Theo thông tin của Vesty. ru, trong những ngày đầu tháng 6 này, 80 người là hậu duệ của đại thi hào Nga A.S.Pushkin hiện đang sống ở các châu lục trên thế giới đã trở về Matxcơva để tham dự một chương trình văn hóa lớn, kỷ niệm 210 năm ngày sinh của Pushkin (6-6-1799 – 6-6-2009). Đại hội hậu duệ của A.S.Pushkin toàn thế giới lần thứ 1 đã khai mạc vào 3-6-2009. Những người tổ chức Đại hội cho biết một con số rất cụ thể, rằng con cháu của Pushkin trên trái đất này hiện có 234 người, và vào tháng 11 tới đây sẽ là …235! Thực ra, hậu duệ của văn hào, những người sống ở nước Nga từ lâu vẫn thường xuyên có những liên hệ mật thiết với nhau. Mười năm trước đây đã có một cuộc hội ngộ của gần 40 người trong ngày lễ “Những ngày Pushkin bên bờ sông Enisei”. Nhưng hội ngộ trên quy mô toàn cầu như thế này thì đây là lần đầu tiên. Có một điều đáng lưu tâm là, trong tất cả những người thuộc dòng họ Pushkin, không có và chưa từng có một ai là thi sĩ! Truyền thuyết của họ tộc để lại kể rằng, đại thi hào đã … cấm con cháu mình “lập thân” bằng văn chương, thơ phú.
Thực hư thế nào người ta chưa tìm hiểu được, chỉ có một điều rất rõ rằng, cho dù không làm thơ, con cháu Pushkin vẫn có những phương cách khác nhau để gìn giữ khởi nguồn tinh thần đẹp đẽ mà họ nhận được từ bậc tiền nhân của mình.
Ông Nikolai Soldantenkov, một Nga kiều ở Pháp, hiện là linh mục của Nhà thờ chính thống giáo Nga ở Pháp, nói: “Đối với tôi, việc được gặp gỡ với những người cùng họ tộc thật là quan trọng, hơn nữa, lại gặp nhau trên mảnh đất tổ phụ. Tôi sinh ra ở Pháp, nhưng tôi luôn cảm thấy rất buồn vì tổ tiên mình là người Nga mà mình lại trở thành một người ngoại quốc. Tôi gắng truyền thụ lại cho con cháu tôi những cảm nhận về một nền văn hóa Nga giàu có, về lịch sử văn học và âm nhạc”.
Kỷ niệm 210 năm ngày sinh Pushkin, trên khắp nước Nga, dự kiến sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, văn học ở các viện bảo tàng, trường đại học và cả các quảng trường, sân chơi công cộng. Bảo tàng Pushkin trên đường Prechistenka lần đầu tiên giới thiệu triển lãm có cái tên kỳ lạ: “Tiền – Pushkin – lại tiền!”, trong đó người ta phân tích chủ đề “tiền bạc” trong các tác phẩm của Pushkin. Vào đúng ngày 6-6-2009 tại thành phố
Pskov
và Khu bảo tàng bảo tồn Pushkin “Mikhailovskoye” sẽ diễn ra Ngày Thơ Pushkin toàn quốc lần thứ 43. Tìm hiểu kỹ thêm về Ngày Thơ này, thật thú vị khi biết rằng, cách đây tròn 100 năm người ta đã bàn đến việc tổ chức Ngày Thơ Pushkin thường niên, nhưng sáng kiến này chỉ được thực hiện từ năm 1967. Trong 43 năm qua, nhà văn Iraklii Luarsabovich Andronikov đảm nhiệm trọng trách chủ tịch hội đồng tổ chức Ngày thơ Pushkin toàn quốc.
43 lần tổ chức ngày thơ là 43 lần thành phố
Pskov
rộn ràng với thơ ca, từ đọc thơ ngoài đường phố đến những buổi biểu diễn ca hát kịch theo các tác phẩm của Pushkin. Năm nay còn có một điều đặc biệt khác nữa là, ban tổ chức tuyên bố mời tất cả mọi người đến thưởng thức thơ ca quanh một ấm samovar đang bốc khói, với một chén trà của bà nhũ mẫu Arina Rodionovna, người “bạn lòng tri kỷ - những ngày thơ cơ hàn” của nhà thơ. Người ta dự định đặt rất nhiều những chiếc bàn có trải khăn hoa, họa tiết xinh xắn đáng yêu, có bánh vòng, có trà ngon cùng những chiếc ghế gỗ dài ở khắp các góc của Khu bảo tồn. Khách đến đây sẽ ăn bánh, uống trà và nghe những bài dân ca Nga cổ do các bà các mẹ đến từ nhiều miền đất của nước Nga. Năm ngoái, tại đây, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của bà nhũ mẫu nổi tiếng Arina, lần đầu tiên đã có một cuộc gặp mặt các bà nhũ mẫu toàn nước Nga!
Gìn giữ những bài ca cổ qua giọng ca của các bà, các mẹ, các nhũ mẫu, hẳn người Nga luôn kỳ vọng sẽ có được những “Pushkin” nữa trong lịch sử văn học của nước nhà, hay chí ít là những nhà thơ, bất chấp lời nguyền kỳ lạ của dòng họ Pushkin!
Theo VietNamNet |