu của gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao. Riêng vấn đề tác quyền 90 giây nhạc mà bộ phim đã sử dụng, hôm qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (TTBVQTGÂNVN), Hãng phim Hội Điện ảnh, Cục Điện ảnh VN đã ngồi lại với nhau để tìm hướng giải quyết.
Chỉ chấp nhận thanh toán tác quyền giai đoạn sử dụng nhạc vào phim theo đúng barem có sẵn của TTBVQTGÂN VN (1 phút nhạc giá 1,8 triệu đồng; từ phút thứ 2 trở đi là 600.000 đồng/ phút), bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh cho biết: “Khi đưa ra cái giá 60 triệu đồng, Trung tâm họ cứ nghĩ các tác giả tham gia trong phim Đừng đốt được hưởng chế độ nhuận bút theo Nghị định 61 của Chính phủ. Đừng đốt được xếp vào bậc 3- phim hay nhất, đầu tư 11 tỷ, thì tổng nhuận bút mà 6 thành phần tác giả được hưởng trong bộ phim này chiếm 8,40%/ tổng dự toán, tương ứng khoảng 880 triệu đồng. Theo đó, 60 triệu là số tiền mà đơn vị sản xuất phải trả cho 90 giây nhạc giai điệu tác phẩm Thiên Thai”.
Bà Ngát cho biết thêm, 6 thành phần sáng tác được hưởng nhuận bút trong phim, trong đó có nhạc sĩ – người sáng tác nhạc cho phim, chứ không phải quy định cho nhạc sĩ có tác phẩm sử dụng trong phim (90 giây nhạc). Mặt khác, trên thực tế chưa bao giờ các thành phần sáng tác trong điện ảnh được hưởng nhuận bút theo đúng quy định tại Nghị định 61. Ở bộ phim Đừng đốt, phía duyệt giá chỉ “quyết” 350 triệu tiền nhuận bút . Vì thế, biên kịch, đạo diễn chỉ hưởng khoảng hơn 80 triệu đồng/ tác giả cho toàn phim, thì cái giá 60 triệu/ 90 giây nhạc là điều không thể. Sau khi nghe đơn vị sản xuất phân tích, TTBVQTGÂN VN đã đồng ý để Hãng phim Hội Điện ảnh thanh toán tác quyền cả 2 tác phẩm nhạc đã sử dụng trong phim (Thiên Thai và Bài ca hy vọng) theo biểu giá của Trung tâm, tổng cộng là 5.280.000đ. Số tiền này đã được đơn vị sản xuất thanh toán ngay sau cuộc họp. Tuy nhiên, bà Ngát vẫn băn khoăn về việc TTBVQTGÂN VN yêu cầu thanh toán cả tiền tác quyền 2 tác phẩm nhạc này ở giai đoạn phim phát hành trong nước và ngoài nước. Cái lý của phía thu tác quyền là “vận dụng” cách thu của băng đĩa ca nhạc ở giai đoạn phát hành. Điều này, với điện ảnh xem ra chưa hợp lý. Mặt khác, nếu thu tác quyền nhạc sử dụng trong phim ở giai đoạn phim phát hành thì các nhạc công chơi nhạc, hoặc ca sĩ hát... - những người làm nên giai điệu, hoặc bài hát sử dụng trong phim có được hưởng quyền lợi không, hay chỉ nhạc sĩ được hưởng?
Chia sẻ băn khoăn của đơn vị sản xuất, ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh VN nói: “Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng Luật và tôn trọng tác giả. Nếu Luật quy định phải trả tác quyền cả giai đoạn phim phát hành trong nước và sau đó là ngoài nước, thì đơn vị phải thực hiện trách nhiệm này là Fafilm VN (phát hành trong nước) và Công ty BHD (phát hành nước ngoài)”. Còn ông Phan Phương (TTBVQTGÂN VN) thì quả quyết: “Cho tới hôm nay, chúng tôi mới chỉ giải quyết xong vấn đề tác quyền với đơn vị sản xuất Đừng đốt. Riêng tác quyền giai đoạn phim phát hành, tới đây chúng tôi phải ngồi với các đơn vị trực tiếp làm công việc này là Fafilm và Công ty BHD. Tiền tác quyền ở giai đoạn phát hành là không nhỏ, phải 50-60 triệu. Nếu các đơn vị không thanh toán tác quyền, chúng tôi sẽ không đồng ý cho phim tham gia dự các LHP quốc tế sắp tới...”.
Về điều này, trước cuộc họp ngày 2.6, ông Lại Văn Sinh bày tỏ: “Đừng đốt là phim do Nhà nước đặt hàng, phục vụ mục đích chính là tuyên truyền. Số lượng người xem có thể rất đông, số buổi chiếu có thể rất nhiều nhưng doanh thu không cao. Vì mục đích của chúng ta ở bộ phim này là phim đến với người xem càng nhiều càng tốt. Rất nhiều buổi chiếu miễn phí đã và sẽ được tổ chức. Mà ngay cả chiếu bán vé thì doanh thu chiếu bóng phía phát hành cũng chỉ được hưởng 50 % , thậm chí ít hơn... Vậy nên, tính tác quyền thế nào cần phải cân nhắc trên nhiều bình diện. Tôi được biết, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao đã có ý định tặng toàn bộ tiền tác quyền 90 giây nhạc sử dụng trong phim cho Quỹ từ thiện. Đó là một việc làm đáng trân trọng, sẽ nối dài ý nghĩa và âm hưởng cảm động của bộ phim đến với đông đảo công chúng. Vì thế, vấn đề cần giải quyết ở đây tôi nghĩ không phải là tiền, mà cái chính là chúng ta phải khắc phục cái mà chúng ta thiếu sót với tác giả. Và điều này thì đơn vị sản xuất phim đã và đang thực hiện”.
Theo VH |