Tạp chí Sông Hương -
Khi diễn viên trở chứng...
08:44 | 04/06/2009
Vụ việc không có gì đáng lùm xùm, nhưng cuối cùng lại gây tốn khá nhiều giấy mực của các báo, xung quanh việc một diễn viên, chính xác hơn là một ca sĩ kiện một đạo diễn vì đã cắt vai của cô. Điều đáng nói là cô ca sĩ này đã dựa vào mối quan hệ với hầu hết các phóng viên trong lĩnh vực ca nhạc (sở trường của cô) để tạo nên scandal trên các mặt báo về lĩnh vực điện ảnh (sở đoản của cô), mà quên rằng nói điều đó ra với những diễn viên chuyên nghiệp, chắc chắn cô sẽ bị cười nhạo về sự “không hiểu biết” của mình.  
Khi diễn viên trở chứng...
Đạo diễn Lê Hoàng luôn đòi hỏi sự nỗ lực cao từ các diễn viên.

Đạo diễn không còn là vua 
 
Diễn viên Đào Bá Sơn tâm sự về công việc trong vai trò của một diễn viên mà anh từng kinh qua: “Vất vả, phơi nắng, phơi sương, học thoại như cuốc kêu, diễn đến mức không kịp thở. Sợ, nể trọng ông đạo diễn đến mức thậm chí không dám cãi lại, mà đạo diễn thì không phải lúc nào cũng đúng, cũng hay. Chẳng bao giờ dám cãi ông quay phim. Bảo đứng thì đứng, ngồi thì ngồi, đi thì đi… Thậm chí, sợ, nể cả anh em ánh sáng, chị em hóa trang, phục trang...”.

Nhưng đó là cái thời của anh. Thời mà một diễn viên được mời đóng phim là cả một niềm vinh dự và hạnh phúc. Vì vậy, ra đến phim trường, diễn viên cứ lăn xả vào diễn, vâng lời đạo diễn răm rắp. Đạo diễn có lớn tiếng, thậm chí la mắng cũng cúi đầu vâng dạ. 

Việc diễn viên nói xấu đạo diễn lại càng hiếm, trừ phi đạo diễn đó quá tệ, hành động xúc phạm đến nhân phẩm của họ. Không phải tất cả các đạo diễn đều tốt, chẳng qua là không một diễn viên nào muốn hình ảnh của mình xấu đi trong con mắt các đạo diễn, họ muốn còn được tiếp tục làm nghề. Nghề diễn viên có một sức hút kỳ lạ như thế. 

Mới đây, theo thông tin từ một người trong đoàn làm phim “Trạng sư Trần Mộng Cát”, bộ phim được phối hợp giữa Việt và Trung Quốc, đoàn này đã khốn khổ vì diễn viên bỏ ngang không tham gia. Đó là nam ca sĩ Nguyên Vũ, người được mời tham gia một vai thứ chính trong phim (có họp báo, công bố diễn viên của hai bên).

Lý do bỏ cuộc của Nguyên Vũ là kẹt show ca nhạc. Và phía Trung Quốc, trong lúc gấp rút đã phải thay bằng một nam diễn viên của phía họ vào vai trạng sư Việt .

Trong một lần trả lời phỏng vấn, đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết, có đến 99,9% các đạo diễn gặp tình huống thót tim vì diễn viên bỏ ngang, hoặc từ chối tham gia khi phim đã bắt đầu bấm máy. Lý do của diễn viên thường là bận, có phim khác, thậm chí là chẳng có lý do cụ thể.

Phó đạo diễn Hoàng Vinh mới đây đã kể, khi còn làm phó cho đạo diễn Đinh Đức Liêm trong bộ phim “Cuộc chiến hoa hồng” có những sự cố mà một người hiền lành, ít nói như anh Liêm mà đã phải thốt lên rằng, không bao giờ mời một diễn viên như Helen Thanh Đào vào phim của anh nữa. “Chỉ một mình cô ta mà làm cho cả đoàn làm phim bị ảnh hưởng, tiến độ làm phim phải chậm lại. Đây là một người có thái độ làm việc rất vô tổ chức. Cô ta nhận nhiều phim một lúc và chạy show từ phim này qua phim khác…” – Hoàng Vinh nói.

diễn viên Nguyễn Hậu cũng từng bức xúc: Để lăng xê “gà nhà”, một công ty quảng cáo đã đưa vào phim một gương mặt người mẫu còn rất trẻ, vào trường quay với một thái độ xấc xược, chẳng coi ai ra gì. diễn viên gạo cội Thế Anh cũng vậy, nhiệt huyết với nghề của ông nhiều lúc đã bị trôi tuột bởi sự thiếu ý thức của những diễn viên tay ngang, coi việc đóng phim giống như một trò chơi.

