Tạp chí Sông Hương -
Nỗi thống khổ của người làm vợ Leo Tolstoy
15:46 | 04/06/2009
Sonia, vợ của nhà văn Leo Tolstoy, xưa nay vẫn được coi là người đàn bà tham lam ác nghiệt, là nguyên nhân khiến ông bỏ nhà ra đi để phải chết vất vưởng tại một nhà ga lạnh lẽo. Nhưng cuốn nhật ký sắp được xuất bản của bà lại cho thấy, Sonia cũng khổ sở không kém khi phải sống cùng một người chồng như ông.
Nỗi thống khổ của người làm vợ Leo Tolstoy
Nhà văn Leo Tolstoy.

Trong cuốn Anna Karenina, Tolstoy viết: "Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng". Chính cuốn nhật ký của Sonia Tolstoy đã tiết lộ nỗi bất hạnh riêng của vợ chồng nhà văn.

Xuyên suốt cuốn sách trải dài 50 năm là chân dung một người đàn ông cục cằn, khó tính, thờ ơ với gia đình, luôn kêu ca phàn nàn không ngớt và để mặc vợ chăm sóc đàn con 13 đứa, bất kể lúc vợ mạnh khỏe hay đau yếu. Sách sẽ được NXB Alma Books ấn hành vào tháng 10 tới.
"Tất cả thứ giáo lý ông ấy thuyết giảng về hạnh phúc của nhân loại chỉ khiến cuộc sống gia đình trở nên phức tạp, khiến cho tôi càng thêm mệt nhọc mà thôi", bà Sonia viết. "Thói quen ăn chay của ông đồng nghĩa với việc bữa ăn phải chuẩn bị hai lần, nghĩa là chi phí tăng lên gấp đôi, công việc cũng tăng gấp đôi. Những giảng giải của ông về tình yêu và lòng nhân ái chỉ khiến cho những thứ rác rưởi, hạ lưu có dịp xâm nhập vào gia đình chúng tôi, còn bản thân ông vẫn rất thờ ơ với vợ con. Thái độ quay lưng với cuộc sống vật chất, thế tục chỉ khiến cho ông thường xuyên phê bình, thường xuyên cáu kỉnh với mọi người xung quanh".

Sonia Tolstoy cũng kể khá chi tiết bức tranh cuộc sống gia đình bà ở Yasnaya Polyana vào một đêm tháng 10/1899. Lúc đó, Tolstoy đang bị ho nặng, nhưng ông vẫn ra khỏi nhà mà không nói cho bà biết là đi đâu. "Cơn bão nổi lên, mưa to và tuyết rơi dày đặc, nhà bị tốc mái, cây cối bật gốc, khung cửa sổ rung lên, trời ngày càng tối… nhưng ông ấy vẫn chưa về. Tôi ra cổng, đứng giữa nền đất, chờ ông trong cơn ho xối xả với trái tim đã gần như suy sụp. Chuyện này cũng chẳng khác mấy so với ngày xưa, khi còn trẻ, tôi vẫn ra đứng chờ ông đi săn đến hàng giờ", bà viết. Cuối cùng, ông cũng trở về. Bà khóc rú lên và bắt đầu quở trách chồng. "Và đáp lại tất cả những lời yêu thương, giận dỗi của tôi, ông chỉ nói: 'Tôi đi ra ngoài thì sao? Tôi có phải là đứa trẻ nữa đâu, mà phải báo cáo với bà'… Tôi tức điên lên vì ông ấy. Tôi đã dành rất nhiều tình yêu và sự quan tâm cho chồng. Sao trái tim ông băng giá đến vậy?".

Là một phụ nữ thông minh, có học - bà là người chép và chỉnh sửa toàn bộ kiệt tác Chiến tranh và Hòa bình cho chồng - Sonia cũng ao ước vươn tới những chân trời rộng hơn. Nhưng rốt cuộc, bà đã dành trọn cuộc đời để lặng lẽ đi bên cạnh, làm cái bóng của chồng với thái độ sùng kính ông hết mức.

Nhật ký của bà từng được xuất bản cách đây 20 năm nhưng hầu như chỉ phục vụ các học giả. Nay tác phẩm được ấn hành rộng rãi nhằm đến với đông đảo công chúng hơn. Sách có lời nói đầu của Doris Lessing - Nobel Văn học năm 2007. Lessing gọi Tolstoy là một ông chồng thiếu chu đáo, một con quái vật trong gia đình. Alessandro Gallenzi, giám đốc điều hành NXB Alma Books, cho biết: "Sonia chê trách chồng không tiếc lời. Điều đó không thích hợp để công bố rộng rãi trong những năm 1970, vì lúc đó, Tolstoy vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn, là tượng đài sừng sững trong lòng độc giả. Sự thực thì Sonia rất ghen tỵ với thành công của chồng. Tolstoy là một thiên tài văn học, nhưng con người cá nhân của ông lại không xứng với tầm đó".

Trong khi đó, các tài liệu trước đây đều cho rằng, Sonia vốn là người đàn bà tham lam, ích kỷ. Bà hầu như chỉ chú ý đến gia tài, tiền của do chồng làm ra mà không hề quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần của ông. Không chịu nổi cuộc sống căng thẳng hằng ngày do bà tạo ra, ngày 28/10/1910, ông lặng lẽ bỏ nhà ra đi với bác sĩ riêng. Trong bức thư để lại cho vợ, nhà văn viết: “Việc tôi ra đi đã làm cho bà phiền lòng. Tôi lấy làm tiếc vì chuyện đó, nhưng mong bà hiểu cho rằng tôi không thể làm cách nào khác được. Tình trạng ở trong nhà này đang và đã trở thành không thể chịu đựng nổi, ngoài những chuyện tồi tệ, tôi không thể nào sống trong hoàn cảnh xa hoa như tôi từng sống. Nay tôi làm cái điều mà các ông già ở tuổi tôi thường làm, rời bỏ cuộc đời thế tục để sống nốt những ngày cuối cùng của đời mình ở nơi ẩn dật tĩnh mịch… ".

Ngày 7/11/1910, ông qua đời tại nhà ga Astapovo.

                                                                                                                    Theo eVan

Các bài mới
Các bài đã đăng