Kiện đạo diễn vì bị la mắng

Tất nhiên đó không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Bởi một diễn viên chuyên nghiệp thì họ hiểu quá rõ công việc của một đạo diễn. Áp lực về thời gian, tiền bạc, chất lượng tác phẩm… khiến cho ít đạo diễn giữ được thái độ nhẹ nhàng khi ra trường quay, nhất là khi phải chỉ đạo diễn xuất cho những diễn viên tay ngang không hề biết diễn. Có đạo diễn tâm sự: “Nhiều khi biết là chưa tốt song cũng đành tặc lưỡi cho qua”.

Gần đây những vụ kiện tụng hầu hết xuất phát từ những diễn viên lấn sân từ lĩnh vực ca nhạc, thời trang sang điện ảnh. Họ ít nhiều đã có tiếng tăm, hoặc chí ít cũng được đỡ đầu bởi các ông bầu. Ca sĩ Chương Đan vừa đòi kiện đạo diễn Hồng Ngân với lý do đã buộc cô phải chờ đợi ở phim trường, bị quát tháo, nhục mạ và vì cô đã bỏ tiền để mua sắm trang phục trong phim…

Số tiền đòi bồi thường của cô ca sĩ này là 150 triệu đồng, cộng với lời xin lỗi công khai! Hoặc trước đây là vụ cô người mẫu Thanh Hằng xuất hiện trên báo chí để kể tội đạo diễn bộ phim “Tôi là ngôi sao”…

Để tránh những phiền toái, rắc rối, bực bội, tiêu chí của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng “không chọn diễn viên tay ngang cho các vai chính, mà phải là diễn viên chuyên nghiệp”. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói: “Tôi sẽ chọn những diễn viên có sự đam mê và tính chuyên nghiệp, yêu nhân vật, yêu bộ phim… Nếu không có những điều đó thì dù có tài năng mấy tôi cũng không bao giờ mời”. Còn đạo diễn Đào Duy Phúc: “…Tôi không muốn làm ra sản phẩm văn hóa với những người thiếu văn hóa!”.   

Trong cuốn sách “20 bài học điện ảnh” của đạo diễn Việt Linh dịch, có câu chuyện về đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Martin Scorsese. Ông kể: có đạo diễn không hề yêu quý diễn viên, đối đãi thậm tệ, nhưng lại điều khiển họ diễn xuất sắc. Ai trong chúng ta cũng đều nghe câu chuyện kể về sự độc ác của Hitchcock… Song bất luận ông đối xử ra sao với các diễn viên, ông đã chỉ đạo họ diễn tốt.

 ritz Lang cũng rất khắt khe với diễn viên, tuy nhiên, trong mối tương quan đó ông đạt được điều ông muốn, hay chí ít điều ông cần về mặt diễn xuất. Nói ra điều đó không phải để bênh vực những đạo diễn thích to tiếng trên phim trường. Nhưng cũng cần nhìn nhận, có nhiều đạo diễn nóng tính, kỹ tính, yêu cầu cao đối với tác phẩm, vốn là đứa con tinh thần do họ sinh ra, vì vậy việc quát tháo khi chỉ đạo diễn xuất cũng là chuyện khó tránh.

Suy cho cùng, một tác phẩm khi đến được với khán giả, điều đọng lại vẫn là các nhân vật, khi đó hình ảnh của một đạo diễn phải lùi lại nhường chỗ cho diễn viên. Không ít diễn viên khi tỏa sáng đã phải nói lời cám ơn sự khắt khe của đạo diễn.

                                                                                                     Theo SGGP Online

Các bài mới
Các bài đã đăng